Thu giữ gần 24.000 chiếc dao nhãn hiệu Kiwi Thái Lan nhập lậu

author 06:02 19/07/2022

(VietQ.vn) - Mới đây, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang tạm giữ gần 24.000 cái dao, nhãn hiệu Kiwi Thái Lan nhập lậu, trị giá trên 200 triệu đồng.

Theo từ nguồn tin của cơ sở về tình hình hàng hóa nhập lậu được nhập từ Campuchia qua các đường mòn, lối mở của khu vực huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 phân công công chức thực hiện các biện pháp nghiệp vụ đối với nguồn tin đã cung cấp, chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin về đối tượng, thủ đoạn hoạt động, điểm tập kết, thời gian, phương thức vận chuyển để xây dựng phương án ngăn chặn kịp thời, xử lý đạt hiệu quả.

Cụ thể, vào lúc 22h20, ngày 15/07/2022, Đoàn kiểm tra thuộc Đội QLTT số 3, Cục QLTT tỉnh Kiên Giang đã tiến hành khám ô tô vận tải hàng hóa mang biển kiểm soát số 68C-129.45 đang đậu tại Trạm thu phí cầu Hòa Điền, xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, do ông T.T.P (thường trú tại phường Vĩnh Mỹ, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang) điều khiển.

Kết quả, Đoàn kiểm tra phát hiện trong thùng xe có 23.772 cái dao các loại, nhãn hiệu Kiwi, xuất xứ Thái Lan, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Tổng trị giá hàng hóa tang vật vi phạm trên hơn 200 triệu đồng.

Lực lượng chức năng thu giữ số dao nhập lậu 

Tại thời điểm kiểm tra, toàn bộ hàng hóa không có hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, đồng thời chưa xác định được chủ sở hữu hàng hóa.

Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ và niêm phong toàn bộ số tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nêu trên và giấy phép phương tiện để tổ chức thu thập, thẩm tra, xác minh, bổ sung tài liệu, chứng cứ xử lý theo quy định pháp luật.

Theo lực lượng chức năng, các doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu và phân phối thương mại sản phẩm phải có chứng từ, hóa đơn chứng minh hàng hóa rõ nguồn gốc xuất xứ, trên bao bì sản phẩm ghi nhận các thông tin đầy đủ để chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Vì vậy, trường hợp kinh doanh hàng hóa mà khi có kiểm tra, đơn vị không xuất được các chứng từ, hóa đơn chứng minh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định 185/2013/NĐ-CP và Nghị định 124/2015/NĐ-CP tùy thuộc vào giá trị hàng hóa sẽ bị xử phạt các mức khác nhau.

Điều 21 Nghị định 185/2013/NĐ- CP quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 1.000.000 đồng: Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; Kinh doanh hàng hóa có nhãn, bao bì hàng hóa có hình ảnh, hình vẽ, chữ viết, dấu hiệu, biểu tượng hoặc thông tin khác sai sự thật, gây nhầm lẫn về chủ quyền quốc gia, truyền thống lịch sử hoặc phương hại đến bản sắc văn hóa, đạo đức lối sống, đoàn kết dân tộc và trật tự an toàn xã hội.

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên”.

Ngoài hình phạt tiền, hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định; Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc hoặc vật khác được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định

Trường hợp hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý thì còn có thể bị khởi tố điều tra, truy tố theo Điều 188 Bộ luật hình sự 2015 về tội buôn lậu với mức hình phạt cao nhất đối với cá nhân là 15 năm tù, với pháp nhân thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Bảo Linh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang