Tình hình Biển Đông ngày 11/9: Trung Quốc âm mưu biến Gạc Ma thành “tàu sân bay không chìm”

author 06:29 11/09/2014

(VietQ.vn) - Những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông cho hay Trung Quốc đang ra sức cải tạo đất phi pháp ở quần đảo Trường Sa cũng như âm mưu biến bãi Gạc Ma thành “tàu sân bay không chìm Bắc Kinh”.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Trung Quốc cải tạo đất phi pháp trên bãi Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa

Theo những thông tin mới đây trên báo chí, một phóng viên của hãng tin BBC đã tới thăm quần đảo Trường Sa (Việt Nam) và phát hiện ra rằng những nơi trước kia chỉ là đá ngầm nay đã bị Trung Quốc biến thành đảo.

Trong bản báo cáo “China’s Island Factory” (Tạm dịch: Kế hoạch cải tạo đảo của Trung Quốc), phóng viên Rupert Wingfield-Hayes đã mô tả hành trình trên một tàu cá Philippines tới thăm "các đảo mới" mà chính quyền Bắc Kinh đơn phương xúc tiến công việc cải tạo, biến đổi đặc tính đất ở Biển Đông.

Tình hình Biển Đông ngày 11/9: Hoạt động cải tạo đất phi pháp của Trung Quốc trên bãi Gạc Ma

Tình hình Biển Đông ngày 11/9: Hoạt động cải tạo đất phi pháp của Trung Quốc trên bãi Gạc Ma. Ảnh Inquirer

Theo đó, Wingfield-Hayes đã tới thăm nơi trước đây là hai bãi đá ngầm còn hiện tại hóa thành những đảo mới tinh. Ông mô tả các hoạt động đang diễn ra ở đảo Gạc Ma (tên quốc tế: Johnson South Reef - là một bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng trái phép năm 1988). 

Trong bản báo cáo, Wingfield-Hayes viết, "Hàng triệu tấn đá và cát được nạo vết từ đáy biển và đổ vào bãi ngầm, biến bãi ngầm thành vùng đất mới. Có thể nhìn rõ các đội xây dựng như đang dựng một bức tường thành biển. Các xe tải chở xi măng, cần trục, những ống thép lớn, ánh sáng đèn hàn".

Theo tác giả, Trung Quốc "đang xây dựng các đảo mới trên năm bãi ngầm khác nhau". Thêm vào đó, phóng viên Wingfield-Hayes cũng tỏ ý nghi ngờ âm mưu thật sự của Trung Quốc khi tiến hành cải tạo đất và xây đảo trái phép ở Biển Đông

 

 

video Bàn về điều này, một số chuyên gia nhận định Trung Quốc có thể sẽ đưa dân cư ra những đảo mới nhằm "bọc lót" cho các yêu sách chủ quyền. Đây được xem là cách hợp pháp hóa yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh cũng như phương pháp ngăn chặn hành động quân sự từ các bên tuyên bố chủ quyền khác. Một số ý kiến khác lại đặt nghi vấn liệu Trung Quốc có đưa lực lượng quân sự lên những hòn đảo mới này hay không?

Báo Trung Quốc: Gạc Ma sẽ thành "tàu sân bay không chìm Bắc Kinh" ở Biển Đông

Những tin tức gần đây trên báo chí Trung Quốc cho hay từ đầu năm 2014, Trung Quốc đã bắt đầu phong nền đắp đất, biến đá thành đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Gạc Ma, Tư Nghĩa với lý lẽ trong bối cảnh tình hình Biển Đông phức tạp như hiện nay, động thái này sẽ giúp Trung Quốc “khống chế hiệu quả khu vực quần đảo Trường Sa.”

Không dừng lại ở đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tiếp tục thách thức dư luận khi nói về vụ việc đảo hóa Gạc Ma với giọng điệu hiếu chiến: Quân đội Trung Quốc phụ trách bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia và quyền lợi hàng hải, trước sau sẽ kiên trì thực hiện sứ mệnh này trong kế hoạch tổng thể chung của nhà nước.

Tình hình Biển Đông hôm nay ngày 11/9: Công trường xây dựng của Trung Quốc trên bãi Gạc Ma

Tình hình Biển Đông hôm nay ngày 11/9: Công trường xây dựng của Trung Quốc trên bãi Gạc Ma. Ảnh BBC

Trả lời phỏng vấn trên báo chí, Vương Hiểu Bằng - một chuyên gia về biên giới biển từ Viện Khoa học xã hội Trung Quốc xuyên tạc rằng Việt Nam "chiếm 29 điểm đảo của Trung Quốc" ở Trường Sa và lớn tiếng chụp mũ các hoạt động bình thường của quân dân Việt Nam ở huyện đảo Trường Sa bao lâu nay là "gia cố các đảo chiếm của Trung Quốc"?! 

Cùng quan điểm phi lý trên, Lã Diệu Đông -  một nhà nghiên cứu khác cũng từ Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cũng vu cáo Việt Nam và Philippines "tranh thủ mọi diễn đàn quốc tế phát tán dư luận, làm to chuyện tranh chấp" mà lại cố tình lờ đi thực tế chính Trung Quốc hung hăng kéo tàu và giàn khoan 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, đâm chìm tàu cá Việt Nam trong khi vẫn tiếp tục la làng rằng mình là người bị hại?!

Theo nguồn truyền thông Philippines cho biết, công việc biến đá thành đảo trái phép ở Gạc Ma đã chuyển sang giai đoạn phủ xanh. Còn theo báo chí Nhật Bản, Trung Quốc đã xây xong cả cảng khẩu trên đảo nhân tạo bất hợp pháp ở đá Châu Viên có thể neo đâu các tàu cỡ lớn. Chỉ trong vòng chưa đầy nửa năm, hoạt động này của Trung Quốc đã tăng tốc rất nhanh.

Tình hình Biển Đông căng thẳng vì Trung Quốc âm mưu biến Gạc Ma thành tàu sân bay

Tình hình Biển Đông căng thẳng vì Trung Quốc âm mưu biến Gạc Ma thành tàu sân bay. Ảnh minh họa

Báo Trung Quốc đánh giá, một khi Trung Quốc đảo hóa thành công một số bãi đá ở Trường Sa sẽ thay đổi căn bản và toàn diện tình thế Biển Đông, Bắc Kinh sẽ như hổ mọc thêm cánh. Hiện tại bán kính tác chiến của J-11, J-10 Trung Quốc chưa đầy 2000 km nên không thể bay từ Hải Nam ra Trường Sa tác chiến. Nhưng một khi có căn cứ không quân tại Trường Sa, tình hình sẽ khác.

Theo "Tuyền Châu buổi chiều", trong số 6 bãi đá thì Su Bi và Gạc Ma có vị trí trọng yếu với Trung Quốc vì nó án ngữ tuyến đường của tàu ngầm hạt nhân chiến lược neo đậu tại Tam Á, trong khi nếu chiến đấu cơ Trung Quốc cất cánh từ đây sẽ có bán kính tác chiến gần như toàn bộ Biển Đông.

Được biết, trong vài năm qua, hải quân Trung Quốc không ngừng được đầu tư tăng cường sức mạnh quân sự dù năng lực hậu cần của Trung Quốc vẫn còn hạn chế. Báo chí Trung Quốc cũng khẳng định, việc xây dựng các cầu cảng, sân bay (bất hợp pháp) ở Trường Sa sẽ biến Gạc Ma và một số bãi đá thành "tàu sân bay không bao giờ chìm" của Trung Quốc ở Biển Đông.

Minh Thùy (tổng hợp từ Vietnamnet, Vnexpress, Giáo dục)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang