Thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới
Ngày 25/9/2024, Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp các đối tác liên quan tổ chức Diễn đàn khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới”, thu hút sự quan tâm của đông đảo chuyên gia kinh tế, nhà hoạch định chính sách và đại diện doanh nghiệp. Diễn đàn có sự góp mặt của hơn 250 khách mời là lãnh đạo, đại diện Ban, Bộ/ngành trung ương, đại biểu đến từ các Tổ chức quốc tế tại Việt Nam: Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Tổ chức GIZ, Tổ chức UNIDO, Tổ chức UNDP.
Diễn đàn khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới” diễn ra ngày 25/9/2024
Diễn đàn là hoạt động nhằm góp phần triển khai thực hiện các quan điểm, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi xanh, ứng phó với thách thức của biến đổi khí hậu và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050; đồng thời, góp phần cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc hoàn thiện, bổ sung các giải pháp mang tính then chốt, đặc thù, vượt trội đối với ngành/lĩnh vực và tạo động lực, huy động nguồn lực tài chính nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam- Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Minh chia sẻ: Việc thảo luận các chính sách cũng như nhận diện khó khăn trong quá trình thực hiện kinh tế tuần hoàn rất cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của mô hình này. Diễn đàn nhằm tìm kiếm giải pháp và kiến nghị chính sách để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đồng thời cung cấp luận cứ khoa học cho quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách xanh hóa tại Việt Nam.
Trao đổi tại Diễn đàn, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Thành- Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh: Kinh tế tuần hoàn được xây dựng trên các nguyên tắc giảm thiểu, tái chế và sử dụng bền vững tài nguyên, là xu hướng cần thiết nhằm giải quyết các thách thức môi trường và tiêu dùng hiện nay.
“Việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn được ước tính sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng toàn cầu 4,5 nghìn tỷ USD vào năm 2030, đồng thời giúp khôi phục các hệ thống tự nhiên. Việt Nam cũng nằm trong xu thế sản xuất xanh, do đó cần tận dụng cơ hội biến kinh tế tuần hoàn trong điều kiện mới để đạt mục tiêu tăng trưởng”- PGS. TS. Nguyễn Văn Thành khẳng định.
Tại diễn đàn, các bài tham luận của chuyên gia kinh tế, nhà hoạch định chính sách đã cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc hoàn thiện, bổ sung các giải pháp mang tính then chốt, đặc thù, vượt trội đối với ngành, lĩnh vực và trong tạo động lực, huy động nguồn lực tài chính, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới.
Đồng thời, các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra hạn chế, điểm nghẽn, nút thắt về cơ chế, chính sách cần phải tháo gỡ trong việc địa phương hóa các chiến lược, kế hoạch liên quan đến kinh tế tuần hoàn, cũng như nhận diện và xác định đúng nguyên nhân sâu xa của hạn chế, bất cập ở địa phương hiện nay.
Diễn đàn là dịp các chuyên gia gửi kiến nghị, đề xuất giải pháp để khắc phục những hạn chế, thách thức và tận dụng lợi thế về tài nguyên, nguồn nhân lực do bối cảnh mới mang lại, để có những chuyển đổi mạnh mẽ, thực chất trong phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam ở các cấp độ Chính phủ, địa phương, doanh nghiệp và hộ gia đình.
Diễn đàn là sự kiện thường niên hết sức quan trọng, nhằm tập trung đánh giá kết quả đạt được, phân tích những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của việc thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 687/QĐ- TTg ngày 07/6/2022 phê duyệt Đề án phát triển KTTH ở Việt Nam, đồng thời cập nhập diễn biến chính sách mới trên thế giới. |
Lê Kim Liên