Thị trường đen mua bán thận ở Ấn Độ

author 15:20 17/06/2016

(VietQ.vn) - Cầu nhiều nhưng cung ít, nên giá mua một trái thận vào khoảng 60.000 USD trên thị trường chợ đen, thậm chí lên đến… 160.000 USD.

th

Hai tuần sau khi cảnh sát Ấn Độ phát hiện đường dây mua bán thận trái phép tại bệnh viện Indraprastha Apollo, một trong những bệnh viện tư hàng đầu của thủ đô New Delhi, cuộc điều tra vẫn tiếp tục để lần ra “ông trùm” chỉ huy thị trường ngầm mua bán nội tạng ở nước này.

Bán một trái thận mua được rẻo đất nhỏ

Cách Kathmandu (Nepal) 12 dặm về phía Đông là làng Hokse.

Đó chỉ là một ngôi làng nằm trên đồi với vài chục ngôi nhà bằng đất, bao quanh bởi những cánh đồng ngô, nghèo xơ nghèo xác. Không có gì để tham quan hay du lịch, nhưng Hokse lại nổi tiếng cả thế giới vì được gọi là… “làng bán thận”.

Có 75 hộ trong làng, nhưng hầu như mọi người ở đây chỉ sống với… một quả thận trong người.

Kenam Tamang, 48 tuổi, là một trong số đó. Năm 2002, nghe lời đường mật của người em họ, anh rời Hokse, vượt qua biên giới tìm đến Ấn Độ để có một việc làm thu nhập cao và ổn định.

Nhiều ngày sau, họ có mặt ở thành phố Chennai phía Nam Ấn Độ, kết thúc hành trình di cư như hàng trăm ngàn người Nepal trước đó, và Kenam được giới thiệu cho một nhóm người bản địa.

“Một tối nọ, tôi nghe họ nói về thận, nhưng tôi không hiểu hết toàn bộ câu chuyện vì họ nói bằng tiếng Hindi. Ngày hôm sau, tôi được dẫn đến một bệnh viện. Họ nói sẽ lấy một quả thận của tôi, ngược lại tôi sẽ có một số tiền lớn, không có vấn đề sức khỏe gì, thậm chí sau đó thận sẽ còn… mọc lại”, anh kể lại.

Dĩ nhiên, thận không thể nào mọc lại sau khi được lấy đi. Người ta hứa trả cho Kenam 700 USD tiền mặt, nhưng ba tháng sau, trên chiếc xe bus trở về làng Hokshe, anh chỉ nhận được vỏn vẹn… 100 USD.

“Số tiền kia được tiêu xài cho ăn uống và chi trả thuốc men sau phẫu thuật”, Kenam cay đắng nói. “Trong thời gian đó, thằng em họ tôi thì say khướt với số tiền nhận được sau khi lừa gạt tôi”.

Mỗi người dân của làng Hokshe đều có một câu chuyện để kể như Kenam. Nhưng đâu chỉ Hokshe, tại Jyamdi, ngôi làng cạnh bên, người dân cũng bị lừa gạt như thế.

Ganesh Bahadur Damai, 40 tuổi, cũng từng tìm đến Ấn Độ với ước mơ có một việc làm tốt cho đến khi anh phát hiện mình nằm trên giường của một bệnh viện tại Bangalore.

“Người ta tiêm thuốc mê cho tôi mê man trong 24 giờ và lấy đi một trái thận. Ba tháng sau, khi tôi trở về được Kathmandu thì trong túi chỉ còn khoảng 150 USD, số tiền đó mua được một rẻo đất nhỏ để trồng trọt. Người cho thận phải đi kiểm tra sức khỏe hàng năm, nhưng tôi thì không có tiền để làm chuyện đó”, Damai buồn bã nói.

Không ai giàu vì bán thận

Ước tính có hàng triệu người Ấn Độ mắc bệnh thận, phần lớn là biến chứng của bệnh tiểu đường.

Theo đánh giá của Mạng lưới nhận thức cho và nhận bộ phận (The Organ Receiving and Giving Awareness Network  - ORGAN), mỗi năm chỉ có khoảng 3.000 người cho thận ở Ấn Độ, nhưng nhu cầu lại lên đến hơn… 500.000!

Tình trạng thiếu thận ghép trầm kha đã dẫn đến sự xuất hiện và tồn tại của thị trường chợ đen mua bán thận.

Cầu nhiều nhưng cung ít, nên giá mua một trái thận vào khoảng 60.000 USD trên thị trường chợ đen, thậm chí lên đến… 160.000 USD nếu nó được mang đến những quốc gia xa xôi.

Quả là một số tiền khủng khiếp, và càng khủng khiếp hơn nữa khi người bán cuối cùng chỉ nhận được trên dưới 100 USD, những kẻ trung gian hưởng lợi gần như ăn trọn.

Dù biết mình bị lừa gạt trắng trợn, nhưng người nghèo vẫn sẵn sàng bán thận.

“Nếu có 1.000 USD tôi sẵn sàng bán thận”, một người mẹ 19 tuổi nói sau khi bị cảnh sát điều tra. “Với số tiền đó, con trai tôi sẽ được bảo đảm tương lai”.

TS - BS  Rishi Raj Kafle, giám đốc điều hành Trung tâm Thận Quốc gia tại Kathmandu, nói: “Hokshe là một thí dụ cho thấy người nghèo bị lợi dung như thế nào. Người dân thấy không ai chết sau khi bán thận nên họ nghĩ, “Tại sao mình không làm như thế?””.

Không ai chết vì bán thận, nhưng trước mắt những người này đều cảm nhận họ bị các vấn đề vì thiếu thận: cao huyết áp, sức khỏe sa sút, thậm chí suy thận còn lại.

BS Kafle quan ngại khi cho rằng có rất nhiều làng Hokshe tại Nepal và bên kia Ấn Độ, nơi người dân bị lừa bán thận, và kẻ hưởng lợi chỉ là bọn tổ chức đường dây cung cấp thận. “Tôi chưa thấy ai bán thận mà giàu được cả”, ông nói.

Biết thế, nhưng người nghèo không còn chọn lựa nào khác. Ở làng Hokshe, nếu làm việc cật lực mỗi ngày, một người chỉ kiếm được… 2 USD.

Người nghèo cần tiền để mua thức ăn và chi trả nhu cầu cấp bách. Trước mắt họ cần sống dù biết rằng mai đây họ sẽ bệnh tật và chết.

Bởi thế thị trường đen mua bán thận gần như không thể triệt phá. Một bệnh viện tư tên tuổi như Indraprastha Apollo còn dính dáng, dù họ cho rằng mình bị lừa gạt.

Sau khi bắt giữ 5 người đầu tiên trong vụ việc mua bán thận bất hợp pháp tại Indraprastha Apollo, cảnh sát Ấn Độ đang tạm giam Raju Ramakant Rao, được cho là kẻ điều hành đường dây mua bán thận tại nhiều thành phố lớn của Ấn Độ.

Châu Giang

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang