Nguy cơ từ những thiết bị vệ sinh không nguồn gốc, giả mạo nhãn hiệu

author 16:49 13/07/2022

(VietQ.vn) - Theo các chuyên gia, nếu sử dụng phải thiết bị vệ sinh không rõ nguồn gốc, giả mạo nhãn hiệu sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho người dùng.

Thiết bị vệ sinh là những vật dụng bố trí trong nhà tắm - nhà vệ sinh phục vụ cho các nhu cầu vệ sinh cơ bản của con người. Thiết bị vệ sinh bao gồm các dòng sản phẩm chính thường thấy như bồn cầu, vòi nước, chậu rửa, bồn tắm, sen cây…Tuy nhiên theo ghi nhận hiện nay trên thị trường các sản phẩm này đang được làm giả, làm nhái rất nhiều gây ra không ít hệ lụy cho người tiêu dùng.

Cụ thể, theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hà Giang, mới đây Đội QLTT số 8 đã tiến hành kiểm tra, phát hiện và thu giữ các sản phẩm sen vòi gắn nhãn hiệu Caesar có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.

Cụ thể, Đoàn kiểm tra thuộc Đội QLTT số 8 tiến hành kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh ông Tạ Văn Nam tại Khu phố Mậu Duệ, xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang.

Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện sản phẩm sen vòi đang bày bán có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nhãn hiệu Caesar Việt Nam. Chủ sơ sở không xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của các sản phẩm trên. Đoàn kiểm tra tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nêu trên để xác minh làm rõ.

 Thiết bị vệ sinh giả mạo nhãn hiệu bị thu giữ. Ảnh: Cục QLTT Hà Giang

Tương tự, theo ghi nhận của Cục QLTT tỉnh Nam Định, sau thời gian bám sát và theo dõi, Đội QLTT số 1 tỉnh Nam Định đã xác định một kho chứa hàng tại địa chỉ: Tổ dân phố Mỹ Trọng 3 - P. Mỹ Xá - TP. Nam Định - Tỉnh Nam Định tàng trữ hàng hóa là phụ kiện thiết bị nhà vệ sinh, nhà bếp các loại có dấu hiệu vi phạm hành chính.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ kho hàng hoá là ông Trần Văn Định, địa chỉ thường trú: Xã Nghĩa Thành, Huyện Nghĩa Hưng, Tỉnh Nam Định không xuất trình được hoá đơn, chứng từ hợp pháp chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số hàng hóa trong kho là phụ kiện thiết bị nhà vệ sinh, nhà bếp các loại. Trong đó gần 50 đơn vị sản phẩm trên nhãn hàng hóa có thể hiện do nước ngoài sản xuất và hơn 600 đơn vị sản phẩm trên nhãn hàng hóa không thể hiện nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa. Trị giá hàng hóa ước tính khoảng gần 90 triệu đồng. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để củng cố hồ sơ làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Nói tới thiết bị vệ sinh không rõ nguồn gốc và giả mạo nhãn hiệu theo các chuyên gia, hiện nay, việc làm giả sản phẩm của các thương hiệu thiết bị vệ sinh nổi tiếng đang diễn ra tràn lan, hầu như thương hiệu nào có tiếng hoặc có dòng sản phẩm nào đó bán chạy thì đều có hàng giả. Điều này khiến cho người tiêu dùng khó có thể phân biệt được đâu là thật giả, thậm chí họ còn có nhiều “cơ hội” để tiếp xúc với hàng giả hơn cả hàng thật vì chúng được sản xuất và phân phối ồ ạt trên thị trường.

Bởi thông thường người tiêu dùng hay gặp các trường hợp thiết bị phát sinh vấn đề sau khi mua về và sử dụng không bao lâu. Một số biểu hiện hư hỏng thường gặp nhất là: lavabo bị ố vàng, vòi xả nước bị rò rỉ, vòi sen bị gãy hoặc đang xả nước thì bị đơ, bồn tắm bị bong tróc lớp men bên ngoài,…

Hơn nữa, những vị trí hư hỏng này lâu ngày không được khắc phục sẽ dẫn đến hiện tượng đóng cặn bẩn, chất nhờn, nước chảy ra sẽ có mùi hôi và bị vẫn đục. Việc vệ sinh, cọ rửa các thiết bị sẽ càng khó khăn hơn dù người dùng đã sử dụng các loại hóa chất tẩy rửa. Theo nhận định của các chuyên gia trong giới sản xuất thiết bị vệ sinh, đó là những dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng đã mua nhầm sản phẩm giả, kém chất lượng.

Ngoài ra, các chuyên gia còn đưa ra khuyến cáo, trong những trường hợp này, các gia đình hãy ngưng ngay việc sử dụng sản phẩm và hãy thay thế bằng sản phẩm chính hãng nếu không muốn sức khỏe của các thành viên trong nhà bị ảnh hưởng tiêu cực như: Hầu hết các thiết bị vệ sinh giả đều có hàm lượng kim loại nặng (nhất là chì) khá lớn, có khả năng hòa tan vào trong nước và gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm chết người như: ung thư, tim mạch, thần kinh, dạ dày, viêm da,…

Nguy cơ xảy ra cháy nổ thiết bị cũng có thể xảy ra. Đối với các loại thiết bị vệ sinh kém chất lượng, không được sản xuất theo quy trình chuẩn, chất liệu không đảm bảo nên từ kết cấu, bố cục cho đến tính năng hoạt động đều bị khiếm khuyết mà chúng ta khó có thể phát hiện bằng mắt thường. Vì thế, chỉ một tác động nhỏ lên những lổ hỏng “vô hình” có thể khiến thiết bị phát nổ bất cứ lúc nào, và chúng ta cũng không còn xa lạ gì với những sự cố nổ bồn cầu gây thương vong do mua nhầm hàng kém chất lượng đã xảy ra trong thời gian qua.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang