Thêm hàng loạt tân binh, khốc liệt cuộc chiến giành thị phần xe công nghệ

author 08:52 16/09/2018

(VietQ.vn) - Thị trường taxi - xe ôm công nghệ tại Việt Nam dường như sôi động hơn với hàng loạt sự tham gia của các "lính mới" cả nội lẫn ngoại.

Theo thông tin trên báo Tin tức, ứng dụng gọi xe ô tô FastGo chính thức ra mắt tại Hà Nội hồi đầu tháng 6, đặt mục tiêu cạnh tranh trực diện với Grab với 20.000 tài xế trong 2 năm tới, mở rộng ra 8 thành phố tại Việt Nam. Ứng dụng này được phát triển bởi tập đoàn NextTech, một doanh nghiệp thuần Việt.

Trước FastGo đã có nhiều ứng dụng gọi xe công nghệ của Việt Nam ra mắt thị trường nhằm cạnh tranh với Grab và thế chân Uber khi hãng này rời khỏi Việt Nam như T.net, VATO, ABER…

Grab không còn độc quyền, thị trường taxi - xe ôm công nghệ bước vào cuộc chiến khốc liệt

Thị trường taxi - xe ôm công nghệ bước vào cuộc chiến khốc liệt. Ảnh minh họa.

Không chỉ doanh nghiệp trong nước, thị trường hơn 90 triệu dân và tỷ lệ người dùng smart-phone ngày càng cao là miếng bánh béo bở cho các ông lớn taxi công nghệ của nước ngoài như Didi Chuxin (Trung Quốc), Go-Jek (Indonesia)... Và như một cách để PR thương hiệu, ngay khi ra mắt thị trường, các hãng này sẽ dùng chính sách cạnh tranh về giá để thu hút khách hàng.

Như hãng FastGo cam kết một mức giá cố định, không tăng giá vào giờ cao điểm. Đây được coi là chiến lược để cạnh tranh với Grab, vốn bị khách hàng kêu ca là tăng giá vô tội vạ vào giờ cao điểm, mưa lớn... Hiện tại, mức giá cho xe 4 chỗ thông thường (Fast Car) là 7.900 đồng/km, thấp hơn tất cả các hãng khác. Đối với xe sang trọng (Fast Luxury), mức giá sẽ nhân 1,3 hoặc 1,4 so với giá cước Fast Car.

Mới đây, ứng dụng đặt xe 2 bánh Go-Viet cũng ra mắt tại Hà Nội sau chưa đầy 2 tháng hoạt động tại TP.Hồ Chí Minh. Ngay lập tức, hãng này tung ra chương trình khuyến mại cuốc xe đồng giá 1.000 đồng cho tất cả các lệnh đặt xe từ 6 quận nội thành và khoảng cách 6 km.

Sự tham gia của hàng loạt ứng dụng gọi xe công nghệ đã khiến Grab không còn giữ thế độc quyền như trước đây và người tiêu dùng được nhiều chính sách có lợi về giá.

Trả lời báo Thanh niên, Chuyên gia Kinh tế Ngô Trí Long nhận định, thời đại công nghệ phát triển, nhu cầu người dùng cũng cao hơn, đồng nghĩa dư địa phát triển của loại hình này còn rất lớn. Tuy nhiên đây không phải là miếng bánh "ngon ăn". Đối với thị trường gọi xe công nghệ, quan trọng nhất là có lực lượng tài xế đông đảo đủ để phục vụ người dùng ngay khi họ cần. Tâm lý khách hàng rất đơn giản, chỉ cần đáp ứng được yêu cầu của họ thì họ sẽ lựa chọn. Chỉ cần 2 - 3 lần gọi xe không được, khách hàng sẽ nản, tạo ấn tượng không tốt và sẽ rất khó để quay lại sử dụng.

Minh chứng rõ nhất là rất nhiều ứng dụng như VATO, ABER, GOFAST ra mắt rầm rộ, nhận được nhiều ủng hộ của người tiêu dùng khi đánh vào tâm lý người Việt ủng hộ hàng Việt nhưng cuối cùng cũng phải im hơi lặng tiếng vì không đủ lực lượng phục vụ khách hàng.

Ông Long đánh giá trong cuộc chiến hiện tại, Grab vẫn đang thể hiện vị trí anh cả, rất khó để các tân binh có thể đánh bại. "Là người đầu tiên khai phá thị trường, Grab đã khẳng định thương hiệu, ít nhiều tạo được vị thế nhất định trong lòng người dùng. Họ cũng có một lực lượng tài xế đông đảo, tạo tiền đề cơ bản vững chắc cho việc mở rộng thêm các tiện ích, dịch vụ khác. Tuy nhiên thị trường luôn khốc liệt và không thể nói trước điều gì. Người mới hay cũ, chỉ cần đảm bảo chất lượng dịch vụ, giá cả thỏa mãn người dùng là sẽ thắng" - vị này nói.

 Phương Nam (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang