Tiền Giang: Xử phạt cơ sở kinh doanh phân bón vi phạm chất lượng

author 16:21 23/08/2023

(VietQ.vn) - Mới đây, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đã xử phạt 01 hộ kinh doanh buôn bán phân bón có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Theo đó, Đội Quản lý Thị trường số 4 (Cục Quản lý Thị trường tỉnh Tiền Giang) phối hợp Phòng Nông nghiệp huyện Gò Công Tây kiểm tra theo kế hoạch kiểm tra định kỳ đối với 1 hộ kinh doanh phân bón trên địa bàn huyện Gò Công Tây (Tiền Giang). Quá trình kiểm tra đoàn lấy 3 mẫu phân bón để kiểm nghiệm chất lượng. Kết quả, 1 mẫu phân bón có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Đội Quản lý Thị trường số 4 đã lập Biên bản vi phạm vi phạm hành chính và chuyển toàn bộ hồ sơ cho cấp có thẩm quyền xử phạt. Tang vật vi phạm là 4 tấn phân bón trị giá gần 90 triệu đồng. Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang đã ban hành quyết định xử phạt đối với hộ kinh doanh nêu trên số tiền là 30 triệu đồng. Ngoài ra, còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc hộ kinh doanh liên hệ cơ sở sản xuất để thu hồi, tái chế đối với 4 tấn phân bón vi phạm. Đến thời điểm này, cơ sở đã thực hiện xong quyết định xử phạt.

 Số phân bón vi phạm chất lượng bị lực lượng chức năng kiểm tra.

Về cách nhận biết phân bón giả, phân bón kém chất lượng, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tiền Giang đã đưa ra một số hướng dẫn cụ thể. Theo nhận định của ngành nông nghiệp, hiện nay, việc nhận biết phân bón giả, kém chất lượng thông qua bao bì, hình dạng, màu sắc sản phẩm là rất khó, bởi số lượng phân bón thành phẩm lưu thông ngoài thị trường rất lớn và có nhiều dạng, màu sắc, công thức khác nhau.

Tuy nhiên, không phải là không có cách "trị". Bên cạnh chế tài về công tác quản lý Nhà nước, Sở cũng đưa ra một số khuyến cáo để nông dân tránh mua phải phân bón giả, như: Không nên ham rẻ, ham khuyến mại - bởi giá rẻ mà có khuyến mại lớn, kéo dài liên tục thì nhà nông nên "suy nghĩ" chỉ có thể là phân giả hoặc phân kém chất lượng. Không nên mua phân vón cục, đóng rắn hoặc chảy nước vì đã bị biến đổi chất lượng mà nên chọn mua phân bón, vật tư nông nghiệp của doanh nghiệp lớn, uy tín và có "bề dày lịch sử" trong sản xuất, kinh doanh.

Về phía người sử dụng, Sở khuyến cáo nông dân khi mua sử dụng nên ghi chép lại thông tin trên bao bì phân bón, thậm chí giữ lại mẫu bao bì và phân bón để làm "vật chứng" khi có sự cố xảy ra. Trong trường hợp cần thiết nên chủ động liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp sản xuất hoặc đại lý phân phối theo số điện thoại trên bao bì, thông báo tình trạng đang gặp phải để được giải đáp hoặc tư vấn. Nếu không liên hệ được với địa chỉ nhà sản xuất in trên bao bì sản phẩm hay không được giải đáp rõ ràng, người dân có thể báo lại cho các cơ quan chức năng trong khu vực mua sản phẩm như Cục QLTT, Thanh tra nông nghiệp…

Về hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến lĩnh vực này, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 01-189:2019/BNNPTNT về chất lượng phân bón. Ngoài ra, mẫu phân bón được lấy để xác định hàm lượng chỉ tiêu chất lượng, yếu tố hạn chế theo phương pháp lấy mẫu quy định tại TCVN 9486:2018 Phân bón - Phương pháp lấy mẫu và TCVN 12105:2018 Phân bón vi sinh vật - Lấy mẫu.

Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 10676:2015 Phân bón - Xác định hàm lượng thủy ngân tổng số bằng phương pháp phổ hấp thụ nguyên tử - kỹ thuật hóa hơi lạnh.

Bảo Linh 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang