Tiktoker Yona Cươn quảng cáo sữa Yarmy không rõ nguồn gốc, nghi giả mạo chứng nhận

author 14:32 16/11/2023

(VietQ.vn) - Tiktoker Yona Cươn quảng cáo sản phẩm sữa Yarmy (Yarmy Milk) không rõ nguồn gốc, nghi vấn dùng chứng nhận giả để quảng cáo.

Tiktoker Yona Cươn quảng cáo sữa không rõ xuất xứ, chất lượng có đảm bảo?

Sữa bột là thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, đặc biệt là dành cho trẻ nhỏ, người già, người bệnh có nhu cầu bổ sung thêm dinh dưỡng, các chất thiết yếu nhằm nâng cao sức khoẻ. Xuất phát từ nhu cầu đó, hiện nay trên thị trường có hàng trăm loại sữa bột khác nhau, dành cho mọi lứa tuổi.

Tuy nhiên, bên cạnh các thương hiệu lớn đã được đông đảo người tiêu dùng biết đến và sử dụng, hiện tồn tại nhiều loại "sữa cỏ" không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng được chào bán tràn lan gây hoang mang cho người tiêu dùng. Điều đáng lo ngại là các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ được rao bán trên mạng xã hội (Facebook, Youtube, Tiktok) bởi những người nổi tiếng, có nhiều lượt theo dõi.

Thời gian gần đây, dư luận không khỏi lo lắng, hoang mang trước thông tin Tiktoker Yona Cươn (tên thật là Định Thị Cươn, sinh năm 2004) quảng cáo một loại sữa không rõ nguồn gốc, xuất xứ có tên là sữa Yarmy. Theo thông tin ghi trên vỏ hộp, đơn vị phân phối độc quyền sữa Yarmy là Công ty Yarmy có địa chỉ tại 47/9 Nguyễn Thị Tần, Phường 2, Quận 8, TP.HCM.

Bình luận dưới video do Yona Cươn phát trên tiktoker, một số người dùng cho biết đã gặp tình trạng đau bụng, thậm chí phải đi viện khám sau khi dùng sữa Yarmy.

 Tiktoker Yona Cươn có nhiều video quảng cáo về sữa Yarmy. 

Mặc dù ghi thông tin của công ty phân phối, tuy nhiên, trên sản phẩm này lại không có bất cứ thông tin nào về nhà sản xuất. Người dùng không thể biết được sản phẩm do đơn vị nào sản xuất, nguyên liệu nhập từ đâu, đã công bố hay chưa? Chất lượng sản phẩm có đảm bảo hay không?

Tra cứu trên Google, thông tin về Công ty Yarmy cũng rất hạn chế, chỉ dẫn tới một website có địa chỉ yarmyvn.com. Tuy nhiên, trên website này thông tin khá sơ sài, không có số điện thoại liên hệ, không có thông tin đơn vị chịu trách nhiệm về website. Ngoài sản phẩm sữa Yarmy, website này còn quảng cáo một số loại mỹ phẩm khác. Thông tin về đơn vị sản xuất sữa Yarmy cũng không được đăng trên website này.

 Website yarmyvn.com quảng cáo sản phẩm sữa Yarmy với rất ít thông tin. Điều đáng lo là không có thông tin về đơn vị sản xuất sản phẩm sữa này.

Trong các clip của mình, Yona Cươn quảng cáo sản phẩm sữa này dành cho người muốn tăng cân và kích thích ăn uống. Thậm chí còn khẳng định loại sữa này an toàn cho cả phụ nữ mang thai và trẻ em trên 3 tuổi. Giá bán được Yona Cươn đưa ra là 500 nghìn VNĐ/2 hộp, mỗi hộp 900g.

Đáng chú ý phải kể đến đoạn clip Yona Cươn mặc trang phục màu trắng hệt như các chuyên gia trong lĩnh vực y tế, dinh dưỡng…; rồi quay clip nhún nhảy bắt trend tại nơi được cho là nhà máy sản xuất sản phẩm mà cô đang quảng cáo. Nhìn bối cảnh và trang phục của Yona Cươn, người dùng đã để lại nhiều bình luận không đồng tình vì cho rằng từ trang phục đến động tác nhảy của Yona Cươn đều không phù hợp. Có người còn nêu quan điểm về mục đích sử dụng trang phục kết hợp với quảng cáo sữa sẽ gây ra sự hiểu lầm cho người tiêu dùng.

Không chỉ mặc quần áo giống đội ngũ nhân viên y tế, trong video của mình, Yona Cươn còn giới thiệu một người là PGS. TS Lê Nguyên Đương (Đại học Bách khoa Hà Nội) để cùng quảng cáo cho sản phẩm sữa Yarmy. Trong khi đó, Cục ATTP nhấn mạnh, việc sử dụng hình ảnh, trang phục cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm chức năng là không phù hợp quy định pháp luật.

Cục ATTP nêu rõ, khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm quy định: Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm. Như vậy, việc sử dụng hình ảnh, danh nghĩa các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo cho sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe là không phù hợp quy định pháp luật.

 Tiktoker Yona Cươn mặc áo giống với nhân viên y tế, dễ gây nhầm lẫn cho người dùng. Đây có phải một "chiêu trò" của Yona Cươn nhằm lôi kéo người dùng mua sản phẩm.

Nghi vấn dùng chứng nhận giả để quảng cáo?

Để tăng thêm niềm tin cho người tiêu dùng, trong video đăng trên Tiktok, Yona Cươn đã đưa ra hàng loạt giấy tờ bao gồm: Giấy chứng nhận ISO 22000: 2018, Giấy chứng nhận GMP (hai chứng nhận này ghi thông tin do Công ty Cổ phần chứng nhận quốc gia Good Việt Nam cấp) và chứng nhận của FDA. Khi đưa ra những giấy tờ này, tiktoker Yona Cươn nói rằng đây là giấy tờ chứng minh uy tín, chất lượng của sản phẩm sữa Yarmy.

 Yona Cươn sử dụng giấy chứng nhận nghi giả mạo để quảng cáo cho sản phẩm sữa Yarmy.

Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ người dùng có thể thấy, trên các loại giấy chứng nhận do Yona Cươn đưa ra mang tên một công ty khác chứ không phải Công ty Yarmy hay dòng sữa Yarmy. Thêm vào đó, đại diện Công ty Cổ phần chứng nhận quốc gia Good Việt Nam cũng cho biết phía Good Việt Nam không cấp bất cứ giấy chứng nhận nào cho dòng sữa Yarmy hay Công ty Yarmy. Vậy phải chăng giấy tờ chứng nhận mà Yona Cươn đưa ra là giả mạo? Vì sao Yona Cươn lại đem giấy tờ của một công ty khác để quảng cáo cho sản phẩm sữa Yarmy?

Đối với những vấn đề dư luận quan tâm liên quan tới nguồn gốc, chất lượng sản phẩm sữa và việc quảng cáo chứng nhận nghi vấn giả mạo của tiktoker Yona Cươn, đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có) để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang