Thủy điện sông Tranh 2 phải an toàn!

author 11:18 30/05/2012

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trước những lo ngại của giới chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng và người dân liên quan đến rò rỉ nước tại đập thủy điện sông Tranh 2 thời gian qua.

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, đập thủy điện sông Tranh 2 đã an toàn ngay từ khi thực hiện tích nước vào tháng 11/2011 với mức nước ở mức 175 m nước theo thiết kế  và sẽ phải an toàn vì nó liên quan tới an toàn sinh mạng của nhiều người dân ở hạ lưu.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng: Đập thủy điện sông Tranh 2 sẽ phải an toàn . Ảnh: N. Nam
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng: Đập thủy điện sông Tranh 2 sẽ phải an toàn . Ảnh: N. Nam

Nhà nước, Chính phủ và các cơ quan quản lý, doanh nghiệp xây dựng, chủ đầu tư có trách nhiệm phải đảm bảo an toàn cho công trình.

Thưa Bộ trưởng, hiện nay người dân đang lo ngại liệu đập thủy điện sông Tranh 2 có an toàn hay không khi thời gian qua, một loạt sự cố đã diễn ra tại đó?

Về mặt kỹ thuật, đập thủy điện sông Tranh 2 là đập trọng lực, với công nghệ bê tông đầm lăn - công nghệ của các nước phát triển, nhiều nước phát triển trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc… đang sử dụng.

Đập thủy điện đó cũng được thiết kế theo tiêu chuẩn của Mỹ, có độ an toàn rất cao. Đã có tư vấn độc lập để kiểm tra kết quả thực tiễn. Hội đồng nghiệm thu nhà nước cũng đã giao cho các chuyên gia đầu ngành kiểm tra và khẳng định về mặt thiết kế là an toàn, về mặt chịu lực cũng được an toàn.

Hiện tượng rò rỉ nước, thấm mước thì tiếp tục phải khắc phục.

Hiện nay trên thế giới, có tới trên 600 đập bê tông đầm lăn, nhưng hiện tượng thấm nước của các đập đó là nhiều nếu không muốn nói là phổ biến và đều có thể khắc phục được. Có những Thế giới nhiều đập thấm nước gấp 3 lần thủy điện sông Tranh 2nhưng vẫn an toàn.

Đối với đập sông Tranh 2 của nước ta, cần phải khắc phục phần thân, thấm nước và không cho phép thấm nước như vậy.

Bộ Xây dựng với tư cách là cơ quan quản lý về đầu tư, chất lượng xây dựng và cũng là Chủ tịch hội đồng nghiệm thu nhà nước về xây dựng. Bộ đã yêu cầu chủ đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về thủy lợi phải khẩn trương khắc phục các rò rỉ trước mùa mua lũ. Yêu cầu tiếp tục có tư vấn độc lập của Nhật Bản để kiểm tra toàn diện an toàn của đập, đảm bảo an toàn cho khu vực và người dân.

Các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng muốn gửi đến bộ trưởng các băn khoăn, nguyên nhân trực tiếp của rò rỉ nước ở sông Tranh 2 là do yếu tố thi công nhưng nguyên nhân sâu xa là thiếu các quy định cụ thể về chất lượng, các tiêu chuẩn và quy chuẩn trong lĩnh vực xây dựng các công trình thủy điện, vậy chúng ta kiểm soát chất lượng công trình thủy điện như thế nào thưa Bộ trưởng?

Đúng là việc thấm nước của thủy điện sông Tranh 2 là do yếu tố thi công và trách nhiệm thuộc về các chủ đầu tư, nhà thầu và cơ quan giám sát chất lượng tại đó.

Về chất lượng công trình, thủy điện sông Tranh 2 đã xây dựng dựa trên 2 tiêu chuẩn. Thứ nhất là tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 285:2002 về các công trình thủy lợi và tiêu chuẩn của Mỹ.

Việc sử dụng hai tiêu chuẩn nói trên phù hợp với quy định của pháp luật. Trong khi chúng ta chưa có tiêu chuẩn phù hợp với công trình cụ thể sẽ cho phép bên đầu tư được sử dụng tiêu chuẩn của nước ngoài, tiên tiến để áp dụng vào các công trình đầu tư.

Hiện nay, để quản lý thống nhất về chất lượng và đầu tư xây dựng, chúng ta cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng nói chung, đặc biệt là pháp luật liên quan đến quản lý chất lượng. Trong đó các quy chuẩn, tiêu chuẩn. Việc này, Bộ Xây dựng phải tiếp tục cùng với bộ chuyên ngành để xây dựng các bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn về các công trình đặc thù và thủy điện sông Tranh 2 là một ví dụ.

Năng lực nhà thầu đang là vấn đề được nhiều người quan tâm, bởi ảnh hưởng đến chất lượng của công trình, liệu chúng ta có cần thiết phải sàng lọc, thanh lọc bớt các nhà thầu, chọn được các nhà thầu có năng lực thực sự không thưa Bộ trưởng?

Phải khẳng định, đội ngũ nhà thầu của nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đảm nhiệm thi công nhiều công trình quan trọng, quy mô lớn và phức tạp tạo ra các cơ sở vật chất cho nền kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội như các thủy điện, dầu khí,…

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn không ít các nhà thầu năng lực còn kém và trách nhiệm của nhà thầu còn thấp. Điều đó làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng các công trình xây dựng và hiệu quả đầu tư xây dựng.

Khắc phục vấn đề đó, Bộ Xây dựng sẽ phải tiếp tục tham mưu, biên soạn các văn bản quy phạm, pháp luật để tăng cường quản lý nhà thầu, trong đó công khai minh bạch nhà thầu để các chủ đầu tư có thể thông qua đó lựa chọn nhà thầu chính xác và có chế tài xử phạt.

Ngoài ra, chúng ta cũng phải sửa đổi lại Luật Đấu thầu, để chúng ta có thể lựa chọn được các nhà thầu thực sự, tránh tình trạng bỏ thầu giá rẻ, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả đầu tư xây dựng.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Hồng Anh ghi

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang