Thu giữ nhiều sản phẩm bảo vệ sức khỏe nghi hàng giả, hàng nhái tại chợ thuốc lớn nhất Thủ đô

author 14:35 05/12/2021

(VietQ.vn) - Thời điểm cuối năm, vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên thị trường đang có diễn biến hết sức phức tạp, ở nhiều lĩnh lực khác nhau, trong đó có mặt hàng là thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 12 (Hà Nội) vừa tiến hành kiểm tra và đã tạm thu giữ số lượng không nhỏ thực phẩm bảo vệ sức khỏe tại Trung tâm phân phối dược phẩm và TTBYT Hapu (Thanh Xuân, Hà Nội) vì nghi là hàng nhái, hàng giả.

Theo Đội Quản lý thị trường số 12, ngay sau khi nhận được đơn trình báo về việc một công ty đang kinh doanh, buôn bán tại Trung tâm phân phối dược phẩm và TTBYT nghi phân phối hàng giả bảo vệ sức khỏe, nên đã tiến hành kiểm tra đột xuất.

“Quá trình kiểm tra, chúng tôi đã phát hiện và thu giữ sản phẩm bị “tố” là hàng nhái, hàng giả. Hiện số lượng thực phẩm bảo vệ sức khỏe này đã bị thu giữ, chúng tôi sẽ phối hợp cùng với Cục Sở hữu trí tuệ để xác minh làm rõ. Nếu vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật”, đại diện Đội QLTT số 12 cho hay.

 Đội quản lý thị trường làm việc và thu giữ sản phẩm nghi là hàng nhái tại Trung tâm phân phối dược phẩm và TTBYT Hapu. 

Thực tế cho thấy, hiện nay hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có những biểu hiện như đa dạng về mẫu mã, “linh động” về giá cả và đặc biệt nguy hiểm hơn là còn phong phú cả về chủng loại. Hầu hết các hãng có uy tín, có thương hiệu, được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái hàng hóa.

Hàng giả, hàng nhái gây ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính như làm mất uy tín của doanh nghiệp, khiến người tiêu dùng hiểu lầm, dẫn đến việc quay lưng lại với sản phẩm chính hãng.

Mặt khác, vì có lợi thế về giá cả so với với hàng chính hãng mà hàng giả, hàng nhái khiến những mặt hàng chính hãng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng lâm vào tình trạng ế ẩm, suy giảm doanh thu...

Lãnh đạo một công ty phân phối độc quyền các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe mang thương hiệu hàng đầu của Đức tại Việt Nam cho biết, cá nhân ông rất lo lắng trước tình trạng hàng không rõ nguồn gốc, chất lượng kém trôi nổi trên thị trường.

“Sản phẩm độc quyền công ty tôi phân phối đã và đang bị làm giả, làm nhái xuất hiện trên thị trường nên tôi rất hiểu những tác động mà công ty phải gánh chịu. Các mặt hàng làm nhái rất tinh vi. Trường hợp người tiêu dùng không phát hiện ra, mua phải hàng nhái sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và cả uy tín của công ty, thương hiệu”, vị lãnh đạo này lo lắng.

Từ những thực tế đã trải qua, vị lãnh đạo công ty trên đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý, cơ quan truyền thông báo chí có biện pháp tuyên truyền nhằm lên án những hành vi thương mại không lành mạnh, bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp cũng như bảo vệ người tiêu dùng.

Tính đến tháng 10/2021, lực lượng QLTT cả nước đã thực hiện kiểm tra gần 2.500 vụ việc, phát hiện, xử lý trên 2.300 vụ vi phạm (bao gồm hành vi vi phạm về thương mại điện tử và các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả), xử phạt trên 18 tỷ đồng.

 

An Hạ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang