Thị trường carbon tự nguyện: Tìm cơ hội từ đâu?

author 15:08 28/12/2023

(VietQ.vn) - Việt Nam có nhiều tiềm năng lớn khi tham gia thị trường carbon tự nguyện nhờ các lợi thế từ tự nhiên, ước tính nguồn thu mỗi năm có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng nếu xuất khẩu thành công.

Giao dịch tín chỉ carbon trên thị trường thế giới diễn ra rất sôi động. Việt Nam hiện đã có 62 dự án đang tham gia giao dịch trên thị trường này, chủ yếu là các dự án thủy điện.

Tiềm năng không chỉ từ rừng

Ngoài các dự án đã được giao dịch trên sàn giao dịch tín chỉ quốc tế, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều dư địa để phát triển thị trường carbon tự nguyện.

Việt Nam có hơn 14,7 triệu ha rừng, trong đó có 10 ha rừng tự nhiên, đạt tỷ lệ che phủ 42,02%, là nơi hấp thụ và lưu giữ lượng lớn carbon, được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng với các dự án về tín chỉ carbon rừng. Theo các nhà phân tích, rừng Việt Nam có thể tạo ra khoảng 50-70 triệu tấn tín chỉ carbon rừng dôi dư, tạo nguồn thu lên đến hàng nghìn tỷ đồng nếu xuất khẩu thành công.

Cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT cũng cho biết, hiện đơn vị này ghi nhận thông tin nhiều địa phương đã chủ động xây dựng đề án, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép được thí điểm dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng tại địa phương như Quảng Nam, Sơn La, Lào Cai.

Theo ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, rừng ở khu vực Bắc Trung Bộ đã bán được giảm phát thải khí nhà kính (hấp thụ CO2) giá trị hơn 50,5 triệu USD, với giá 5 USD/tấn. Dự kiến, Việt Nam sẽ chuyển nhượng cho Tổ chức Tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent) và Liên minh Giảm phát thải và tăng cường tài chính lâm nghiệp (LEAF) 5,15 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ rừng tại vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ giai đoạn 2022-2026 với giá tối thiểu 10 USD/tấn CO2. Tổng diện tích rừng tham gia chương trình này khoảng 4,29 triệu ha. Như vậy, số tiền chúng ta nhận được khoảng 51,5 triệu USD. 

Ngay cả những cánh rừng ngập mặn ven biển cũng là lợi thế trước nay ít ai nghĩ tới. Theo đại diện Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (Bộ NN-PTNT), thời gian gần đây, số lượng nhà đầu tư hướng tới Việt Nam để tìm kiếm cơ hội mua tín chỉ carbon rừng ngập mặn ngày càng tăng bởi rừng ngập mặn có khả năng hấp thụ và lưu trữ carbon cao hơn từ 4 - 10 lần so với rừng trên cạn tùy vào các khu vực khác nhau. Theo tính toán, phần lớn diện tích rừng ngập mặn Việt Nam tập trung ở khu vực phía Nam. Năm 2022, tổng diện tích rừng ngập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long là 90.000ha.

Khả năng hấp thụ carbon của rừng ngập mặn cao hơn từ 4-10 lần.

Ông Phan Minh Tiến, CEO Công ty Cổ phần Dừa nước Việt Nam (VIETNIPA) cho biết, với hơn 900 ha vùng nguyên liệu tự nhiên, cây dừa nước không chỉ tạo ra giá trị kinh tế cho bà con nông dân Cần Giờ từ việc lấy mật dừa nước, phát triển du lịch bản địa, là giải pháp đối phó với biến đổi khí hậu cho TP.HCM mà còn là “ngân hàng” tín chỉ carbon với trữ lượng đáng kể.

"Mỗi cây dừa nước 5 năm tuổi sẽ bán được khoảng 2 USD tín chỉ, với số lượng 2.500 cây/hecta, nếu tính với giá thấp nhất hiện nay là 7 USD/tín chỉ thì hơn 900 hecta dừa nước tại Cần Giờ sẽ cho doanh thu thấp nhất là 115 triệu đồng/năm. Nếu kết hợp với các địa phương ven biển khác để trồng và khai thác, cây dừa nước sẽ cho số lượng đáng kể trên sàn giao dịch tín chỉ carbon Việt Nam”, ông Tiến phân tích.

Tuy nhiên, nếu chỉ xét về rừng thì rừng chưa đánh giá hết tổng thể tiềm năng của Việt Nam ở thị trường rộng lớn này. Theo phân tích của các chuyên gia, bất kỳ dự án nào giúp cắt giảm khí thải nhà kính thì đều có thể chuyển thành tín chỉ carbon.

Bà Đặng Hồng Hạnh, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC) cho biết, công ty này hiện đang đồng hành với rất nhiều DN tại Việt Nam trong việc phát triển và quản lý các chương trình, dự án về tín chỉ carbon theo Cơ chế Phát triển Sạch (CDM), Tiêu chuẩn Carbon được Thẩm định (VCS) và Tiêu chuẩn Vàng (GS) cũng như các cơ chế thị trường mới trong khuôn khổ UNFCCC. Các dự án chủ yếu thuộc lĩnh vực thủy điện (19 dự án), điện gió, xử lý rác thải đô thị và chuyển đổi sang nhiên liệu sinh khối, tránh phát thải Metan v.v… 

Tiêu biểu có thể kể đến dự án Nhà máy điện gió tỉnh Bạc Liêu - nhà máy điện gió gần bờ đầu tiên của Việt Nam với tổng công suất 99.2 MW, ước tính giảm phát thải khoảng 143.761 tCO2 mỗi năm. Dự án xử lí rác thải đô thị Vietstar (TP.HCM) với các hoạt động phân loại rác thải đô thị (MSW); tái chế rác thải từ nhựa, xử lý nhiệt hiếu khí phần hữu cơ áp dụng công nghệ phân hủy LEMNA, ước tính giảm phát thải khoảng 181.492 tCO2e mỗi năm.

Dự án chuyển đổi nhiên liệu lò hơi từ dầu FO sang than trấu tại Công ty Sài Gòn VeWong (TP.HCM) nhằm tạo ra hơi từ phụ phẩm sinh khối (viên nén vỏ trấu) – loại nhiên liệu trung tính về carbon, có tác động môi trường không đáng kể và tận dụng phụ phẩm sinh khối, do đó mang lại mức giảm phát thải là 24.866 tCO2e mỗi năm. 

Hay dự án đồng phát nhiệt điện sử dụng bã mía tại Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn có thể giúp doanh nghiệp này vừa tận dụng được tối đa lượng phát thải để tạo ra nguồn nguyên liệu mới. Hơi quá nhiệt được tạo ra từ lò hơi sẽ được chuyển tới tuabin để tạo ra điện năng với công suất 12,5 MW và sản lượng điện dự kiến hàng năm là 69.570 MWh.

Hơi trích từ tuabin và 17% tổng điện năng tạo ra sẽ được sử dụng cho nhu cầu nội bộ của nhà máy đường. Dự án này cho phép nhà máy tạo ra lượng phụ phẩm sinh khối thặng dư vào khoảng 175.000 tấn mỗi năm dùng để phát điện, đạt được giảm phát thải khoảng 31.706 tCO2 mỗi năm.

Tín chỉ carbon được bán với giá bao nhiêu?

Số liệu báo cáo từ Trung tâm con người và thiên nhiên (PanNature) tháng 3/2023 cho thấy, Việt Nam hiện có tổng cộng 276 dự án CDM và gần 29,4 triệu tín chỉ carbon được ban hành từ các dự án tín chỉ carbon phát triển theo cơ chế CDM tại Việt Nam. Ngoài CDM, Việt Nam cũng phát triển các dự án tín chỉ carbon theo tiêu chuẩn quốc tế độc lập. Thống kê cho thấy có 32 dự án đăng ký theo Tiêu chuẩn Vàng (GS) và 27 dự án đăng ký theo tiêu chuẩn carbon được thẩm định (VCS) với số lượng tín chỉ được ban hành lần lượt là 5,7 triệu và 1,3 triệu tín chỉ.

Bên cạnh xây dựng các dự án, việc định giá tín chỉ carbon cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm. Thời gian qua, doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội và thu được nhiều lợi ích trong thực hiện cơ chế khi nhận được hơn 15.000 tỉ đồng thông qua bán tín chỉ carbon từ các dự án cơ chế phát triển sạch và gần 35 triệu USD hỗ trợ cho các dự án cơ chế tín chỉ chung để áp dụng các công nghệ, sản phẩm, hệ thống, dịch vụ carbon thấp tiên tiến của Nhật Bản. 

Tuy nhiên, giá tín chỉ carbon ở mỗi dự án lại không giống nhau. Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp đã bán tín chỉ carbon ra thị trường quốc tế với giá 6 - 10 USD/tín chỉ. Ở 6 tỉnh Bắc Trung Bộ bán giá 5 USD/ tấn CO2 cho Ngân hàng Thế giới. Tại Quảng Nam đã có đối tác tìm mua một vài dự án lâm nghiệp khác bán với giá 17 USD/ tấn CO2. Các mức giá này dao động khá lớn tùy dự án và người mua. Đây cũng là hiện trạng chưa đồng nhất của thị trường carbon trên thế giới.

Phân tích về các mức giá giao dịch hiện nay,  ông Nguyễn Võ Trường An - Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sàn giao dịch tín chỉ carbon ASEAN cho biết, tín chỉ carbon có nhiều mức giá khác nhau, tùy thuộc vào vị trí và thị trường nơi chúng được giao dịch. Một dự án tín chỉ carbon từ rừng sẽ có giá khác với dự án tín chỉ carbon từ thủy điện, điện gió. 

“Chỉ tính riêng nội hàm tín chỉ carbon từ rừng đã có sự khác biệt, vì rừng nguyên sinh sẽ có mức hấp thụ khác với rừng trồng mới. Mức độ hấp thụ của rừng theo tuổi thọ cũng khác nhau. Trên thực tế, việc định giá tín chỉ carbon hiện nay vẫn đang gặp khó do phụ thuộc nhiều vào việc đánh giá và xác minh giá trị tín chỉ carbon đó theo từng năm, vì chất lượng tài nguyên còn thay đổi tương đối theo thời gian", ông An phân tích. 

Đó là chưa kể, một dự án bán tín chỉ carbon cũng phải “bắt” được một đơn vị muốn mua lượng tín chỉ tương ứng, chứ không thế “xé nhỏ” để bán cho nhiều đơn vị mua cùng một lúc. Giá của dự án cũng thay đổi vì lý đó đó. Tuy nhiên, ông An cũng cho rằng, các chủ dự án tín chỉ carbon có thể yên tâm về mức giá ngày càng tăng của mặt hàng này. Ở Châu Âu, giá tín chỉ carbon cao hơn rất nhiều so với con số trên và tăng mạnh trong vòng hơn 2 năm qua. 

Theo Bộ TN&MT, hiện 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ đã áp dụng định giá carbon với sự tham gia của hàng chục ngàn tập đoàn, doanh nghiệp lớn, nguồn thu năm 2022 khoảng 95 tỉ USD. 

Ngọc Anh - Kim Thoa

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang