Tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh doanh thuận lợi và hấp dẫn nhất cho ngành công nghiệp bán dẫn

author 20:47 29/10/2023

(VietQ.vn) - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Việt Nam có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn. Chính phủ Việt Nam tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh doanh thuận lợi và hấp dẫn nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (VIIE 2023) và Lễ Khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia NIC Hòa Lạc, chiều 29/10/2023 đã diễn ra Hội nghị cấp cao về công nghiệp bán dẫn. 

Với chủ đề “Việt Nam- Điểm đến triển vọng cho công nghiệp bán dẫn toàn cầu”, Hội nghị tập trung thảo luận về thực trạng phát triển ngành  công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam và chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này. 

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam xác định phát triển công nghệ cao, đặc biệt là công nghiệp bán dẫn là một trong những lĩnh vực tạo đột phá cho phát triển và là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. 

Theo Bộ trưởng, Việt Nam đang có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn; đồng thời có đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển ngành công nghiệp này. Đặc biệt, Chính phủ luôn quan tâm đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. 

 Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Việt Nam có nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển hệ sinh thái ngành CN bán dẫn. Ảnh NIC

"Việt Nam đã xây dựng đề án đề án phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư cho ngành công nghiệp này đến năm 2030. Đồng thời, xây dựng nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho các công ty, tập đoàn ngành bán dẫn. Các dự án đầu tư ngành bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao được áp dụng những ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam"- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay. 

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có lực lượng lao động dồi dào trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ phù hợp với ngành bán dẫn. Ngoài ra, có những đơn vị nghiên cứu, đào tạo uy tín trong lĩnh vực bán dẫn như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách Khoa Hà Nội... Các doanh nghiệp lớn có nguồn lực và sẵn sàng hợp tác phát triển ngành bán dẫn như: Viettel, VNPT, FPT, CMC... 

Đồng thời, Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước ở châu Âu, Đài Loan (Trung Quốc)... 

Hiện nay, Việt Nam đang phụ thuộc 100% nguồn cung chip bán dẫn từ nước ngoài. Các công ty trong nước chỉ có Tổng Công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel (VHT) và FPT tham gia với công đoạn thiết kế chip. Các công ty trong nước có vốn đầu tư nước ngoài đa phần thực hiện các công đoạn gia công thiết kế vi mạch, lắp rắp, kiểm định. 

Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và 3 khu công nghệ cao tại Hòa Lạc (Hà Nội), TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng với đầy đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng để sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn với nhiều cơ chế ưu đãi. NIC và các khu công nghệ cao này sẽ là cầu nối quan trọng để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái ngành bán dẫn Việt Nam. 

"Chính phủ Việt Nam tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh doanh thuận lợi và hấp dẫn nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo trong ngành công nghiệp bán dẫn. Theo đó, các dự án đầu tư ngành bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao được áp dụng những ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam"- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh. 

 Ra mắt Mạng lưới Bán dẫn Việt Nam. Ảnh NIC

Trong khuôn khổ sự kiện, Mạng lưới Bán dẫn Việt Nam đã chính thức ra mắt. Đây được xem như một bước tiến mới cho sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

Mạng lưới Bán dẫn Việt Nam đi vào hoạt động sẽ từng bước hiện thực hóa định hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một đối tác tin cậy trong hệ sinh thái bán dẫn khu vực và toàn thế giới, nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và hiện đại hóa nền kinh tế.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang