Thông tin quảng cáo của VTM Quốc tế Jongjin 'bốc hơi' sau quyết định xử phạt của Sở Y tế TP.HCM

author 08:58 22/03/2023

(VietQ.vn) - Nhiều thông tin về Viện Thẩm mỹ Quốc tế Jongjin bỗng “bốc hơi” sau khi bị Thanh tra Sở Y tế TP.HCM xử phạt vì không có giấy phép hoạt động.

Mới đây, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM vừa công bố danh sách vi phạm hành chính về bộ phận khám chữa bệnh từ ngày 10/3 đến ngày 20/3. 

Theo đó, cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt cao nhất trong đợt này là Viện Thẩm mỹ Quốc tế Jongjin (122 Bàn Cờ, phường 3, quận 3) thuộc Công ty TNHH Jongjin Việt Nam (trụ sở tại đường Nguyễn Tư Giản, phường 12, quận Gò Vấp). Viện thẩm mỹ Quốc tế Jongjin bị phát hiện không có giấy phép hoạt động nhưng vẫn thực hiện khám, chữa bệnh và quảng cáo dịch vụ liên quan. Ngoài xử phạt 160 triệu đồng, cơ quan chức năng còn đình chỉ hoạt động của cơ sở 18 tháng, đồng thời, buộc tháo gỡ, xóa các quảng cáo sai phạm.

Ngay sau khi có quyết định của Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, nhiều thông tin của Viện thẩm mỹ Quốc tế Jongjin đã “bốc hơi" trên các nền tảng Internet. Những thông tin quảng cáo, giới thiệu hoàn toàn biến mất, trang fanpage cũng trong tình trạng không hiển thị do liên kết đã bị hỏng hoặc trang đã bị gỡ.

 Cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh nhưng không có giấy phép hoạt động, Viện thẩm mỹ Quốc tế Jongjin bị đình chỉ 18 tháng

Theo tìm hiểu của PV, Công ty TNHH Jongjin Việt Nam có mã số thuế 0317111340 người đại diện là Nguyễn Xuân Nghị được cấp vào ngày 06/01/2022. Ngành nghề hoạt động chính là cắt tóc, làm đầu, gội đầu (cắt tóc, gội đầu, uốn, sấy, nhuộm tóc, duỗi thẳng, ép tóc và các dịch vụ làm tóc khác phục vụ cả nam và nữ; Cắt, tỉa và cạo râu; Massage mặt, làm móng chân, móng tay, trang điểm, trừ các hoạt động gây chảy máu).

Ngoài ra, Công ty này còn đăng ký kinh doanh các ngành nghề như sản xuất mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa, làm bóng và chế phẩm vệ sinh; Đại lý, môi giới, đấu giá; bán lẻ thuốc, dụng cụ y tế, mỹ phẩm và vật phẩm vệ sinh trong các cửa hàng chuyên doanh; dịch vụ tắm hơi, massage và các dịch vụ tăng cường sức khoẻ tương tự,...

Theo Sở Y tế TP.HCM, pháp luật quy định, ngoại trừ các bệnh viện thẩm mỹ, có thể chia các cơ sở cung ứng “dịch vụ làm đẹp” thành 3 nhóm khác nhau, trong đó có nhóm hoàn toàn không thuộc sự quản lý và cấp phép của ngành y tế, có nhóm phải được Sở Y tế cấp phép hoạt động.

 Fanpage Viện thẩm mỹ Quốc tế Jongjin bỗng dưng “biến mất" sau quyết định của Thanh tra Sở TP.HCM

Cụ thể, nhóm 1 (cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp) là những cơ sở chăm sóc da (spa), cơ sở cắt tóc, gội đầu, làm móng… Những cơ sở này hoàn toàn không sử dụng thuốc gây tê dưới bất cứ dạng gì, không cần điều kiện quy định về y tế. Do đó, chỉ cần giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện cấp (nếu loại hình hộ kinh doanh cá thể) hoặc do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp (nếu loại hình doanh nghiệp), không cần Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động.

Nhóm 2 (cơ sở dịch vụ thẩm mỹ), là những cơ sở thực hiện phun, xăm, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Những cơ sở này không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động, chỉ cần giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện cấp (nếu loại hình hộ kinh doanh cá thể) hoặc do Sở kế hoạch và Đầu tư cấp (nếu loại hình doanh nghiệp). Tuy nhiên, người thực hiện kỹ thuật phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp và phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo mẫu quy định, gửi về Sở Y tế để được công khai trên Cổng thông tin điện tử Sở Y tế trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày.

Còn đối với Nhóm 3 (các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp dịch vụ thẩm mỹ) là những cơ sở khám, chữa bệnh cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ ngoại khoa (phẫu thuật thẩm mỹ) hoặc thẩm mỹ nội khoa (thẩm mỹ da) có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người) hoặc xăm, phun, thêu trên da nhưng có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Những cơ sở này ngoài giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện cấp (nếu loại hình hộ kinh doanh cá thể) hoặc do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp (nếu loại hình doanh nghiệp), khi hoạt động, bắt buộc phải được Sở Y tế cấp Giấy phép hoạt động và phê duyệt danh mục kỹ thuật theo quy định của pháp luật.

Như vậy, theo như các thông tin nêu trên Viện thẩm mỹ Quốc tế Jongjin thuộc Nhóm 1, cũng là nhóm thấp nhất. Thế nhưng, cơ sở này lại quảng cáo, tư vấn, cung cấp các dịch vụ có sử dụng các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể con người (tiêm, chích hoặc can thiệp xâm lấm khác).

Những năm gần đây, các cơ sở TMV “chui” bất chấp cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động hoặc chứng chỉ hành nghề đã gây nhiều rủi ro cho khách hàng, để lại hệ luỵ vô cùng lớn. Điển hình, mới đây một khách hàng tại TP.HCM đã bị tai biến sau khi làm dịch vụ Viện thẩm mỹ Aries (số 52 Lê Trực, Phường 7, Quận Bình Thạnh). Được biết, cơ sở này cũng hoạt động “chui”, không có giấy phép hoạt động khám chữa bệnh. Ngoài ra, còn quảng cáo các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

Kim Thoa

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang