Tiêu chuẩn quốc gia sửa đổi 1:2022 TCVN I-4:2017 về rễ cây bách bộ dùng làm dược liệu

author 06:46 19/02/2025

(VietQ.vn) - Tiêu chuẩn quốc gia sửa đổi 1:2022 TCVN I-4:2017 đưa ra các yêu cầu về thử nghiệm, bảo quản, vận chuyển rễ cây bách bộ làm dược liệu.

Bách bộ là một loài dây leo có thể gặp ở khắp nơi trong nước, nhưng nhiều nhất là ở các tỉnh phía bắc như Hà Tây (Hà Nội), Hòa Bình, Bắc Cạn, Thái Nguyên. Dược liệu này thuộc nhóm trị ho, ngoài ra còn có tác dụng trị giun và diệt sâu bọ.

Rễ củ bách bộ chứa nhiều glucid (2,3%), lipid(0,83%), protid (9%), các acid hữu cơ. Ngoài ra, còn chiết xuất được các alkaloid, chủ yếu là stemonin (0,18%) C22H33NO4, tuberstemonin C19H29NO4, stemonidin C17H27NO5, paipunin và sinostemonin. Ngoài ra đã có bằng chứng cho thấy bách bộ có tác dụng sát khuẩn với các loại vi khuẩn trong ruột già, diệt được khuẩn lỵ và phó thương hàn nên được sử dụng phổ biến làm dược liệu quý. Tuy nhiên để sử dụng rễ cây bách bộ làm dược liệu đảm bảo an toàn khi sử dụng thì nên tuân theo các yêu cầu về thử nghiệm và bảo quản theo tiêu chuẩn. 

Tiêu chuẩn quốc gia sửa đổi 1:2022 TCVN I-4:2017 về dược liệu và thuốc từ dược liệu do Bộ khoa học và Công nghệ công bố đưa ra các yêu cầu kỹ thuật, phương pháp kiểm nghiệm, bảo quản và các yêu cầu có liên quan đến chất lượng đối với dược liệu rễ cây bách bộ đã phơi hoặc sấy khô của cây bách bộ (Stemona tuberosa Lour.), họ bách bộ (Stemonaceae).

Rễ bách bộ có thể làm dược liệu hỗ trợ điều trị nhiều bệnh khác nhau. Ảnh minh họa

Theo đó để sử dụng rễ bách bộ làm dược liệu tiêu chuẩn này nêu rõ, nên đào lấy rễ củ lúc trời khô ráo, tốt nhất là vào mùa Thu khi lá bắt đầu chuyển sang màu vàng, rửa sạch đất cát, cắt bỏ rễ nhỏ ở hai đầu, đem đồ vừa chín (đồ khoảng 1,5 h đến khi cắt ngang củ thấy thịt củ trong, lõi gỗ màu trắng đục), đem phơi, sấy khô ở 50 - 90 °C. Nếu sử dụng ngay thì sau lúc đồ, củ đang mềm, thái lát dày, phơi hoặc sấy khô.

Rễ củ hình trụ cong queo, dài 10 cm đến 20cm, đường kính 1cm đến 2cm. Thường để nguyên cả rễ củ hoặc cắt đôi theo chiều ngang. Đầu trên đôi khi còn vết tích của cổ rễ, đầu dưới thuôn nhỏ. Bên ngoài màu vàng nâu nhạt, có nhiều nếp nhăn dọc. Mặt cắt ngang thấy lớp ngoài cùng của vỏ màu màu xám, tiếp theo là lớp thịt củ (mô mềm vỏ) khá dày, màu vàng nhạt đến vàng nâu; lõi gỗ ở giữa màu trắng ngà.

Yêu cầu về độ ẩm không quá 14,0%; tro toàn phần không quá 6,5%; tro không tan trong acid không quá 2,5%; tạp chất không quá 1,0%; chất chiết được trong dược liệu không ít hơn 50,0% tính theo dược liệu khô kiệt.

Về thử nghiệm tiêu chuẩn này cũng hướng dẫn nên tiến hành theo phương pháp chiết nóng, dùng nước làm dung môi. Chế biến bằng cách lấy bách bộ khô nguyên củ, rửa sạch, ủ mềm, thái lát dày, phơi hoặc sấy khô. 

Dược liệu phải được bảo quản để nơi khô, tránh ẩm, mốc. Dược liệu phải có vị ngọt, đắng, tính vi ôn có công năng, chủ trị nhuận phế, chỉ khái, sát trùng. Chủ trị ho, viêm phế quản, ho gà, giun đũa.

Lưu ý, ngày dùng từ 8g đến 12g, dạng thuốc sắc, cao, viên. Dùng ngoài dạng không chế nên sử dụng lượng thích hợp, nấu lấy nước để rửa hoặc nấu cao để bôi, xoa. Những người có tỳ vị hư yếu không dùng được dược liệu này.

 An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang