Thu giữ hơn 30.000 sản phẩm không có hóa đơn chứng từ đang trên đường “tuồn” vào thị trường

author 16:23 02/05/2024

(VietQ.vn) - Lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tiến hành kiểm tra 1 phương tiện vận tải có dấu hiệu vi phạm, phát hiện, thu giữ số lượng lớn hàng hóa nhập lậu trị giá khoảng 1 tỷ đồng.

Theo đó, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành khám xe ô tô mang biển kiểm soát 43H - 011.40 do ông Ngô Hà Hoàng Vũ trú tại thôn Tân Lập A, xã Hòa An, huyện Kroong Pắc, tỉnh Đắc Lắc điều khiển.

Kết quả khám, lực lượng chức năng phát hiện hàng hóa vi phạm gồm 46 danh mục hàng hóa, trong đó 24 danh mục mỹ phẩm với 14.229 sản phẩm và 22 danh mục hàng gia dụng với 16.534 sản phẩm.

Lực lượng chức năng phát hiện số lượng lớn hàng hóa có dấu hiệu vi phạm đang trên đường đi tiêu thụ. Ảnh: Cục QLTT Thừa Thiên Huế

Toàn bộ số hàng hóa trên do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ theo quy định pháp luật là hàng hóa nhập lậu theo quy định tại điểm d khoản 6 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 08 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31 tháng 01 năm 2022 của Chính Phủ.

Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, thu giữ số hàng hóa vi phạm. Ảnh: Cục QLTT Thừa Thiên Huế

Đội Quản lý thị trường số 1 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Tổng trị hàng hóa vi phạm ước khoảng 1 tỷ đồng.

Trước đó, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thu giữ gần 18.000 sản phẩm áo, quần là thành phẩm tại Công ty TNHH MTV Takson Huế do ông Kang Myung Gyu người Hàn Quốc làm giám đốc.

Toàn bộ số sản phẩm trên được sản xuất từ các nguyên phụ liệu được nhập khẩu từ nước ngoài, ra tại thị trường nội địa Việt Nam mà không khai báo với cơ quan hải quan.

Hiện, lực lượng nghiệp vụ Công an tỉnh đã tạm giữ toàn bộ các sản phẩm quần áo trên và tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định về xuất xứ hàng hoá được quy định như sau: Tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Mức phạt đối với hành vi vi phạm hoạt động kinh doanh hàng hóa không đúng xuất xứ.

Theo đó, tại Điều 44 Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ quy định về hành vi vi phạm về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu như sau:

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc văn bản chấp thuận tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cơ quan có thẩm quyền cấp.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp các tài liệu, chứng từ không đúng sự thật với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khi đề nghị cấp hoặc xác minh Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Tự chứng nhận sai xuất xứ hàng hóa khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận cho tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa; Làm giả Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Cung cấp các tài liệu, chứng từ không đúng sự thật với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khi đề nghị được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc xác minh chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa giả trong trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, còn bị áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật và biện pháp khắc phục hậu quả như sau: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; Buộc cải chính thông tin sai sự thật về xuất xứ hàng hóa.

Duy Trinh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang