‘Thủ phạm’ sinh ra bụi mịn độc hại gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người

author 20:59 08/01/2021

(VietQ.vn) - Theo chuyên gia Pháp, nguyên nhân phát thải bụi mịn phần nhiều lại đến từ đĩa phanh xe bị mài mòn, ma sát cơ học của phanh và lốp xe với mặt đường nhựa.

Cụ thể, Tạp chí Sciences et Avenir (Pháp) dẫn lời chuyên gia Katherine Farrow thuộc bộ phận môi trường của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho hay, đến nay đã có nhiều tiến bộ đạt được nhằm giảm lượng khí thải phát ra từ ống xả xe ô tô. Tuy nhiên, từ nay đến năm 2035, nguyên nhân phát thải hạt mịn phần nhiều lại đến từ đĩa phanh xe bị mài mòn, ma sát cơ học của phanh và lốp xe với mặt đường nhựa.

 Có nhiều nguyên nhân gây ra bụi mịn gây ô nhiễm không khí. Ảnh minh họa

Cảnh báo này đã được nêu trong báo cáo của OECD với tiêu đề "Phát thải các hạt không phải khí từ giao thông đường bộ. Một thách thức về chính sách môi trường bị bỏ quên”.

Báo cáo ước tính khối lượng hạt mịn thải ra trên thế giới không bao gồm khí thải từ ống xả xe sẽ tăng 53,5% vào năm 2030, tức từ 850.000 tấn hiện nay tăng lên 1,3 triệu tấn vào năm 2030.

Báo cáo của OECD chỉ ra khối lượng hạt mịn được thải ra ít hay nhiều ngoài ống pô xe còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác bao gồm trọng lượng xe, thành phần má phanh, cấu trúc lốp xe, nhựa đường, bụi mịn bốc lên không khí khi xe di chuyển, cách lái xe và độ bẩn của đường sá.

Do đó, OECD cũng cảnh báo về vấn đề xe ô tô chạy bằng điện. Xe ô tô điện dù góp phần làm giảm đáng kể lượng khí thải nhưng xe được trang bị pin ắc quy nặng hơn để chạy lâu hơn, do đó có nguy cơ làm vấn đề hạt mịn thêm trầm trọng hơn.

Giám sát chặt các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường(VietQ.vn) - Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có Công văn số 6118/BTNMT-TCMT gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, về việc tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là cơ sở xử lý chất thải nguy hại trong tình hình tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ.

Liên quan tới ô nhiễm không khí, theo thống kê của tổ chức đo chất lượng không khí thế giới (AirVisual), TP.HCM đứng thứ nhất với chỉ số AQI 172, Hà Nội đứng thứ 2 với chỉ số AQI là 158, đều ở ngưỡng đỏ, tương đương mức xấu, có hại cho sức khoẻ tất cả mọi người. Trong đó, chất gây ô nhiễm chính là bụi mịn PM2.5. Trước thực trạng nêu trên, người dân cần hạn chế ra ngoài và đeo khẩu trang khi đi ngoài đường. Nhóm người nhạy cảm (người già, trẻ em và những người mắc bệnh về hô hấp) cần chủ động bảo vệ sức khoẻ trước thực trạng ô nhiễm.

Để cải thiện chất lượng không khí, người dân hạn chế đốt rác thải, không sử dụng than tổ ong trong đun nấu hằng ngày; giảm sử dụng phương tiện cá nhân... Các cơ quan chức năng tăng cường xử phạt vi phạm về bảo vệ môi trường và điều tiết giao thông trong giờ cao điểm ở những khu vực thường xuyên ùn tắc.

An Dương (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang