Thúc đẩy kinh tế 'xanh' tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển bền vững

author 09:05 16/04/2023

(VietQ.vn) - Hiện, nhiều doanh nghiệp trong nước đã và đang lấy kinh doanh xanh là chiến lược và lợi thế cạnh tranh cho mình. Từ việc sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường, ủng hộ các hoạt động trách nhiệm xã hội xanh, đến đầu tư nghiêm túc vào những dây chuyền sản xuất giảm thiểu chất thải và khí thải.

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, xu hướng chuyển từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là yêu cầu tất yếu từ thực tiễn với mục tiêu phát triển bền vững, tạo ra sản phẩm an toàn, môi trường kinh doanh lành mạnh.

Thúc đẩy kinh tế "xanh" tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển bền vững. Ảnh minh họa.

Liên quan đến vấn đề trên, mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lần đầu tiên công bố Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) trong Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022. Chỉ số này được thực hiện với mong muốn khuyến khích các tỉnh, thành phố quan tâm hơn đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong quá trình thực hiện nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh.

Theo kết quả khảo sát Chỉ số Xanh cấp tỉnh năm 2022, chất lượng môi trường của các địa phương cần được quan tâm cải thiện hơn, hơn một nửa số doanh nghiệp trên toàn quốc đánh giá chất lượng môi trường tại địa phương là tốt hoặc rất tốt. Thế nhưng, 30% doanh nghiệp cho biết địa phương nơi họ hoạt động là “không ô nhiễm” hoặc chỉ “hơi ô nhiễm”. 37% doanh nghiệp cho biết không bị ảnh hưởng gì bởi ô nhiễm. Đáng chú ý, 58% doanh nghiệp quan sát thấy hiện tượng doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường là phổ biến tại địa phương.

Cũng tại báo cáo chỉ ra, các doanh nghiệp FDI tỏ ra hài lòng hơn về công tác quản trị môi trường tại địa phương, so với các doanh nghiệp tư nhân trong nước, song vẫn có một số lĩnh vực chưa được doanh nghiệp FDI đánh giá tích cực, như công tác phòng ngừa ô nhiễm môi trường và xử phạt các doanh nghiệp gây ô nhiễm. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài có đánh giá tích cực hơn đối với công tác hướng dẫn về quy định pháp luật môi trường và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ môi trường của chính quyền địa phương.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp trong nước đã và đang lấy kinh doanh xanh là chiến lược và lợi thế cạnh tranh cho mình. Từ việc sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường, ủng hộ các hoạt động trách nhiệm xã hội xanh, đến đầu tư nghiêm túc vào những dây chuyền sản xuất giảm thiểu chất thải và khí thải.

Tuy nhiên, để hướng tới môi trường kinh doanh xanh, các doanh nghiệp vẫn đang đối diện nhiều thách thức. Trong đó đáng chú ý nhất là sự thiếu hụt về chính sách phát triển doanh nghiệp xanh. Để "xanh hóa" kinh doanh thì doanh nghiệp sẽ phải rót thêm một khoản vốn đầu tư ban đầu khá cao. Do đó, nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với phát triển xanh.

Chia sẻ với báo chí, Ths. Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, để phát triển doanh nghiệp xanh thì Nhà nước cần đưa ra chính sách phát triển sạch hướng tới sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thân thiện với môi trường. Mặt khác, Nhà nước cũng đóng vai trò người tiêu dùng lớn có tác động đến thị hiếu mua sắm và tiêu dùng sản phẩm, kích cầu các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Khi Nhà nước triển khai chương trình, sẽ thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ bền vững, tạo điều kiện cho nhà sản xuất đầu tư vào hoạt động bảo vệ môi trường, giúp giảm thiểu phát thải ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường; giảm chi phí xử lý ô nhiễm môi trường; định hướng phát triển các ngành kinh tế xanh gắn với sử dụng hiệu quả nguyên vật liệu và năng lượng, bảo tồn và gia tăng giá trị vốn tự nhiên, nâng cao chất lượng sống.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang