Thu hồi mỹ phẩm Skinlovers Blooming Foundation No.21 không đảm bảo chất lượng

author 15:12 19/12/2022

(VietQ.vn) - Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) ban hành Công văn số 13399/QLD-MP về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng do Công ty CP XNK thương mại Đài Linh nhập khẩu và đưa ra thị trường.

Theo công văn, Cục Quản lý Dược yêu cầu đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lô sản phẩm Skinlovers Blooming Foundation No.21 (Số lô: BA001#21; NSX: 14/01/2022; HSD: 03 năm kể từ ngày sản xuất; trên nhãn sản phẩm ghi thông tin: “Nhà nhập khẩu và chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường: Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thương mại Đài Linh, 29/150 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội; Số GPLH: 149758/21/CBMP-QLD; MFG: Kolmar Korea Co., Ltd; Made in Korea”.

Lý do thu hồi do mẫu kiểm nghiệm sản phẩm không đáp ứng yêu cầu về chỉ tiêu định tính Tocopheryl acetate, có công thức không đúng như hồ sơ đã công bố.

Đồng thời, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn ngừng ngay việc lưu thông, sử dụng lô mỹ phẩm, trả về cơ sở cung ứng sản phẩm và tiến hành thu hồi lô sản phẩm mỹ phẩm Skinlovers Blooming Foundation No.21 nêu trên; kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện thông báo này; xử lý các đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành.

Mỹ phẩm Skinlovers Blooming Foundation No.21 không đảm bảo chất lượng

Riêng Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thương mại Đài Linh, Cục yêu cầu công ty này phải gửi thông báo thu hồi tới những nơi phân phối, sử dụng lô sản phẩm mỹ phẩm Skinlovers Blooming Foundation No.21 nêu trên; Tiếp nhận sản phẩm trả về từ các cơ sở kinh doanh và tiến hành thu hồi toàn bộ lô mỹ phẩm không đáp ứng quy định. Gửi báo cáo thu hồi lô mỹ phẩm không đáp ứng quy định về Cục Quản lý Dược trước ngày 15/01/2023.

Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế Tp. Hà Nội kiểm tra Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thương mại Đài Linh trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý mỹ phẩm trong hoạt động nhập khẩu, kinh doanh mỹ phẩm.

Giám sát việc thu hồi lô mỹ phẩm không đáp ứng quy định; Xử lý, xử phạt vi phạm theo quy định hiện hành và báo cáo kết quả về Cục Quản lý Dược trước ngày 31/01/2023.

Được biết, các loại mỹ phẩm kém chất lượng thường không có những chất bảo vệ da hoặc thành phần không được nghiên cứu kỹ càng, không qua khâu kiểm nghiệm nào, vì thế chẳng ai đảm bảo chắc chắn nó an toàn cho làn da. Bên cạnh đó, những sản phẩm làm giả thường có các loại hoạt chất, hóa chất gây ra dị ứng và làm tổn thương da. Da trở nên thiếu sức sống, nhiễm khuẩn, dễ bị bắt nắng và mụn nhọt khiến da trở nên xuống cấp trầm trọng. Thậm chí, một số trường hợp mặt bị sưng phù, nếu tiếp tục dùng thì sẽ dẫn đến da bị teo, giãn mao mạch.

Nếu sử dụng mỹ phẩm giả lâu dài, hậu quả nặng nề hơn khiến da bị ngộ độc do mỹ phẩm có chứa kim loại nặng hoặc thủy ngân. Có nhiều trường hợp người dùng phải nhập viện, để lại di chứng về sau hoặc điều trị không hết”. Cũng đã có những trường hợp ảnh hưởng nặng tới mức biến đổi các tế bào dẫn đến u bướu hay ung thư như: ung thư vú, ung thư phổi, ung thư tử cung.

Còn mỹ phẩm thật bên ngoài bao bì có in trực tiếp mã code (có tác dụng truy nguồn gốc từ nước sản xuất). Một số sản phẩm bằng tuýp, ở phần đuôi có đóng nổi hạn sử dụng và mã code. Còn mã code của sản phẩm giả được in trên giấy rồi dán lên bao bì. Hơn nữa, nếu thấy bao bì sản phẩm làm bằng nhựa kém chất lượng, phai màu, logo in sai chỗ, màu sắc tèm nhem, phông chữ không đều, nhiều lỗi sai chính tả,… thì hãy cẩn thận trước khi mua.

Bảo Linh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang