Tiền Giang xử phạt 8 cơ sở kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc qua mạng xã hội
Tiền Giang: Thu phạt gần 1,7 tỷ đồng đối với vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử
Công ty Cổ phần Dược S.Pharm bị xử phạt 125 triệu đồng do vi phạm trong lĩnh vực y tế
Kiên Giang xử phạt 2 cơ sở kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu qua mạng xã hội
Xử phạt Công ty TNHH Gia Nguyễn UM Vũng Tàu xả thải vượt quy chuẩn
Trong tháng 10/2024, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 6 thuộc Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đã phối hợp với lực lượng liên ngành tiến hành kiểm tra đột xuất 8 cơ sở kinh doanh trên địa bàn các huyện Tân Phước, Châu Thành, TP Gò Công và TP Mỹ Tho đang trưng bày, giới thiệu sản phẩm kính mắt có dấu hiệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, mỹ phẩm nhập lậu.
Lực lượng chức năng kiểm tra trực tiếp cơ sở kinh doanh. Cục QLTT Tiền Giang
Qua quá trình thẩm tra và xác minh, lực lượng chức năng phát hiện 7 cơ sở kinh doanh hơn 230 sản phẩm kính mắt không có chứng từ nguồn gốc, xuất xứ. Một cơ sở khác kinh doanh 50 sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu nhưng không có hóa đơn chứng từ hợp pháp.
Quá trình giải quyết vụ việc, chủ các cơ sở kinh doanh không cung cấp được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Đội QLTT số 6 đã hoàn thiện hồ sơ và ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với 8 cơ sở kinh doanh, với tổng số tiền phạt là 30 triệu đồng. Đồng thời, toàn bộ tang vật vi phạm trị giá gần 50 triệu đồng đã bị tiêu hủy theo quy định pháp luật. Đến nay, các cơ sở đã hoàn tất việc thực hiện quyết định xử phạt.
Trước đó, vào ngày 27/9/2024, Đoàn kiểm tra liên ngành 389/TG do Đội QLTT số 6 chủ trì cũng đã kiểm tra một nhà thuốc tại huyện Châu Thành, phát hiện cơ sở này bán 8 vỉ thuốc Cefuroxim 500mg có dấu hiệu giả mạo sản phẩm của Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương VIDIPHA. Tất cả số thuốc này đã bị thu giữ để xử lý theo pháp luật.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đã tiến hành kiểm tra 143 vụ việc, trong đó phát hiện 132 vụ vi phạm và xử lý 126 vụ. Tổng số tiền thu phạt lên đến gần 1,7 tỷ đồng, với trị giá hàng hóa vi phạm trên 3,1 tỷ đồng. Gần 1.400 sản phẩm vi phạm (mỹ phẩm, thuốc lá điện tử, nước giải khát…) trị giá hơn 500 triệu đồng đã bị tiêu hủy. Hơn 2.000 sản phẩm vi phạm về nhãn mác (vàng trang sức, quần áo may sẵn, phân bón…) được buộc thu hồi và ghi nhãn đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông.
Các hành vi vi phạm phổ biến bao gồm không thông báo hoạt động thương mại điện tử với cơ quan chức năng, buôn bán mỹ phẩm và thuốc lá điện tử nhập lậu, sản phẩm không rõ nguồn gốc và vi phạm nhãn mác, đặc biệt là trong các sản phẩm vàng trang sức và xe mô tô hai bánh.
Nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm kinh doanh trên sàn thương mại điện tử Bộ Công Thương đã xây dựng và triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử. Cụ thể, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, Nghị định 55/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 của Chính phủ đã bổ sung nhiều quy định nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử.
Các quy định mới làm rõ trách nhiệm của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian, nền tảng số lớn, điều chỉnh việc sử dụng hệ thống thuật toán và quảng cáo hướng tới nhóm người tiêu dùng cụ thể. Kiểm duyệt nội dung, minh bạch hoạt động quảng cáo và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương như trẻ em, người cao tuổi, người dân tộc thiểu số.
Song song đó, các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương xây dựng cơ chế phối hợp trong tổ chức các hoạt động thanh tra. Qua đó đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc có quy mô lớn về hàng gian, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc chào bán trên không gian mạng. Kịp thời yêu cầu các sàn thương mại điện tử điều chỉnh, xóa bỏ các thông tin có nội dung sai lệch, có khả năng tác động tiêu cực tới người tiêu dùng.
Duy Trinh