Tiền Giang: Phát hiện 25 cơ sở bán pháo, đồ chơi trẻ em nguy hiểm

author 15:18 10/01/2022

(VietQ.vn) - Cục QLTT tỉnh Tiền Giang vừa phát hiện 25 vụ kinh doanh pháo, đồ chơi trẻ em vi phạm, buộc tiêu hủy tại chỗ 65 đồ chơi trẻ em và thu giữ gần 1,9 nghìn cây pháo.

Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) và UBND tỉnh Tiền Giang về tăng cường kiểm tra pháo và đồ chơi trẻ em nguy hiểm bị cấm, từ ngày 28/12/2021 đến ngày 05/01/2022, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đã phối hợp với Công an tỉnh tiến hành kiểm tra 64 cơ sở kinh doanh tạp hóa, bánh kem, đồ chơi trẻ em trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Kết quả kiểm tra, phát hiện có 25 trường hợp vi phạm, buộc tiêu hủy tại chỗ 65 đơn vị sản phẩm đồ chơi trẻ em nguy hiểm bị cấm là súng nhựa, kiếm nhựa; thu giữ gần 1,9 nghìn cây pháo que, pháo xẹt, nến xẹt giao cơ quan Công an tiếp tục xử lý theo quy định. Công tác phối hợp kiểm tra tiếp tục thực hiện tại các chợ đầu mối, điểm bán tạp hóa, quà lưu niệm, bánh kem, đồ chơi trẻ em trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến hết ngày 14/01/2022.

Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa không có xuất xứ 

Từ nay đến hết Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang chỉ đạo các Đội QLTT tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo. Tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, theo dõi, rà soát, chủ động phối hợp với các ngành chức năng có liên quan kịp thời kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo, thuốc pháo.

Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền trên sóng truyền thanh, truyền hình nhằm nâng cao nhận thức của người dân, tích cực phát hiện, tố giác hành vi vi phạm, không bao che, tiếp tay hoặc tham gia sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo, thuốc pháo; góp phần ổn định thị trường Tết.

Cũng theo các chuyên gia thì đồ chơi không rõ nguồn gốc đa phần được làm từ chất liệu tái chế trộn thêm nhựa công nghiệp và các chất phụ gia, màu công nghiệp. Các loại nguyên liệu này khi kết hợp với nhau rất độc hại, nếu sử dụng trong thời gian dài trẻ còn có thể bị ngộ độc, rối loạn chức năng, thậm chí là vô sinh hoặc bị ung thư.

Mặc dù Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 18/2009/TT-BKHCN về  Quy chuẩn kĩ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em. Theo đó, kể từ ngày 15/4/2010, đồ chơi trẻ em được sản xuất trong nước hay nhập khẩu chỉ được lưu thông trên thị trường sau khi đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em QCVN 3:2009/BKHCN.

Tuy nhiên, nhiều tiểu thương hoặc cơ sở kinh doanh vẫn vì lợi nhuận mà lấy hàng nhập lậu không rõ nguồn gốc sau đó dán tem và bán ra thị trường khiến đồ chơi trẻ em trở thành vấn nạn lớn của xã hội và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ nhỏ.

 Bảo Linh (t/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang