Thu giữ gần 500 sản phẩm thiết bị gia dụng không có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp

author 16:50 02/01/2024

(VietQ.vn) - Bộ đội Biên phòng thành phố Hải Phòng vừa phát hiện, bắt giữ 02 container vận chuyển 492 sản phẩm hàng hóa là thiết bị gia dụng có nguồn gốc nước ngoài nhưng không có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp.

Cụ thể, tại khu vực bãi container cảng Chùa Vẽ thuộc Công ty Cổ phần cảng Hải Phòng và khu vực bãi container Tân Cảng 128 Hải Phòng, Bộ đội biên phòng đã kiểm tra, phát hiện 02 container (do Nguyễn Xuân Kỳ, sinh năm 1992, thường trú tại phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng là người đại diện nhận hàng) vận chuyển số lượng lớn hàng hóa có xuất xứ nước ngoài, đã qua sử dụng, không có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp.

Kết quả kiểm tra, lực lượng Bộ đội Biên phòng thu giữ 492 sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc nước ngoài, đã qua sử dụng (tổng trị giá ước tính khoảng 01 tỷ đồng), gồm: 141 chiếc quạt điện, 125 nồi cơm điện, 09 tủ lạnh, 70 loa âm thanh, 40 âm ly, 37 đồng hồ các loại, 37 máy hút ẩm, 12 bếp từ, 12 máy điều hòa, 05 máy giặt và 04 máy rửa bát.

Tại thời điểm kiểm tra, người đại diện nhận hàng Nguyễn Xuân Kỳ không xuất trình được giấy tờ, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của số hàng hóa trên và khai nhận, toàn bộ số hàng hóa trong 02 container trên đều được vận chuyển từ các cảng khu vực phía Nam về cập cảng Hải Phòng để đưa vào tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.

Hiện, Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Hải Phòng và các cơ quan chức năng liên quan tiến hành điều tra, xác minh, xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.

Thu giữ sản phẩm thiết bị gia dung có nguồn gốc nước ngoài, đã qua sử dụng. Ảnh: Đỗ Văn Phung

Liên quan tới quy định khi nhập khẩu các sản phẩm hàng hóa là thiết bị gia dụng về Việt Nam, Căn cứ theo Nghị định 128/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 19/10/2020, các mặt hàng gia dụng đều không thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, trừ hàng hóa đã qua sử dụng. Bên cạnh đó, khi làm thủ tục nhập khẩu hàng gia dụng cần lưu ý những điểm sau đây:

Đồ gia dụng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm phải tự làm công bố an toàn thực phẩm, đặc biệt với đồ gia dụng nhà bếp. Đơn vị kiểm nghiệm là Viện Dinh dưỡng, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia và các cơ quan có thẩm quyền khác. Đồ gia dụng điện tử phải qua kiểm tra chất lượng, hiệu năng tối thiểu.

Nghị định 128/2020/NĐ-CP có mục đích kiểm soát chặt chẽ hơn việc dán nhãn cho hàng hóa nhập khẩu. Việc dán nhãn nhằm mục đích giúp các cơ quan hành chính quản lý hàng hóa chặt chẽ hơn, nắm rõ nguồn gốc xuất xứ và đơn vị chịu trách nhiệm về lô hàng. Do vậy mà việc dán nhãn khi làm thủ tục nhập khẩu hàng gia dụng trở thành khâu không thể thiếu. 

Nội dung nhãn mác các mặt hàng nhập khẩu được quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP. Cụ thể với mặt hàng gia dụng, nội dung trên nhãn mác cần thể hiện đầy đủ các thông tin sau: Thông tin của bên xuất khẩu (tên công ty, địa chỉ); Thông tin của bên nhập khẩu (tên công ty, địa chỉ); Tên hàng hóa và thông tin đi kèm; Nguồn gốc xuất xứ hàng hóa

Ngoài ra trên nhãn mác cần bổ sung thêm các thông tin khác tùy vào mặt hàng. Trong trường hợp lô hàng gia dụng dính luồng đỏ thì hải quan sẽ kiểm tra chi tiết nội dung trên nhãn mác.

Việc dán nhãn cho hàng gia dụng nhập khẩu được ưu tiên tại các vị trí dễ nhìn và tiện kiểm tra. Đa phần hàng hóa được dán nhãn ngay trên bao bì, trên thùng carton hoặc trên kiện gỗ,… Vị trí dán nhãn càng thuận tiện càng giúp tiết kiệm thời gian kiểm hóa khi làm thủ tục nhập khẩu.

Nếu nội dung nhãn mác trên hàng hóa sai hoặc hàng hóa không được dán nhãn, nhà nhập khẩu phải đối mặt với những rủi ro sau: Bị phạt tiền theo quy định tại Điều 22 Nghị định 128/2020/NĐ-CP. Không được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt do không có nhãn mác đúng đồng nghĩa chứng nhận xuất xứ bị xóa bỏ. Hàng hóa dễ bị vỡ, móp méo hoặc thất lạc do không có cảnh báo nhẹ tay.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang