Vẫn tranh cãi 'nảy lửa' về tịch thu phương tiện

author 18:04 10/03/2015

(VietQ.vn) - Ủy ban ATGT Quốc gia đề xuất Chính phủ tịch thu phương tiện nếu người điều khiển vi phạm về nồng độ còn quá cao, hoặc đi xe máy vào đường cao tốc. Không ít ý kiến cho rằng đề xuất này vi phạm Luật trong khi Ủy ban ATGT Quốc gia khẳng định, có cơ sở để thực hiện.

Lo ngại lại “đẻ” ra quy định

Theo đề xuất của Ủy ban ATGT Quốc gia, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn sẽ được tăng nặng. Cụ thể, với hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn của lái xe cơ giới đường bộ, Ủy ban ATGT Quốc gia kiến nghị một số hình thức xử lý khá nặng.

Cụ thể, đối với người điều khiển xe ô tô, phạt tiền phạt tiền từ 8 triệu đồng - 15 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) 6 tháng đối với hành vi điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn đến 50 mg/100ml máu hoặc 0,25mg/1lit khí thở;

Phạt tiền từ 15 triệu đồng - 20 triệu đồng và tước quyền sử dụng GPLX 12 tháng nếu nồng độ cồn trong máu từ 50mg/ml - 80mg/ml hoặc 0,25mg - 0,4mg/lit khí thở, đồng thời phải thi lại nội dung về Luật giao thông đường bộ trước khi cấp lại GPLX; Tước quyền sử dụng GPLX 24 tháng và tịch thu phương tiện nếu trong máu có nồng độ cồn trên 80mg/100ml hoặc vượt quá 0,4mg/1lit khí thở, đồng thời phải thi lại nội dung về Luật Giao thông đường bộ trước khi cấp lại GPLX.

Tương tự, với người điều khiển xe máy, phạt tiền từ 4 triệu đồng - 5 triệu đồng và tước GPLX 12 tháng, nếu trong máu có nồng độ cồn từ 50mg/ml - 80mg/ml máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn trên 50mg đến 80mg/1lit khí thở; Nếu trong máu có nồng độ cồn trên 80mg/ml hoặc vượt quá 0,4mg/lit khí thở cũng sẽ bị tịch thu phương tiện.

Xe máy đi vào đường cao tốc có thể bị tịch thu. Ảnh: VOV

Đặc biệt, với đề xuất tịch thu xe máy đi vào đường cao tốc đang gây tranh cãi, Ủy ban ATGT Quốc gia chính thức kiến nghị Chính phủ cho phép tịch thu xe máy, xe thô sơ, xe máy điện nếu lưu thông vào đường cao tốc. Ủy ban ATGT Quốc gia kiến nghị Chính phủ sớm cho các bộ, ngành địa phương đưa vào áp dụng từ 15/3 tới đây.

Luật sư Lê Cao (Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng) cho rằng, nếu không nghiên cứu kỹ sẽ lại “đẻ” ra một quy định gây “bão” dư luận. Hiện chưa có quy định nào từ Hiến pháp đến Luật An toàn giao thông (ATGT), Nghị định của Chính phủ quy định sẽ tịch thu tài sản của công dân nếu điều khiển phương tiện giao thông trong tình trạng có độ cồn như đề xuất nói trên.

Bên bảo có cơ sở, bên bảo không

Tuy nhiên, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, hoàn toàn có cơ sở để tịch thu phương tiện của những lái xe có nồng độ cồn quá cao. “Trong quá trình xây dựng đề xuất, chúng tôi đã nghiên cứu cơ sở pháp lý. Hiện nay, quyền sở hữu tài sản được quy định rất rõ trong Hiến pháp. Nhưng điều 26 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 cũng quy định về việc tịch thu phương tiện của những người cố tình vi phạm, những hành vi vi phạm hành chính uy hiếp gây nguy hiểm cho xã hội cao. Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là việc sung vào ngân sách nhà nước tang vật, tiền, hàng hóa, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính, được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức”.

Nói về điều này, Luật sư Lê Cao bày tỏ, khi viện dẫn Điều 26 Luật Xử lý vi phạm hành chính để làm căn cứ cho đề xuất này hoặc bảo vệ quan điểm của đề xuất này, cần phải thận trọng. Cụ thể Điều 26 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định như sau: “Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là việc sung vào ngân sách nhà nước vật, tiền, hàng hoá, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính, được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức”.

Luật xử lý vi phạm hành chính chỉ nêu các quy định chung về vấn đề xử lý hành chính, Điều 26 của luật này cũng nói về chuyện tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nói chung, điều luật đó không trao cho bất kỳ cơ quan nào có quyền tước đi tài sản của người khác (trong trường hợp người sở hữu tài sản đó không vi phạm pháp luật). “Do đó, chỉ dựa vào điều luật này để xác lập cơ sở pháp lý cho đề xuất tịch thu phương tiện khi có nồng độ cồn cao, đi vào đường cao tốc … sẽ là một sự vội vàng. Nếu vẫn dùng quan điểm này để tạo ra quy định như đề xuất sẽ dẫn đến những chồng chéo, mâu thuẫn trong việc vừa xử lý, chế tài một hành vi vi phạm pháp luật với câu chuyện bảo vệ quyền sở hữu của công dân”, luật sư Lê Cao phân tích.

Đề xuất tịch thu phương tiện đang gây ra những tranh luận nảy lửa, trong bản thân những người biết luật, làm luật và thực thi luật đến dư luận nhân dân. Không ít người cũng bày tỏ sự đồng tính với đề xuất của Ủy ban ATGT Quốc gia, song cũng có số đông bày tỏ sự phản đối, cho rằng nên tăng nặng xử phạt. Trong các hiệp hội vận tải, hiện cũng có những ý kiến, quan điểm trái chiều. Mới đây, Chính phủ đã giao cho 3 Bộ gồm, Bộ GTVT, Bộ Công an và Bộ Tư pháp cùng nghiên cứu về đề xuất này của Ủy ban ATGT Quốc gia. Các Bộ phải báo cáo lên Chính phủ trước ngày 13/3 tới đây.

 Trần Hoài

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang