WHO cảnh báo: Thế giới có ít nhất 1,7 tỉ người uống nước nhiễm khuẩn

author 19:17 20/08/2024

(VietQ.vn) - Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2022, ít nhất 1,7 tỉ người trên toàn cầu sử dụng nguồn nước uống bị nhiễm khuẩn.

Nước sạch là nhu cầu thiết yếu của con người, nhưng hàng tỉ người trên thế giới hiện vẫn chưa được tiếp cận nước sạch do nước nhiễm khuẩn, nhiễm độc khá phổ biến. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2022, ít nhất 1,7 tỉ người trên toàn cầu sử dụng nguồn nước uống bị nhiễm khuẩn.

Nguồn nước có thể bị nhiễm khuẩn từ nhiều nguồn khác nhau. Theo PubMed, cơ sở dữ liệu của Thư viện Y học Quốc gia Mỹ, trực thuộc Viện Y tế Quốc gia Mỹ, thời gian lưu trữ nước, phương pháp lấy nước từ thùng chứa, nắp đậy thùng chứa nước, việc xử lý nước tại nhà và phương pháp xử lý chất thải lỏng cũng là những yếu tố gây ô nhiễm trong nước uống.

Nước bị ô nhiễm nói chung có thể khiến người uống đối mặt với những rủi ro sức khỏe rất lớn, chẳng hạn các bệnh như tiêu chảy, nhiễm trùng đường hô hấp cấp và nhiều bệnh nhiệt đới khác. Riêng tiêu chảy do uống nước nhiễm khuẩn ước tính gây ra khoảng 505.000 ca tử vong mỗi năm.

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), hiện có 50 quốc gia trên thế giới nơi người dân có thể uống nước tại vòi. Những quốc gia đó bao gồm hầu hết châu Âu, ngoại trừ vùng Balkan và các nước thuộc Liên Xô cũ.

Nguồn nước sinh hoạt ngày càng ô nhiễm trầm trọng ảnh hưởng lớn tới môi trường, sức khỏe con người. Ảnh minh họa

Riêng nước máy ở Croatia và Estonia có thể uống được tại vòi. Ở châu Mỹ, chỉ có 4 quốc gia có nước máy đủ điều kiện an toàn uống tại vòi là: Canada, Mỹ, Costa Rica và Chile. Toàn bộ châu Á chỉ có 7 quốc gia đạt tiêu chuẩn này là: Israel, Saudi Arabia, Kuwait, UAE, Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản. Úc và New Zealand là hai quốc gia còn lại trong danh sách của CDC.

WHO nhận định, với con số lên đến 1,7 tỉ người phụ thuộc vào nguồn nước bị ô nhiễm như đã nêu trên, việc sử dụng công nghệ xử lý nước tại hộ gia đình (household water treatment - HWT) để phòng ngừa bệnh tật đã trở nên ngày càng phổ biến.

Tiến sĩ Batsi Majuru của WHO cho biết lợi ích sức khỏe của HWT đang ngày càng được công nhận. WHO ước tính rằng khi sử dụng đúng cách và nhất quán, kết hợp với lưu trữ an toàn, HWT có thể làm giảm tới 45% bệnh tiêu chảy và cứu sống hàng nghìn trẻ nhỏ mỗi năm.

Cùng với sự phát triển nhanh chóng về kinh tế trong các ngành nông nghiệp và công nghiệp thì việc ô nhiễm môi trường nước ở Việt Nam cũng ngày càng nghiêm trọng. Sự ô nhiễm đến từ những chất thải công nghiệp, nông nghiệp, cũng như rác thải sinh hoạt.

Tình trạng ô nhiễm môi trường nước diễn ra nặng nề nhất ở các thành phố lớn và khu công nghiệp. Dẫn chứng thực tế về tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở 2 thành phố lớn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Tính riêng ở Hà Nội đã có 350.000 - 400.000 m3 lượng nước thải và 1.000 m3 rác thải bị thải trực tiếp ra sông ngòi hàng ngày và chỉ có 10% trong số đó đã qua xử lý. Còn ở Thành phố Hồ Chí Minh đơn cử như khu công nghiệp Thành Lương mỗi ngày có đến 500.000 m3 nước thải được thải ra.

Theo thống kê của Viện Y học Lao động và Vệ sinh môi trường những năm gần đây thì có đến 17 triệu người sống tại Việt Nam đang sử dụng nguồn nước không an toàn chưa được xử lý như nước mưa, nước ngầm,... Mỗi năm nước ta có đến gần 9.000 người từ vong và khoảng 20.000 người phát hiện mắc bệnh ung thư mà nguyên nhân chính là do ô nhiễm nguồn nước gây ra. Có đến 21% người dân Việt Nam đang phải dùng nguồn nước nhiễm Asen một hoạt chất có thể gây ung thư đây là thực trạng đáng lo ngại.

QCVN 01-1:2018/BYT quy định chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này do Bộ Y tế ban hành ban hành nhằm quy định mức giới hạn các thông số chất lượng đối với nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt là nước đã qua xử lý có chất lượng bảo đảm, đáp ứng yêu cầu sử dụng cho mục đích ăn uống, vệ sinh của con người.

Quy chuẩn này cũng yêu cầu đơn vị sản xuất nước phải tự tiến hành đánh hợp quy theo quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31/3/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Đơn vị sản xuất nước phải tiến hành đánh giá hợp quy theo phương thức đánh giá sự phù hợp quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 5 Thông tư 28/2012/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ và gửi bản tự công bố hợp quy về Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đơn vị sản xuất nước sạch có trụ sở theo Mẫu tại Phụ lục số 02 của Quy chuẩn này.

 An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang