Tiền Giang: Thu giữ 100 tấn phân đạm urê không rõ nguồn gốc

author 07:44 25/11/2023

(VietQ.vn) - Hải đoàn Biên phòng 18, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng dẫn giải tàu LA-07801 có hành vi vận chuyển khoảng 100 tấn phân đạm urê chưa rõ chất lượng, không có giấy tờ hợp pháp về cảng để điều tra, xử lý.

Theo thông tin từ Hải đoàn Biên phòng 18, đóng tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, thuộc Bộ Tư lệnh đội Biên phòng, đơn vị đã chủ trì phối hợp Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện 1 tàu vận chuyển khoảng 100 tấn phân urê không có giấy tờ hợp pháp.

Cụ thể, vào lúc 23 giờ 10 phút ngày 22/11, trên khu vực biển tỉnh Tiền Giang, trong quá trình tuần tra, Biên đội III/23, Hải đoàn Biên phòng 18 và Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện tàu LA-07801 có nhiều dấu hiệu nghi vấn nên đã ra tín hiệu dừng tàu để kiểm tra hành chính.

Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu LA-07801 có 10 thuyền viên do ông Nguyễn Văn Việt, sinh năm 1972 quê ở tỉnh Long An làm thuyền trưởng.

 Bắt giữ tàu vận chuyển khoảng 100 tấn phân urê không rõ nguồn gốc.

Theo lời khai ban đầu của thuyền trưởng Nguyễn Văn Việt, trên tàu đang vận chuyển khoảng 100 tấn phân urê. Tuy nhiên, ông Việt không xuất trình được bất cứ giấy tờ chứng minh tính hợp pháp cũng như khẳng định chất lượng của số hàng hóa nói trên.

Lực lượng chức năng của Hải đoàn Biên phòng 18 đã lập biên bản vi phạm hành chính, thiết lập hồ sơ ban đầu và niêm phong hàng hóa vi phạm; sau đó dẫn giải phương tiện LA-07801 về cảng Hải đoàn Biên phòng 18 tại thành phố Vũng Tàu để tiếp tục điều tra, xử lý đúng theo quy định của pháp luật.

Theo lực lượng chức năng, hiện nay phân bón giả, kém chất lượng luôn là mối lo của nông dân cũng như doanh nghiệp làm ăn chân chính. Trên thực tế, nhiều đại lý vì lợi trước mắt đã mua sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất phân đạm kém chất lượng với giá thấp, sau đó bán với giá cao để kiếm lợi, bất chấp thiệt hại, hậu quả mà người nông dân phải trực tiếp gánh chịu.

Liên quan đến việc đảm bảo chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành QCVN 01-189:2019/BNNPTNT- Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng phân bón. Quy chuẩn này quy định về phân loại, chỉ tiêu chất lượng, yếu tố hạn chế, phương pháp thử và yêu cầu quản lý đối với phân bón trong quá trình sản xuất, buôn bán và nhập khẩu phân bón.

Quy chuẩn áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến lĩnh vực phân bón tại Việt Nam.

Về chỉ tiêu chất lượng phân bón:

Quy chuẩn trên yêu cầu phân bón phải được cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam và đáp ứng các chỉ tiêu chất lượng chính, chỉ tiêu chất lượng bổ sung phải đăng ký trong Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam (sau đây gọi là chỉ tiêu chất lượng bổ sung phải đăng ký), mức sai lệch giữa kết quả thử nghiệm so với mức đăng ký trong Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam và mức sai lệch giữa kết quả thử nghiệm so với mức quy định (sau đây gọi là mức sai lệch so với mức quy định) được chấp nhận về chỉ tiêu chất lượng quy định tại Phụ lục I, II, III của Quy chuẩn này.

Ngoài chỉ tiêu chất lượng chính, chỉ tiêu chất lượng bổ sung phải đăng ký, tổ chức, cá nhân được đăng ký chỉ tiêu chất lượng bổ sung quy định tại Bảng 24 Phụ lục II của Quy chuẩn này trong Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam (sau đây gọi là chỉ tiêu chất lượng bổ sung được đăng ký).

Phân bón trong thành phần chứa một hoặc nhiều chất điều hòa sinh trưởng có hàm lượng hoặc tổng hàm lượng ≥0,005% khối lượng phải đăng ký các chất điều hòa sinh trưởng trong Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam; hàm lượng hoặc tổng hàm lượng (trường hợp có từ hai chất điều hòa sinh trưởng trở lên) chất điều hòa sinh trưởng trong phân bón phải nhỏ hơn 0,5% khối lượng.

Chỉ tiêu chất lượng phân bón công bố hợp quy phải đúng với chỉ tiêu chất lượng phân bón trong Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam.

Yếu tố hạn chế trong phân bón (yếu tố gây hại):

Phân bón phải đáp ứng yêu cầu về yếu tố hạn chế quy định tại Phụ lục IV của quy chuẩn này. Đối với phân urê, phân amoni sulphat, phân amoni clorua, phân lân nung chảy, phân superphosphat đơn, phân superphosphat kép, phân superphosphat giàu, phân diamoni phosphat, phân urê-vi lượng, phân amoni sulphat-vi lượng, phân amoni clorua-vi lượng, phân lân nung chảy-vi lượng, phân superphosphat đơn-vi lượng, phân superphosphat kép-vi lượng, phân superphosphat giàu-vi lượng, phân diamoni phosphat-vi lượng phải đăng ký trong Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam các yếu tố hạn chế và hàm lượng yếu tố hạn chế đáp ứng quy định tại Phụ lục IV của Quy chuẩn này và công bố hợp quy phải đúng với yếu tố hạn chế trong Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam.

Phân bón không được chứa hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật. Trường hợp phân bón chứa chất sinh học có chức năng cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng hoặc cải tạo đất đồng thời có chức năng phòng chống sinh vật gây hại phải đăng ký và được Cục Bảo vệ thực vật xem xét, công nhận trong Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam đối với từng phân bón cụ thể.

Nguyên tắc chung về quản lý chất lượng phân bón:

Việc quản lý chất lượng phân bón (bao gồm sản xuất trong nước, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường) phải tuân thủ quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và pháp luật về quản lý phân bón; đảm bảo minh bạch, khách quan, không phân biệt đối xử về xuất xứ hàng hóa và tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa, phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán và người tiêu dùng. Phân bón nhập khẩu phải được kiểm tra nhà nước về chất lượng trước khi thông quan và phải tuân theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, pháp luật về quản lý phân bón.

Quy định về chứng nhận hợp quy:

Việc chứng nhận hợp quy đối với phân bón được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31 tháng 3 năm 2017 về sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

 Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang