Thổi phồng công dụng mỹ phẩm, TPCN như thuốc trị bệnh rồi lặng lẽ gỡ bỏ: Thương hiệu GUARDIAN vẫn tự nhận là uy tín?

authorThu Phương 14:57 21/05/2023

(VietQ.vn) - Sau phản ánh của Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) về việc quảng cáo mỹ phẩm, TPCN như thuốc trị bệnh, thương hiệu GUARDIAN lặng lẽ sửa thông tin mà không có bất cứ động thái nào đính chính, xin lỗi người tiêu dùng.

Thời gian qua, toà soạn Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) nhận được phản ánh của người tiêu dùng khi sử dụng các sản phẩm mỹ phẩm, TPCN thương hiệu GUARDIAN thuộc Công ty TNHH MTV Thương mại và Đầu tư Liên Á Châu có trụ sở chính tại L2-VP-01, 346 Bến Vân Đồn, P1, Q4, TP Hồ Chí Minh phân phối thổi phồng quảng cáo giống thuốc chữa bệnh, có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo mỹ phẩm, TPCN.

Thổi phồng công dụng mỹ phẩm, TPCN như thuốc trị bệnh rồi lặng lẽ gỡ bỏ: Thương hiệu GUARDIAN vẫn tự nhận là uy tín?

 Sản phẩm này được quảng cáo là kem nghệ trị mụn. Sau khi bị phát giác quảng cáo sai sự thật thương hiệu này lặng lẽ sửa thành kem nghệ giảm mụn.

Được biết, trong bài giới thiệu của mình, thương hiệu GUARDIAN tự nhận "truyền cảm hứng sống khỏe đẹp cho hàng triệu khách hàng, đem đến cho quý khách hàng trải nghiệm mua sắm: đáng tin cậy, chất lượng cao, giá tốt và dịch vụ tuyệt vời". Thế nhưng, ngay sau khi bài viết "Quảng cáo mỹ phẩm, TPCN như thuốc, thương hiệu GUARDIAN đang lừa dối người tiêu dùng?" được đăng tải trên Vietq.vn thì thương hiệu này lại lặng lẽ sửa những thông tin quảng cáo sai sự thật. 

Điều đáng nói, là một thương hiệu nổi tiếng, với phương châm bán hàng "đáng tin cậy, dịch vụ tuyệt vời" như trên thế mà sau khi bị phát giác quảng cáo sai sự thật, thương hiệu này lại lặng lẽ chỉnh sửa thông tin. Đáng nói, thương hiệu này không hề có động thái nào trong việc sửa chữa, khắc phục những sai phạm có dấu hiệu lừa dối khách hàng từng vì tin vào những lời quảng cáo thổi phồng mà mua sản phẩm sử dụng.

Câu hỏi đặt ra là, nếu chất lượng sản phẩm không như quảng cáo, người tiêu dùng có được đền bù hay bồi thường khi đã sử dụng sản phẩm?

Sau khi bị phát giác, sản phẩm Slim Line L-Carnitine Dr. Frei đã chỉnh sửa thành "hỗ trợ giảm cân".  

Như Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đã phản ánh, trên website bán hàng ở địa chỉ www.guardian.com.vn thương hiệu này liên tục quảng cáo những miếng dán có xuất xứ từ Hàn Quốc với công năng trị mụn trong khi đây chỉ là miếng dán hỗ trợ tái tạo da, giúp lành vết thương. Và hiện tại những miếng dán này đã "biến mất" khỏi hệ thống bán hàng online.

Hay thương hiệu này cũng thổi phồng công dụng sản phẩm mặt nạ với công năng trị mụn. Theo đó, trên trang thương mại điện tử bán hàng kể trên đã giới thiệu một sản phẩm có xuất xứ từ Hàn Quốc với công dụng: “Mặt nạ trị mụn Some By Mi Tea Tree Calming Sheet Mask 25Gr là giải pháp êm dịu cho làn da với thành phần từ lá tràm trà và chiết xuất rau má. Sử dụng mặt nạ tràm trà trị mụn Some By Mi giảm mụn hiệu quả, an toàn”.

Không chỉ quảng cáo mỹ phẩm như thuốc trị mụn, thương hiệu này cũng quảng cáo thực phẩm chức năng với công dụng giảm cân. Chẳng hạn sản phẩm Slim Line L-Carnitine Dr. Frei có nguồn gốc xuất xứ từ Đức được quảng cáo trên website này là chức năng giảm cân trong khi đây chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng khác cũng được thương hiệu này quảng cáo giống thuốc chữa bệnh trên website.

Những chiếc mặt nạ cố tình quảng cáo công năng trị mụn sau khi bị phát giác đã sửa thành mặt nạ làm dịu da. Ngoài ra, nhiều sản phẩm miếng dán trước đó quảng cáo công dụng trị mịn đã "bay hơi" khỏi hệ thống bán hàng trên website.

Theo chuyên gia pháp lý, tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về quảng cáo mỹ phẩm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 51 Nghị định 38/2021/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 129/2021/NĐ-CP), cụ thể:

 
Theo Mục b, Khoản 3 và Điều 3, Khoản 4, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo 2012 thì các đơn vị phân phối, tiếp thị TPCN phải: b) Khuyến cáo sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm cũng quy định: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe là sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh”.
Trước thực trạng sản phẩm TPBVSK đang làm loạn thị trường, các chuyên gia khuyến cáo, người tiêu dùng không nên mua sản phẩm qua mạng xã hội, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Để cơ thể khỏe mạnh người tiêu dùng nên có chế độ ăn hợp lý, luyện tập thể dục thể thao hàng ngày. Đã có rất nhiều câu chuyện thương tâm xảy ra khi mua sản phẩm giảm cân qua mạng xã hội để rồi tiền mất, tật mang thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.
 

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo mỹ phẩm đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy tiếp nhận nhưng khi quảng cáo ở địa phương khác mà không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi quảng cáo biết.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không đọc rõ ràng một trong các thông tin: Tên mỹ phẩm; tính năng, công dụng của mỹ phẩm và các cảnh báo theo quy định khi quảng cáo trên báo nói, báo hình.

- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Quảng cáo mỹ phẩm có nội dung không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định;

+ Quảng cáo mỹ phẩm chưa được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm hoặc số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm hết thời hạn;

+ Quảng cáo mỹ phẩm thiếu một trong các nội dung sau: tên mỹ phẩm; tính năng, công dụng chủ yếu của mỹ phẩm trừ trường hợp tính năng, công dụng đã được thể hiện trên tên của sản phẩm; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; các cảnh báo theo quy định.

- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo mỹ phẩm có tác dụng như thuốc gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

- Biện pháp khắc phục hậu quả:

+ Buộc cải chính thông tin đối với hành vi quy định tại điểm a và điểm c khoản 3, khoản 4 Điều 51 Nghị định 38/2021/NĐ-CP;

+ Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, sản phẩm quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 51 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp kinh doanh chân chính, Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, kiểm tra để làm rõ những dấu hiệu vi phạm (nếu có) của đơn vị kinh doanh sản phẩm nêu trên.

NPV

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang