Giãn dân phố cổ Hà Nội: Buộc di dời các hộ 'nhảy dù', lấn chiếm di tích

author 10:22 04/02/2015

(VietQ.vn) - Các hộ dân ở trong các di tích, công sở, trường học, các hộ không có hộ khẩu hoặc ở nơi sở hữu của người khác sẽ phải di chuyển khỏi khu phố cổ trong đợt giãn dân phố cổ giai đoạn I.

Đó là khẳng định của lãnh đạo Ban Quản lý phố cổ Hà Nội trong trả lời câu hỏi của PV Chất lượng Việt Nam mới đây. Cụ thể, trong lần giãn dân phố cổ giai đoạn I, sẽ có khoảng 1.530 hộ dân sống trong các di tích là đình, đền, chùa; trường học, công sở sẽ phải di dời sang nơi ở mới. Nơi ở mới được xác định là khu đô thị Việt Hưng thuộc quận Long Biên - Hà Nội. Khu ở mới này sẽ được bố trí gồm 16 tòa nhà cao từ 8 - 9 tầng, một tòa nhà hỗn hợp (trung tâm thương mại dịch vụ, chung cư, công trình công cộng) cao 15 tầng. Khu ở được bố trí đầy đủ các công trình phúc lợi như nhà trẻ - mẫu giáo, trạm y tế, không gian sinh hoạt cộng đồng, tuyến phố đi bộ.

Theo Ban quản lý Phố cổ Hà Nội, trong nhiều di tích, trường học và cơ quan công sở khu phố cổ, nhiều người dân đã lưu trú lâu dài ở đó sẽ phải di dời

Theo Ban quản lý Phố cổ Hà Nội, trong nhiều di tích, trường học và cơ quan công sở khu phố cổ, nhiều người dân đã lưu trú lâu dài ở đó sẽ phải di dời. Ảnh: N. K

Theo ông Phạm Tuấn Long - Phó Ban quản lý Phố cổ Hà Nội, các hộ dân sống tại các di tích, trường học sẽ thuộc diện buộc phải di dời, giãn dân trong đợt I này. Ban Quản lý đã thực hiện khảo sát, điều tra kỹ càng. Việc di dân trong phố cổ Hà Nội sang nơi ở mới mang tính xã hội rất cao. Ban Quản lý cũng nhận thấy các tâm tư, nguyện vọng của người dân. Việc ảnh hưởng tới người dân chắc chắn là có nhưng sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn không chỉ cho người dân ở phố cổ Hà Nội mà còn cả của thành phố.

Cụ thể, việc giãn dân này phục vụ cho mục tiêu bảo tồn khu phố cổ Hà Nội. Làm giảm áp lực chất thải lên hạ tầng kỹ thuật nội đô. Các hộ dân di chuyển đi sẽ được sang nơi ở mới, chất lượng xây dựng tốt hơn, rộng rãi hơn, điều kiện thông thoáng tốt hơn, vệ sinh môi trường đảm bảo hơn.

Trả lời câu hỏi về việc, liệu khi dân di dời đi, được nhận hết các chế độ bồi thường, đãi ngộ, hỗ trợ rồi, họ quay trở lại làm sinh sống hoặc làm ăn tại phố cổ, làm sao kiểm soát hết được? ông Phạm Tuấn Long khẳng định, cùng với các cơ quan chức năng, Ban Quản lý sẽ thực hiện giám sát việc đó bằng nhiều giải pháp khác nhau. Trong đó có việc, khi người dân thực hiện giãn dân, chuyển sang nơi ở mới, đồ đạc được vận chuyển hết, cơ quan chức năng sẽ yêu cầu cắt khẩu cho người dân chuyển về nơi ở mới, để nơi ở mới quản lý tốt hơn.

Các cơ sở trước đây là nơi ở của người dân, các di tích, trường học, công sở sẽ được tính toán, thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng và trùng tu, bảo tồn kịp thời. Nếu là đất của di tích sẽ trả lại cho ban quản lý di tích quản lý. Nếu là đất nhà trẻ, trường học sẽ được trả lại để tạo không gian dạy học và vui chơi cho trẻ...

"Về giá trị bất động sản, đất phố cổ có giá trị cao nhưng nếu là đất có sở hữu hợp pháp sẽ được tính toán theo giá thành thị trường và quy định của thành phố Hà Nội. Những nơi nào là ở tạm, nơi ở "nhảy dù", sử dụng của người khác, ở trong các di tích sẽ phải thu hồi", ông Long cho biết.

Theo tìm hiểu của PV, hiện nay tại khắp các đình, đền chùa và nhiều trường học ở khu vực phố cổ Hà Nội đều có người ở. Nơi di tích vẫn được bảo tồn nhưng người dân vẫn sinh hoạt, ở thường xuyên. Có không ít gia đình đã ở tới 3 - 4 thế hệ. Ở một số trường học, cũng diễn ra tình trạng tương tự như vậy.

Cụ thể, tại một số đình, đền như Đình Trung Yên, Đình Thanh Hà, Đền Thiên Tiên; Trường mẫu giáo Tuổi Thơ… nằm trên các phố Hàng Buồm, Ngõ Gạch... đều có các hộ dân sinh sống lâu dài.

Tại các di tích này, người dân để đồ đạc sinh hoạt, hàng hóa kinh doanh lẫn lộn với nơi thờ tự, nhìn không vừa mắt. Cá biệt có những nơi, người dân còn làm nhà kiên cố, lấn chiếm phần đất của di tích.

Qua trao đổi với PV, ông Cảnh đại diện cho các gia đình ở tại khu vực Đình Thanh Hà, phố Ngõ Gạch cho rằng, chính sách của Nhà nước thì phải chấp hành còn thực tế lại không muốn đi nơi khác.

Trên biển đề của Di tích đình Thanh Hà có đề, di tích đã xếp hạng, cấm vi phạm nhưng trong đình và bên ngoài, các hộ dân vẫn kinh doanh, buôn bán, lấn chiếm khu vực đình

Trên biển đề của Di tích đình Thanh Hà có đề, di tích đã xếp hạng, cấm vi phạm nhưng trong đình và bên ngoài, các hộ dân vẫn kinh doanh, buôn bán, lấn chiếm khu vực đình. Ảnh: N. K

Theo ông Cảnh, từ đời ông nội tới đời bố ông, đã được giao cho làm ông Từ cai quản và bảo vệ đình. Đến nay ông cũng được giao một phần công việc trong việc bảo vệ đình. Ở khu vực Đình Thanh Hà có tới hàng chục nhân khẩu với 3 hộ dân chính và các hộ "phụ" khác. 

"Tôi và các anh chị em đã sinh sống ở đây rất lâu rồi. Đến nay cũng đã gần 70 tuổi, hàng ngày vẫn quen với môi trường sinh hoạt khu phố. Dù tuổi cao những vẫn có thể tham gia kinh doanh, bán hàng kiếm sống. Nguyện vọng của chúng tôi nếu phải di chuyển sang nơi ở mới là Nhà nước và thành phố Hà Nội phải có chính sách lâu dài đảm bảo cuộc sống người dân ổn định", ông Cảnh cho biết.

Cũng theo ông Cảnh, dù đã được nghe thông báo về việc giãn dân phố cổ Hà Nôi và biết gia đình ông cũng thuộc diện phải di dời nhưng đến nay người dân vẫn hiểu rất lơ mơ về việc này, không biết có thành hiện thực hay không hay sẽ làm cho dân hoang mang và kinh doanh gián đoạn. Các thủ tục và nơi ở mới người dân cũng mới chỉ nghe thấy chứ chưa nhìn thấy trên giấy, chứ chưa nói đến là trên thực tế. Băn khoăn nhất là người già sẽ sống ra sao khi chuyển sang nơi ở mới, không bán được hàng, kiếm sống ra sao?

"Bán vài cốc nước chè hoặc kinh doanh nhỏ lẻ hàng tháng cũng kiếm được ít tiền sinh sống. Sang nơi ở mới, ở nhà cao tầng, khu dân cư mới không có nơi kinh doanh, buôn bán, biết làm gì sinh sống? Nếp sống phố phường cũng đã quen, hàng ngày tấp nập người qua, sang tập thể ở nhà nào biết nhà đó, suốt ngày đóng cửa chắc chắn sẽ không vui vẻ gì", ông Cảnh chia sẻ.

Theo ông Minh, một người dân phố Hàng Buồm cho biết, lo ngại của nhiều người là đang làm ăn, kinh doanh tốt. Có gia đình một ngày bán được vài triệu tới vài chục triệu tiền hàng. Nay sang nơi ở mới, không có môi trường kinh doanh tốt, chắc chắn họ sẽ gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên ông Minh cũng thẳng thắn cho biết, trong khu phố cổ có không ít các tệ nạn, việc giãn dân nếu được triển khai tốt, phố phường được chỉnh trang, an ninh tốt hơn sẽ làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Theo Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội, Phố Cổ có lịch sử hình thành và phát triển hơn 1.000 năm. Là di sản của cả nước và là niềm tự hào của Thủ đô Hà Nội.  Phố cổ gắn với các phố nghề và lễ hội truyền thống là di sản đô thị có ý nghĩa văn hóa lịch sử lâu đời.

Hệ thống di tích, công trình kiến trúc qua các giai đoạn lịch sử có ý nghĩa văn hóa sâu sắc và là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong nước và quốc tế tìm về Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

Hiện nay, khu phố cổ đang phải đối mặt với dân số tập trung đông, cơ sở hạ tầng kỹ thuật quá tải, hạ tầng xã hội không đáp ứng được nhu cầu dân cư. Không gian sống của người dân chật hẹp, nhiều nơi xuống cấp nguy hiểm, khó khăn trong cải tạo sửa chữa. một số không ít các công trình có giá trị kiến trúc đặc trưng của khu phố cổ đang bị xâm hại và mất dần. (Còn tiếp)

Hồng Anh - Nguyễn Khương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang