Thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm hữu cơ ra thị trường thế giới

author 08:37 29/06/2024

(VietQ.vn) - Nhà nước cần tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, tư duy quản lý về sản xuất nông nghiệp hữu cơ và phát triển thị trường nông sản hữu cơ…

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ được cho là xu thế chính và tất yếu trong tương lai, bởi không chỉ mang tới người tiêu dùng sản phẩm chất lượng cao, mà còn an toàn cho chính người sản xuất. Bên cạnh đó, điểm ưu việt của nông nghiệp hữu cơ so với nông nghiệp truyền thống chính là tính bền vững, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học. Do đó, xuất khẩu nông sản hữu cơ có nhiều lợi thế thâm nhập các thị trường khó tính như EU và Hoa Kỳ.

Là một nước nông nghiệp truyền thống, Việt Nam có nhiều tiềm năng xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ. Đến nay, đã có 59/63 tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai nông nghiệp hữu cơ và ngày càng lan tỏa mạnh mẽ. Năm 2021, diện tích đất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam đạt hơn 174.000 ha, tăng 47% so với năm 2016, đứng thứ 9/10 nước có diện tích đất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất châu Á.

Mặc dù tiềm năng, giá trị kinh tế xuất khẩu nông sản hữu cơ rất lớn nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản hữu cơ của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng trên 335 triệu USD/năm trong tổng số trên 53 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2022, tức chưa tới 0,7%. Đây là con số khá khiêm tốn so với nguồn lực sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam, cũng như nhu cầu của thị trường thế giới.

Ảnh minh hoạ.

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ (FiBL) và Liên đoàn các Phong trào canh tác nông nghiệp hữu cơ quốc tế (IFOAM) (2021), giá trị hàng hữu cơ thế giới đã vượt ngưỡng 100 tỷ USD, các thị trường nhập khẩu sản phẩm hữu cơ lớn nhất bao gồm: Hoa Kỳ (44,7 tỷ Euro); Đức (12 tỷ Euro); Pháp (11,3 tỷ Euro). Đây cũng chính là các thị trường xuất khẩu nông sản hữu cơ lớn nhất của Việt Nam.

Nông sản hữu cơ được coi là xu thế tất yếu và thực tế các thị trường cao cấp, như: châu Âu và Hoa Kỳ đang có nhu cầu lớn và không ngừng gia tăng nhập khẩu mỗi năm. Tuy là nước có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu đứng hàng đầu thế giới như: gạo; điều, hồ tiêu…, nhưng giá trị xuất khẩu nông sản hữu cơ của Việt Nam so với các quốc gia trên thế giới còn thấp.

Theo báo cáo của Cơ quan phát triển nông nghiệp và nông thôn Liên minh châu Âu, Việt Nam chỉ đứng thứ 39 về giá trị hàng hóa nông nghiệp hữu cơ nhập khẩu vào thị trường này, với giá trị chưa tới 16 triệu USD trong năm 2021. Đứng đầu danh sách này là Ecuardo với giá trị xuất khẩu hàng nông sản hữu cơ đạt trên 345 triệu USD (chiếm 12% thị phần) vào thị trường EU.

Theo các chuyên gia, để thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm hữu cơ của Việt Nam sang các nước trên thế giới cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Chính phủ và các ngành liên quan cần có chính sách quy hoạch các vùng sản xuất nông sản hữu cơ tập trung phục vụ cho xuất khẩu, tránh tình trạng manh mún dẫn tới khó quản lý, tăng áp lực chi phí cho doanh nghiệp.

Đồng thời, bổ sung, hoàn thiện thể chế, chính sách tạo khung pháp lý cho phát triển nhanh hạ tầng thị trường theo hướng văn minh, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng kết nối thị trường các vùng, khu vực theo không gian lãnh thổ kinh tế, kết nối với thị trường các nước ASEAN trong một không gian thị trường thống nhất, đồng thời kết nối với không gian thị trường các nước mà Việt Nam đã ký kết tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, để gia tăng cơ hội cho tiêu thụ nông sản hữu cơ. Tập trung hoàn thiện chính sách khuyến khích các chủ thể trong nước phát triển nhanh hệ thống phân phối nông sản, thực phẩm ở thị trường nội địa và các nước có lợi thế cạnh tranh nhằm hỗ trợ cho tiêu thụ nông sản hữu cơ.

Các doanh nghiệp tham gia sản xuất, xuất khẩu nông sản hữu cơ cần có những hỗ trợ nhất định về mặt chi phí, chẳng hạn chi phí đánh giá sản phẩm, mua phân bón hữu cơ…, nhằm khuyến khích đầu tư vào phát triển nông nghiệp bền vững. Đồng thời, cũng cần có hỗ trợ liên quan đến tập huấn, tuyên truyền để người dân tích cực hưởng ứng, đồng hành phát triển nông sản hữu cơ cùng doanh nghiệp. Nhà nước cần tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, tư duy quản lý về sản xuất nông nghiệp hữu cơ và phát triển thị trường nông sản hữu cơ…

Ngoài ra, cần có các chương trình hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ quản lý nuôi trồng, sản xuất, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông sản hữu cơ nhằm thúc đẩy dòng sản phẩm này phát triển hiệu quả và bền vững hơn trong thời gian tới. Cần có các chính sách ưu đãi, thu hút doanh nghiệp nước ngoài uy tín tham gia đầu tư, xuất khẩu nông sản hữu cơ Việt Nam.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang