Thương mại điện tử chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

author 18:40 24/04/2024

(VietQ.vn) - Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử (EBI) 2024, trong năm 2023, thương mại điện tử chiếm khoảng 10% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, cao hơn mức 8,5% của năm 2022. Trong đó, tỷ lệ bán lẻ hàng hoá trực tuyến so với tổng mức bán lẻ hàng hoá khoảng 8,8%, cao hơn tỷ lệ tương ứng 7,2% của năm 2022.

Ngày 24/4/2024, tại Diễn đàn toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam (VOBF 2024), Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã chính thức công bố Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử (EBI) 2024.

Ông Nguyễn Bình Minh - Trưởng Ban Phát triển nguồn nhân lực VECOM công bố Báo cáo EBI 2024. Ảnh: VECOM

Theo Báo cáo EBI 2024, năm 2023, mặc dù nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn nhưng thương mại điện tử vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ. VECOM ước tính tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này tăng trên 25% so với năm 2022 và đạt 25 tỷ USD; trong đó, quy mô bán lẻ hàng hoá trực tuyến đạt 17,3 tỷ USD.

Tốc độ tăng trưởng này cao hơn nhiều so với bức tranh tổng thể của nền kinh tế. Theo Tổng cục Thống kê, ước tính GDP năm 2023 tăng 5,1% so với năm trước. Khu vực dịch vụ tăng 6,8%, trong đó ngành vận tải, kho bãi tăng 9,2%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,2%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 12,2%. Tính chung năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 6.232 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6%.

Như vậy, thương mại điện tử chiếm khoảng 10% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, cao hơn mức 8,5% của năm 2022. Trong đó, tỷ lệ bán lẻ hàng hoá trực tuyến so với tổng mức bán lẻ hàng hoá khoảng 8,8%, cao hơn tỷ lệ tương ứng 7,2% của năm 2022.

Sự phát triển nhanh của thương mại điện tử gắn liền với sự tăng trưởng của nhiều lĩnh vực liên quan. Trong vài năm gần đây, dịch vụ thanh toán và hoàn tất đơn hàng tăng trưởng nhanh chóng với công nghệ hiện đại đã góp phần thúc đẩy thương mại điện tử nói chung và bán lẻ trực tuyến phát triển mạnh mẽ.

Báo cáo cho biết, dịch vụ thanh toán phát triển mạnh mẽ cùng với quá trình chuyển đổi số. Tính đến cuối năm 2023, thanh toán không dùng tiền mặt đạt khoảng 11 tỷ giao dịch, tăng gần 50% so với năm 2022. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 200 triệu tỷ đồng. Trong đó, thanh toán qua internet đạt gần 2 tỷ giao dịch, với giá trị đạt trên 52 triệu tỷ đồng, tăng hơn 56% về số lượng và 5,8% về giá trị so với năm 2022; qua kênh điện thoại di động đạt hơn 7 tỷ giao dịch với giá trị đạt hơn 49 triệu tỷ đồng, tăng hơn 61% về số lượng và gần 12% về giá trị; qua phương thức QR code đạt gần 183 triệu giao dịch, với giá trị đạt hơn 116 ngàn tỷ đồng, tăng gần 172% về số lượng và hơn 74% về giá trị so với năm trước.

Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam được tổng hợp từ 3 chỉ số thành phần, bao gồm nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin, giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng và giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp.

Năm 2024, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu xếp hạng với 87 điểm; đứng thứ hai là Hà Nội với 84,3 điểm; thứ ba là Bình Dương với 51,3 điểm. Điểm trung bình của chỉ số năm nay là 23,1 điểm.

Đáng chú ý, khoảng cách về thương mại điện tử giữa hai trung tâm kinh tế là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh với các tỉnh thành còn lại là rất lớn. Khoảng cách giữa tỉnh thành xếp đầu Chỉ số là Tp. Hồ Chí Minh so với tỉnh thành thấp nhất trong bảng xếp hạng của 58 tỉnh thành là 76,4.

Sự thay đổi phương pháp tính toán và xếp hạng từ năm 2020 với mục tiêu phản ánh chân thực hơn hiện trạng cũng như tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử giữa các địa phương. Các chỉ số thành phần được bổ sung từ nhiều nguồn số liệu uy tín có tính chất định lượng và chính xác.

Đặc biệt, Báo cáo năm nay nhấn mạnh nội dung Rác thải nhựa từ thương mại điện tử nhằm kêu gọi các các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp cùng tham gia góp phần giảm tác động của thương mại điện tử đến môi trường, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử bền vững.

Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử năm nay là nguồn thông tin hữu ích cho mọi đối tượng quan tâm tới kinh doanh trực tuyến, bao gồm các doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu và tư vấn, các cơ quan xây dựng chính sách và pháp luật… Đặc biệt, các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương có thể đề xuất các hoạt động cụ thể thuộc phạm vi quản lý của mình để thúc đẩy từng chỉ tiêu thành phần trong chỉ số chung, qua đó góp phần phát triển thương mại điện tử tại địa phương- đại diện VECOM chia sẻ.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang