Tình hình Biển Đông hôm nay ngày 12/9: Trung Quốc trắng trợn phủ nhận việc tấn công tàu cá Việt Nam

author 06:30 12/09/2014

(VietQ.vn) - Trung Quốc một mực chối bỏ việc tấn công tàu cá Việt Nam và tiếp tục sử dụng những ngôn từ xấc xược, hiếu chiến, “vừa ăn cướp vừa la làng” khi phát biểu về tình hình Biển Đông.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những thông tin gần đây trên báo chí và tin tức từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, vào ngày 15/8, khi đang ở khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, tàu cá Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 96697 TS đã bị lực lượng Trung Quốc từ hai ca nô cao su cùng số hiệu 207 khống chế, lên tàu đập phá, tịch thu trái phép một số tài sản và đánh đập các ngư dân.

Ngoài ra, tàu Trung Quốc cũng từng khống chế, ngăn cản và lấy đi một số tài sản trên hai tàu cá khác của Việt Nam vào những ngày trước đó. Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã trắng trợn chối bỏ việc các lực lượng nước này phá hoại tàu cá và đánh đập ngư dân Việt Nam đang hoạt động trong vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa.

Tàu Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam trên Biển Đông

Tình hình Biển Đông hôm nay ngày 12/9: Tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc tấn công, cướp tài sản. Ảnh minh họa

Trả lời phỏng vấn trong cuộc họp báo thường kỳ hôm qua ngày 11/9, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh mặc dù thừa nhận lực lượng Trung Quốc đã khống chế và giam giữ tàu cá của Việt Nam nhưng vu khống tàu Việt Nam "dùng chất nổ để đánh bắt cá" và phía Bắc Kinh đã "tịch thu các chất nổ trên tàu".

Thêm vào đó, bà Hoa còn gọi quần đảo Hoàng Sa Việt Nam bằng cái tên Tây Sa và lặp lại luận điệu sai trái rằng vùng nước quanh khu vực này thuộc "vùng biển của Trung Quốc". Với lý lẽ này, đại diện Bắc Kinh ngang nhiên khẳng định “không có chuyện tàu Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam”.

Cũng vẫn ngôn từ hiếu chiến, xấc xược, xuyên tạc trắng trợn đó, báo Trung Quốc (cụ thể là Thời báo Hoàn Cầu) lớn tiếng tuyên bố việc Bắc Kinh xây dựng (bất hợp pháp) căn cứ quân sự ở bãi Gạc Ma trong quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) là do bị Việt Nam và Philippines "ép"?! Thậm chí, tờ báo này còn cho rằng, Trung Quốc chưa đánh đuổi Việt Nam và Philippines ra khỏi quần đảo Trường Sa đã là kiềm chế lắm rồi?!

Trung Quốc tuyên bố việc xây dựng ở Gạc Ma là do bị Việt Nam và Philippines

Tình hình Biển Đông ngày 12/9: Trung Quốc tuyên bố việc xây dựng ở Gạc Ma là do bị “ép”. Ảnh minh họa

Được biết, những tuyên bố đơn phương khiêu khích này của Trung Quốc là nhằm đáp lại bản tin của phóng viên đài BBC (Anh) sau khi tận mắt chứng kiến công trình xây dựng trái phép của Trung Quốc ở Gạc Ma và tin rằng một căn cứ quân sự mới của Trung Quốc sẽ được dựng lên (trái phép) ở đây. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng hành động này của chính quyền Bắc Kinh chỉ nhằm mục đích “cải tạo điều kiện sống và làm việc cho nhân viên trên đảo.”. 

Điều đáng nói ở đây là, chính báo chí Trung Quốc (cụ thể là Thời báo Hoàn Cầu) đã xổ toẹt ngay vào phát ngôn lập lờ vừa nêu của bà Hoa Xuân Oánh khi thừa nhận rằng đúng là Trung Quốc đang rất cần căn cứ quân sự ở quần đảo Trường Sa để đối phó với cục diện phức tạp. Tại sao lại lựa chọn Gạc Ma, Thời báo Hoàn Cầu cho rằng cần phải để xem cánh phóng viên, nhiếp ảnh phương Tây đổ xô ra đó để nghiên cứu.

 

 

Đồng thời, Thời báo Hoàn Cầu lại một mực khẳng định Trung Quốc luôn “gương mẫu chấp hành” Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) năm 2002 quy định các bên liên quan không được chiếm thêm đảo/đá/rặng san hô mới, không được phép có hành động xây dựng trên các đảo, đá, rặng san hô không người ở và các cấu trúc tự nhiên khác ở Biển Đông.

Bên cạnh đó, tờ báo này còn vu cáo Việt Nam và Philippines liên tục vi phạm DOC như "chiếm đảo, di dân, xây dựng các kết cấu vĩnh cửu như đường băng sân bay. Hai nước này liên tục bức bách Trung Quốc"?!

Tuy nhiên đó chỉ là chiêu trò ngụy biện, vừa ăn cướp vừa la làng của tờ báo Trung Quốc này. Chính báo chí, truyền thông cũng như các diễn đàn mạng xã hội Trung Quốc đăng tải hàng loạt ảnh, tư liệu và công khai thừa nhận các hoạt động xây dựng phi pháp, thay đổi hiện trạng của Trung Quốc trên 7 bãi đá, rặng san hô ở Trường Sa (Bắc Kinh thôn tính của Việt Nam và chiếm đóng trái phép từ 1988, 1995 đến nay).

Minh Thùy (tổng hợp từ Vnexpress, Giáo dục)

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang