Tin vào 'bác sĩ Google', cẩn thận tiền mất tật mang

author 06:39 09/02/2023

(VietQ.vn) - Thói quen tự chữa bệnh hoặc tin vào “bác sĩ Google” dễ khiến người bệnh bỏ qua cơ hội được chữa trị đúng cách, gây ảnh hưởng tới sức khỏe thậm chí tính mạng.

Theo thông tin từ Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc (Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang) vừa qua, cơ sở tiếp nhận cấp cứu một bệnh nhân 11 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng lơ mơ, da tái, chân tay lạnh, vã mồ hôi, hạ thân nhiệt, nhịp tim nhanh, rối loạn nhịp thở do ngộ độc thuốc nhỏ mũi Naphazolin.

Qua lời người nhà bệnh nhân, bé bị ngạt mũi nên buổi chiều cùng ngày, gia đình đã mua thuốc nhỏ mũi Naphazolin về nhỏ cho bé. Khoảng 2 giờ sau khi nhỏ mũi thì thấy bé có hiện tượng da tái toàn thân, chân tay lạnh, vã mồ hôi nên gia đình đã đưa trẻ nhập viện Sản Nhi Bắc Giang. Qua thăm khám, các bác sĩ xác định trẻ bị ngộ độc Naphazolin có trong loại thuốc mà gia đình đã nhỏ mũi cho bé.

Còn tại Bệnh viện Nhi Trung ương, theo các bác sĩ, cơ sở tiếp nhận bệnh nhi P.A 15 tuổi (quê Thái Bình) trong tình trạng tím tái, ngừng tuần hoàn, suy đa cơ quan, tổn thương thần kinh nặng do tự sử dụng thuốc xịt và thuốc khí dung cắt cơn hen cấp, không sử dụng thuốc do bác sĩ kê.

Được chẩn đoán hen phế quản từ lúc 7 tuổi nhưng bệnh nhi không điều trị dự phòng. Khi đưa con đến khám tại Khoa Miễn dịch - Dị ứng - Khớp (Bệnh viện Nhi Trung ương) và chẩn đoán trẻ mắc hen phế quản chưa kiểm soát, các bác sĩ đã kê đơn điều trị dự phòng và có phác đồ theo dõi chuẩn xác nhưng bệnh nhi không tuân thủ điều trị, không khám lại, tự sử dụng các thuốc giãn phế quản khi lên cơn hen cấp theo đơn cũ uống thuốc.

 Ảnh minh hoạ

Ngày 15/1, trong cơn hen phế quản cấp không được điều trị bởi bác sĩ, cháu P.A đã bị tím tái, ngừng tuần hoàn do thiếu oxy, được gia đình đưa vào bệnh viện tuyến tỉnh cấp cứu, sau đó chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng suy đa cơ quan, tổn thương thần kinh nặng. Mặc dù đang được điều trị tích cực bằng các biện pháp thở máy, thuốc vận mạch, thuốc giãn phế quản, lọc máu…, song tiên lượng vẫn rất nặng.

Tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, theo các bác sĩ của Trung tâm Chống độc, cơ sở thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân nhập viện với triệu trứng nặng, có khi nguy hại tới tính mạng do tự ý làm bác sĩ. Trong đó, rất nhiều bệnh nhân bị tiểu đường nhưng không điều trị theo phác đồ, mà lại theo “bác sĩ” Google, khiến khi vào viện thì nhiều trường hợp đã bị suy thận, toan chuyển hoá.

Theo khuyến cáo của bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, phụ huynh tuyệt đối không được sử dụng thuốc theo đơn cũ hoặc tự thay đổi phác đồ điều trị mà không có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Đặc biệt, cần đưa trẻ đi khám định kỳ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Cũng theo các bác sĩ, việc tự đoán bệnh và tự ý mua thuốc khi không có đơn chỉ định của bác sĩ dẫn tới việc điều trị không hiệu quả. Đặc biệt, dùng sai thuốc có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn. Một vấn đề đáng quan ngại hiện nay là tình trạng kháng kháng sinh do lạm dụng dùng kháng sinh, khiến việc sử dụng thuốc không còn hiệu quả, gây khó khăn trong quá trình điều trị bệnh.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang