Thực phẩm hỗ trợ giảm cân tiềm ẩn các chất cấm nguy hiểm sức khỏe

author 07:08 17/11/2021

(VietQ.vn) - Thực phẩm hỗ trợ giảm cân là các sản phẩm nhiều người tin tưởng dùng tuy nhiên tại sao thực phẩm hỗ trợ giảm cân này lại thường chứa chất cấm?

Thực phẩm hỗ trợ giảm cân là các sản phẩm nhiều người tin tưởng dùng để cải thiện tình trạng béo phì. Tuy nhiên theo nhiều nghiên cứu cũng như các chuyên gia hàng đầu về Y tế đã phải đưa ra cảnh báo rằng, những thực phẩm hỗ trợ giảm cân này thường chứa chất cấm Sibutramine vô cùng nguy hiểm vì có thể gây hại cho tim mạch, làm tăng huyết áp. 

Thực phẩm giảm cân chứa chất cấm Sibutramine

Do nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng nên hiện nay trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm thực phẩm hỗ trợ giảm cân với nhiều lời quảng cáo có cánh như: Siêu thực phẩm giảm cân thần tốc; thực phẩm giảm cân khoa học, an toàn; thực phẩm giảm cân đốt mỡ tốt nhất...Nhờ vào những lời quảng cáo có cánh này mà nhiều chị em bỏ ra số tiền lớn để mua về dùng.

Tuy nhiên thực tế theo các chuyên gia hàng đầu về Y tế, người tiêu dùng không nên quá tin tưởng vào những sản phẩm giảm cân này vì chúng thường chứa hóa chất độc hại.

Thực tế đã không ít lần lực lượng chức năng đã phát hiện và buộc dừng lưu hành sản phẩm thực phẩm giảm cân có chứa chất cấm, trong đó phải kể tới chất Sibutramine. Đây là một loại chất cực kỳ nguy hiểm cho sức khỏe. 

Cụ thể, trước đó, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết đã nhận được thông tin cảnh báo một số loại thực phẩm đang bán tại Singapore với công dụng giảm cân, thanh lọc cơ thể chứa chất cấm. Theo đó, Cơ quan Khoa học Y tế Singapore (HSA) thông báo về việc phát hiện các chất cấm sibutramine có trong một số loại thực phẩm bán tại Singapore.

Trước tình trạng này Cục An toàn thực phẩm ngay lập tức đã tiến hành rà soát nội bộ và kết quả là: Từ tháng 9/2014 đến nay, các sản phẩm trên chưa được cấp công bố tại Cục để nhập khẩu vào Việt Nam. Tuy nhiên, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm có tên nêu trên và báo với cơ quan chức năng gần nhất nếu phát hiện tổ chức, cá nhân có bán các sản phẩm này. Theo đó, 5 sản phẩm giảm cân, detox phát hiện có chất cấm gồm: Sản phẩm Clinic K, thành phần ghi trên nhãn Clinical Weight-loss Formula, bào chế dưới dạng viên, không rõ nhà sản xuất, quốc gia; Sản phẩm bị phát hiện có chứa Sibutramine; Sản phẩm RO Slim Booster được đóng dạng hộp, không rõ thông tin nhà sản xuất; Sản phẩm Rozell Detox, nhà sản xuất VellyGold Beauty (0024 81009-H) No38A, Jalan PSK 8 Pusat Perdagangan Seri Kembangan 43300 Selangor. Sản phẩm bị phát hiện có chứa Sennoside; Sản phẩm Serifa Beauty Solidmolid, nhà phân phối SERIFA BEAUTY Serifa Beauty&Health LG-10A MBE (Suite 888), Setapak Sentral Mall, 67 Jalan Taman Ibu Kota, 53300 Kuala Lumpu; Sản phẩm LKS Coffee đóng dạng gói, có chứa Sibutramine.

 Nhiều thực phẩm hỗ trợ giảm cân chứa chất cấm nguy hiểm cho sức khỏe cần tránh dùng. Ảnh minh họa

Tương tự, trước đó Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, cơ quan Khoa học Y tế Singapore (HSA) đã gửi thông báo cảnh báo sản phẩm giảm béo MONE Macha Cocoa có chứa chất cấm Sibutramine. 

Tại Việt Nam, theo rà soát của Bộ Y tế, từ năm 2018 đến năm 2020, lực lượng chức năng đã “tuýt còi” nhiều sản phẩm giảm cân chứa chất Sibutramine của một số doanh nghiệp. Điển hình như: Trà Slim Cường Anh của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Cường Anh Authentic; trà thảo mộc Hoa Sâm Đất của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hoàng ZN; trà thảo mộc Vy&Tea của Công ty TNHH một thành viên dịch vụ thương mại Hà Vy; Viên giảm cân Giáng ngọc Eva của Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Quốc tế BML…

Bên cạnh đó, không ít sản phẩm giảm cân nhập ngoại cũng bị cảnh báo, thu giữ vì có chứa chất cấm như: TPCN giảm cân hiệu Lishou (cùng thương hiệu nhưng có nhiều xuất xứ như Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam…).

Ngoài ra, Bộ Y tế từng đình chỉ lưu hành một số thực phẩm chức năng vì có chứa hoạt chất Sibutramine nguy hại như: 2Day Diet, 3X Slimming Power, OxyElite Pro, Super Fat Burner…Vào năm 2011, Cục đình chỉ lưu hành và thu hồi các thuốc chứa hoạt chất Sibutramine do có tác dụng không mong muốn. Cục cũng rút số đăng ký của tất cả thuốc có chứa hoạt chất Sibutramine.

Chất Sibutramine trong sản phẩm thực phẩm hỗ trợ giảm cân nguy hiểm thế nào?

Theo PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, chất Sibutramine có khả năng ức chế cảm giác thèm ăn, hạn chế hấp thu chất béo, giúp cơ thể giảm cân hiệu quả. Do đó, chất Sibutramine thường là hoạt chất được chỉ định trong điều trị béo phì bao gồm giảm cân và duy trì cân nặng. Tuy nhiên, Sibutramine có thể ảnh hưởng tới sức khỏe như gây chóng mặt, đau đầu, dị ứng, làm tăng các nguy cơ tim mạch. 

Sibutramine còn tác động lên hệ thần kinh, dẫn đến các triệu chứng mất ngủ (10,7%), chóng mặt (7,0%), lo lắng (4,5%), trầm cảm (4,3%), kích thích thần kinh trung ương (1,5%), mất khả năng cảm xúc (1,3%),…

Chất Sibutramine đặc biệt nguy hiểm đối với những người có tiền sử bệnh tim mạch, huyết áp. Nghiên cứu tác động tim mạch của Sibutramine cho thấy chất này làm gia tăng trung bình huyết áp tâm thu và tâm trương khoảng 1-3 mmHg. Tăng nhịp tim khoảng 4-5 nhịp mỗi phút, có thể gây rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim và ngừng tim, đột quỵ.

Được biết, Sibutramine được Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép từ tháng 11/1997. Tháng 11/2009, kết quả một nghiên cứu đã chỉ ra có sự gia tăng nguy cơ của các biến cố tim mạch đối với bệnh nhân có tiền sử về bệnh này khi sử dụng thuốc chứa sibutramine liên tục trong thời gian dài. Tháng 10/2010, vì lý do an toàn Sibutramine đã bị loại bỏ khỏi thị trường. Tại Việt Nam ngày 8/6/2010, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã ngưng cấp phép nhập khẩu Sibutramine. Năm 2011, Cục đình chỉ lưu hành và thu hồi các thuốc chứa hoạt chất Sibutramine do có tác dụng không mong muốn. Cục cũng rút số đăng ký của tất cả thuốc có chứa hoạt chất Sibutramine. 

Trước mức độ nguy hiểm của các sản phẩm thực phẩm hỗ trợ giảm cân, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân, để mua được các sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe bảo đảm an toàn, người tiêu dùng cần lựa chọn và mua sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe đã được cơ quan chức năng xác nhận cho phép lưu hành (sản phẩm đã được cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc sản phẩm đã được cấp công bố phù hợp quy định, an toàn thực phẩm); Mua các sản phẩm rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ, mua tại các cửa hàng có uy tín; Kiểm tra nhãn mác, hạn sử dụng của sản phẩm.

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Phong, thời gian tới, Cục An toàn Thực phẩm sẽ tiếp tục tập trung kiểm tra các sản phẩm thực phẩm chức năng, trong đó sẽ đặc biệt ưu tiên kiểm tra hoạt chất Sibutramin, đồng thời sẽ công khai các sản phẩm không đạt chất lượng để người dân biết và lựa chọn.

Để tiếp tục triển khai công tác kiểm tra giám sát an toàn thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Giám đốc Sở Y tế, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm các tỉnh thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn triển khai lấy mẫu trên diện rộng, tập trung vào nhóm sản phẩm giảm cân là thực phẩm chức năng để đánh giá chất lượng và an toàn của sản phẩm, ưu tiên giám sát chỉ tiêu Sibutramine.

 An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang