Thủ tướng yêu cầu các địa phương không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc

author 07:19 18/08/2021

(VietQ.vn) - Trong Công điện mới ban hành, Thủ tướng yêu cầu các địa phương không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, không có chỗ ở, không được hỗ trợ về y tế.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện về phòng, chống dịch Covid-19 gửi Chủ tịch UBND 19 tỉnh, thành phía Nam và Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ cùng các Bộ, ngành liên quan.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần tiếp tục tranh thủ thời gian, tập trung cao độ chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương nhất việc xét nghiệm, bóc tách hết F0. Riêng đối với một số khu vực ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An thực hiện theo chỉ đạo của Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ.

Thủ tướng nêu rõ, nhất thiết không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, không có chỗ ở, không được hỗ trợ về y tế. Có chính sách hỗ trợ thiết thực bằng tiền, lương thực, thực phẩm... để người dân yên tâm ở tại chỗ, tuân thủ các quy định phòng chống dịch.

 Các chốt kiểm tra trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được siết chặt hơn, không để người dân tự ý rời tỉnh, thành phố nơi đang thực hiện giãn cách về quê. Ảnh minh hoạ.

Đặc biệt, trong Công điện này, một lần nữa Thủ tướng nhấn mạnh, yêu cầu các địa phương không được để người dân tự ý rời tỉnh, thành phố nơi đang thực hiện giãn cách về quê. Trường hợp cá biệt có người tự ý về quê, đã qua địa bàn tỉnh khác thì các tỉnh phải thống nhất việc tiếp nhận, quản lý đảm bảo an toàn. Nếu chưa đưa đón về quê được thì giao Bộ Quốc phòng chỉ đạo tiếp nhận đưa vào các cơ sở cách ly do quân đội quản lý.

Thủ tướng yêu cầu cần thống nhất với các địa phương liên quan tổ chức đưa đón người dân cần thiết phải về quê thật an toàn, chu đáo. Đặc biệt lưu ý ưu tiên đưa đón phụ nữ mang thai gần kỳ sinh nở, phụ nữ nuôi con nhỏ. Ngoài ra, UBND các tỉnh, thành phố cần hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức sản xuất đảm bảo an toàn.

Với Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu phối hợp với các tỉnh, thành phố liên quan triển khai các biện pháp đồng bộ để kiểm soát chặt chẽ khu vực các tỉnh: Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang không để dịch bệnh thâm nhập từ nước ngoài và từ các tỉnh ngoài khu vực này; tổ chức kiểm soát chặt chẽ khu vực các tỉnh: Bình Phước, Lâm Đồng, Bình Thuận không để dịch bệnh lan ra khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ.

Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, các chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại trước tình trạng tập trung đông người sau khi TP.Hồ Chí Minh triển khai một số phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin chưa vận hành thông suốt. Trong khi đó, hàng nghìn lao động ngoại tỉnh dồn về một số cửa ngõ để đi về quê sau khi có thông tin thành phố tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg thêm 1 tháng nữa.

Tình trạng trên là do thành phố kéo dài thời gian giãn cách xã hội nhưng chưa triển khai đồng bộ, thông tin kịp thời đến người dân về chính sách hỗ trợ thiết thực của thành phố để hỗ trợ mọi người dân (nhất là người lao động ngoại tỉnh không có việc làm) về chỗ ở, trợ cấp lương thực, thực phẩm cũng như chăm sóc y tế cần thiết.

Các ý kiến cho rằng TP. Hồ Chí Minh cần phải chấn chỉnh lại hoạt động của các chốt kiểm soát đi lại trong khu vực nội thành, từ cấp xã/phường đến quận/huyện; đã để xảy ra tình trạng người dân tự ý rời thành phố về các địa phương. Nếu tình trạng trên tiếp tục kép dài sẽ khiến thành quả phòng, chống dịch cũng như nỗ lực chấn chỉnh, thực hiện nghiêm giãn cách xã hội trong nhiều tuần trước đây của thành phố bị lãng phí.

Trong khi đó, nếu không quản lý chặt chẽ những người tự di chuyển từ vùng có dịch trở về các địa phương thì những người này có thể trở thành nguồn lây nhiễm mới trong cộng đồng.

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông làm đầu mối xây dựng các công cụ, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác phòng, chống dịch, tích hợp thành một nền tảng thống nhất. Tuy nhiên, đến nay, tiến độ xây dựng và hoàn thiện các ứng dụng chưa đáp ứng tốt yêu cầu phòng, chống dịch. Một số ứng dụng khi được triển khai, đưa vào vận hành thì chưa ổn định, chưa thông suốt, chưa liên thông tích hợp; trong khi đó đã xuất hiện thêm các ứng dụng có liên quan đến công tác phòng, chống dịch do một số ngành, địa phương triển khai, thiếu sự thống nhất. 

Về vấn đề này, Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng Bộ Y tế, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương phát triển công cụ chống dịch bám sát thực tiễn, thiết thực, hiệu quả, thống nhất, thông suốt toàn hệ thống; thuận lợi, dễ sử dụng với người dân; tránh tình trạng nhiều ứng dụng không liên thông, tích hợp.

Diệu Hương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang