Phát hiện và xử lý hàng loạt sản phẩm giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ

(VietQ.vn) - Liên tiếp mấy ngày gần đây lực lượng quản lý thị trường một số tỉnh như Phú Thọ, Sơn La, thành phố Hà Nội đã phát hiện và xử lý nhiều hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng không rõ nguồn gốc.
Ngày Tết, vì sao nên hạn chế dùng đồ uống có đường?
Malawi thông báo dự thảo tiêu chuẩn giấy bạc dùng để đóng gói thực phẩm
Sơn La thu giữ 1.854 sản phẩm giày dép giả mạo nhãn hiệu
Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Sơn La, mới đây Đội Quản lý thị trường số 3 đã tiến hành kiểm tra đối với hộ kinh doanh N.T.N.H tại địa chỉ số nhà 10, tiểu khu 6, thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Kết quả kiểm tra phát hiện hộ kinh doanh đang bày bán hàng hóa gồm 1.424 đôi dép các loại nhãn hiệu Adidas, 430 đôi giày thể thao các loại nhãn hiệu Adidas. Tại thời điểm kiểm tra, chủ hộ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa theo quy định.
Qua công tác thẩm tra, xác minh, đối chiếu với hàng hóa thực tế tại cửa hàng với các văn bản pháp lý liên quan do đại diện chủ thể quyền nhãn hiệu cung cấp, đoàn kiểm tra xác định toàn bộ hàng hóa trên là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu của Adidas đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Lượng lớn giày dép giả mạo nhãn hiệu bị tịch thu. Ảnh: Cục QLTT Sơn La
Hà Nội phát hiện 7.000 kg lòng lợn không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Tại Hà Nội, ngày 23/1/2025 Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế và ma túy - Công an huyện Mê Linh kiểm tra, phát hiện 7.000 kg lòng lợn được chứa đựng trong 207 thùng xốp và 51 thùng carton không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đội Quản lý thị trường số 10 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa thực phẩm (lòng lợn) và xe ô tô tải trên để tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Phú Thọ tịch thu 2.700 sản phẩm giả và thực phẩm không đảm bảo an toàn
Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ, trong quá trình triển khai đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau tết Nguyên đán, toàn lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 141 vụ với tổng số tiền xử lý vi phạm và hàng hóa là 1.034.701.113 đồng. Tổng số tiền xử phạt, nộp ngân sách Nhà nước là 891.811.113 đồng; trị giá hàng hóa tịch thu là 85.380.000 đồng và trị giá hàng hóa tiêu hủy là 57.510.000 đồng. Trong đó, hàng hóa tịch thu tiêu hủy là hơn 700 kg sản phẩm động vật không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Đặc biệt, Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với Công an tỉnh Phú Thọ khám kho hàng và tạm giữ trên 2.000 sản phẩm giày, dép giả mạo nhãn hiệu Adidas, Nike có giá trị gần 250 triệu đồng.
Kiên quyết xử lý hành vi kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, thực tế thời gian cận tết rất nhiều mặt hàng được bày bán trên thị trường hiện nay có dấu hiệu là hàng giả mạo những nhãn hiệu nổi tiếng đang được bảo hộ tại Việt Nam, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm không đảm bảo an toàn. Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã tích cực kiểm tra, xử lý song tình trạng này vẫn diễn ra phổ biến, ngày càng phức tạp, tinh vi, khó kiểm soát.
Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu xảy ra ở đa dạng mặt hàng, trong đó, tập trung nhiều vào mặt hàng quần áo, giày dép, túi xách, đồng hồ, mỹ phẩm. Các sản phẩm thường được làm giả, làm nhái những nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới như LV, Hermes, Dior, Chanel, Gucci, Louis Vuiton, Burberry, Adidas... Nếu là hàng chính hãng của thương hiệu này, sản phẩm sẽ có giá từ vài triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng, thế nhưng đối với hàng nhái, hàng giả mạo thương hiệu thường chỉ có giá vài trăm nghìn đồng. Các thương hiệu lớn ra mắt mẫu nào thì trên thị trường nhanh chóng xuất hiện hàng giả mạo ngay mẫu đó. Tình trạng này gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, quyền và lợi ích của người tiêu dùng. Vì vậy cần tiếp tục triển khai các biện pháp mạnh, kiên quyết xử lý các trường hợp kinh doanh hàng hóa vi phạm trong lĩnh vực này để bảo vệ an toàn, sức khỏe người tiêu dùng.
An Dương