Tiêu chuẩn quốc gia sửa đổi 1:2024 TCVN I-4:2017 yêu cầu đối với rễ ngưu tất dược liệu
![author](https://vietq.vn/templates/themes/images/icontacgia.png)
(VietQ.vn) - Dùng và chế biến dược liệu ngưu tất để giúp lợi tiểu, bổ thận, mạnh gân cốt thì nên chọn các sản phẩm theo Tiêu chuẩn quốc gia sửa đổi 1:2024 TCVN I-4:2017
Tiêu chuẩn quốc gia sửa đổi 1:2024 TCVN I-4:2017 yêu cầu đối với rễ mộc hương dược liệu
Tiêu chuẩn quốc gia sửa đổi 1:2024 TCVN I-4:2017 yêu cầu đối với thân rễ cây cốt toái bổ dược liệu
Tiêu chuẩn quốc gia sửa đổi 1:2024 TCVN I-4:2017 yêu cầu đối với vỏ thân mộc hoa trắng dược liệu
Tiêu chuẩn quốc gia sửa đổi 1:2024 TCVN I-4:2017 yêu cầu đối với rễ cỏ xước sấy khô
Ngưu tất hay còn gọi là hoài ngưu tất, cỏ xước. Hình dạng bên ngoài ngưu tất là loại cây thảo cao khoảng 1m. Bộ phận dùng làm thuốc thường là rễ. Theo y học cổ truyền, ngưu tất có vị đắng, chua, tính bình, vào 2 kinh can và thận. Ngưu tất có tác dụng trong tiêu viêm, lợi tiểu, tác dụng bổ thận, mạnh gân cốt được sử dụng để chữa viêm khớp.
Cây ngưu tất có nguồn gốc tại vùng Đông Bắc của Trung Quốc hoặc Nhật Bản. Loài cây này được thuần hóa rất nhiều ở hai quốc gia này. Tại Việt Nam, ngưu tất được trồng nhiều ở các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là vùng Tây Bắc như Sa Pa, Lai Châu,… hay đồng bằng Bắc bộ như Vĩnh Phúc, Hà Nội,… Nói chung, cây ưa sống ở những vùng đất có điều kiện nhiệt độ thấp.
Theo y học hiện đại không chỉ có tác dụng chữa bệnh trong y học cổ truyền, cây ngưu tất còn mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Hợp chất caponin trong rễ cây ngưu tất có tác dụng tạo ra sự tăng sinh và biệt hóa trong tế bào mô đệm của tủy xương, từ đó phòng ngừa loãng xương do lão hóa hiệu quả. Hoạt chất polypeptide chiết xuất từ cây ngưu tất có tác dụng bảo vệ hệ thần kinh và thúc đẩy tái tạo hệ thần kinh ngoại vi. Cây ngưu tất chứa Polysaccharide có tác dụng chống hình thành khối u và ngăn ngừa ung thư di căn. Ngoài ra, ngưu tất còn được sử dụng để hỗ trợ điều trị hạ huyết áp, chống co thắt tá tràng, kích thích co thắt tử cung, lợi tiểu,…
Nhìn chung nếu sử dụng đúng cách thì cây ngưu tất rất tốt cho sức khỏe nhưng những người đang bị tiêu chảy, người khí hư, phụ nữ mang thai hay nam giới bị mộng tinh, di tinh không nên sử dụng ngưu tất. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả nhất thì trong mọi trường hợp, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng. Đặc biệt khi chế biến hay bảo quản dược liệu này nên đáp ứng những yêu cầu theo Tiêu chuẩn quốc gia sửa đổi 1:2024 TCVN I-4:2017 Bộ tiêu chuẩn quốc gia về thuốc - Phần 4: Dược liệu và thuốc từ dược liệu- yêu cầu đối với rễ ngưu tất đã phơi hay sấy khô để đảm bảo an toàn khi sử dụng.
![](https://vietq.vn/Images/lelan/2024/12/05/ngưu tất.jpg)
Rễ cây ngưu tất làm dược liệu giúp lợi tiểu, tác dụng bổ thận, mạnh gân cốt. Ảnh minh họa
Đây là dược liệu thuộc họ rau giền (Amaranthaceae) có thể thu hoạch vào mùa Đông, khi thân và lá bắt đầu tàn lụi. Đào lấy toàn bộ phần rễ, giũ sạch đất cát; cắt lấy rễ to, bỏ rễ nhỏ, bó thành bó nhỏ, phơi đến khi thấy héo, vỏ ngoài nhăn nheo, đem xông lưu huỳnh 2 lần cho mềm. Lấy ra cắt bằng phần đầu, tiếp tục phơi đến khô. Rễ khô dạng hình trụ, dài 20 cm đến 30 cm, đường kính 0,3 cm đến 1,0 cm. Đầu trên to, được cắt bằng, đầu dưới thuôn nhỏ. Vỏ ngoài màu vàng nhạt (màu vàng nâu nếu bảo quản có lưu huỳnh), có nhiều nếp nhăn dọc nhỏ và vết tích của rễ con.
Mặt cắt rễ gần tròn, từ ngoài vào trong có: Lớp bần gồm các tế bào nhỏ, dẹt, xếp thành hàng đồng tâm và dãy xuyên tâm, phía ngoài có nhiều chỗ bị bong ra. Mô mềm vỏ gồm các tế bào hình nhiều cạnh, thành mỏng, xếp lộn xộn. Libe-gỗ xếp thành từng bó, mỗi bó có libe phía ngoài, mạch gỗ ở phía trong. Các bó libe-gỗ xếp rải rác thành bốn vòng đồng tâm, ở tâm các bó libe-gỗ có hình tam giác cân xếp sát nhau tạo thành những hình quạt.
Bột màu nâu nhạt, mùi hơi hắc, vị ngọt sau đắng. Quan sát trên kính hiển vi thấy: Mảnh bần, mảnh mô mềm tế bào thành mỏng, nhiều mảnh mạch điểm, tinh thể calci oxalat hình cầu gai kích thước 30 μm đến 40 μm và những mảnh vỡ hình khối của các tỉnh thể này.
Lưu ý, khi thực hiện thử nghiệm về định tính của dược liệu này thì nên dùng phương pháp sắc ký lớp mỏng ở độ ẩm không quá 15,0%, tro toàn phần không quá 9,0%, tro không tan trong acid không quá 1,5%, tạp chất gốc thân còn sót lại không quá 1,0 %, tạp chất khác không quá 0,5 %. Kim loại nặng không quá 10 phần triệu. Lưu huỳnh dioxyd không quá 400 phần triệu. Chất chiết được trong dược liệu không dưới 6,5 % tính theo dược liệu khô kiệt. Yêu cầu về định lượng dược liệu phải chứa không ít hơn 0,03% β-ecdysteron (C27H44O7) tính theo dược liệu khô kiệt.
Yêu cầu khi chế biến đối với ngưu tất thái khúc nên lấy dược liệu khô chưa thái khúc rửa sạch, để ráo nước, thái khúc 1 - 2 mm phơi hoặc sấy khô, dùng sống, có tác dụng phá huyết hành ứ. Đối với ngưu tất sao muối lấy ngưu tất đã thái khúc, tẩm nước muối có nồng độ 20% vừa thấm, trộn đều, ủ 1h. Sao nhỏ lửa cho khô, cầm không dính tay là đạt. Chủ yếu đi vào thận để bổ thận mạnh gân cốt. Ngưu tất sao rượu lấy 50 kg ngưu tất dùng 500 ml rượu 40° trộn đều cho thấm, ủ 2h. Sao khô có mùi thơm là đạt, có tác dụng thông kinh hoạt lạc để mạnh gân cốt.
Để tránh mối mọt, ẩm mốc dược liệu luôn đảm bảo chất lượng và an toàn khi sử dụng thì nên bảo quản dược liệu chưa chế biến ở nơi khô mát. Dược liệu đã chế biến để trong đồ đựng kín, nếu bị mốc mọt có thể xông bằng hơi lưu huỳnh, nên dùng trong vòng 30 ngày kể từ khi chế biến. Dược liệu thu được có vị đắng, hơi chua, tính bình. Vào các kinh can, thận.
An Dương