Giàn khoan Hải Dương 981 lại vào Biển Đông, Tư lệnh Cảnh sát biển VN nói gì?

author 15:48 29/12/2015

(VietQ.vn) - Cảnh sát biển Việt Nam đang theo dõi từng ‘nhất cử nhất động’ của giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc mới đưa lại vào Biển Đông.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hiện nay, Cục Hải sự Trung Quốc thông báo giàn khoan Hải Dương 981 sẽ khoan thăm dò ở khu vực có tọa độ 17-29.53N, 110-57.18E trên Biển Đông từ ngày 28/12 - 10/2/2016. Trên trang web chính thức, Cục Hải sự Trung Quốc cho biết giàn khoan Hải Dương 981 sẽ khoan thăm dò ở khu vực có tọa độ nêu trên đồng thời yêu cầu các phương tiện đường thủy cấm tiến vào khu vực 2.000 m xung quanh giàn khoan.

Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc từng khiến tình hình Biển Đông ‘dậy sóng’ suốt một thời gian dài

Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc từng khiến tình hình Biển Đông ‘dậy sóng’ suốt một thời gian dài

Trao đổi với Zing News về động thái mới nhất này của Bắc Kinh, Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát biển cho biết hiện gian khoan Hải Dương 981 đang ở vị trí ngang vùng biển Quảng Bình của Việt Nam, cách đường trung tuyến (ranh giới phân định trên vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc) 70 hải lý về phía Đông. Cảnh sát biển sẽ tiếp tục theo dõi chặt các hoạt động của giàn khoan Trung Quốc ở Biển Đông.

Trước đó, giàn khoan Hải Dương 981 từng được hạ đặt trái phép trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ngày 1/5/2014, Việt Nam phát hiện giàn khoan này và 3 tàu dịch vụ dầu khí của phía Trung Quốc di chuyển từ Tây Bắc đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) xuống phía Nam.

Một ngày sau, giàn khoan Hải Dương 981 đã hạ đặt trái phép sâu trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý. Hàng chục tàu bảo vệ đi cùng. Giới quan sát coi đây là hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam nghiêm trọng nhất trong hơn 20 năm quan hệ Việt – Trung, là sự kiện châm ngòi khiến tình hình Biển Đông ‘dậy sóng’ suốt thời gian qua.

Sau 75 ngày hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ngày 16/7/2014, Trung Quốc tuyên bố rút giàn khoan Hải Dương 981 khỏi khu vực biển gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Cảnh sát biển Việt Nam đang theo sát từng động tĩnh của giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc mới đưa lại vào Biển Đông

Cảnh sát biển Việt Nam đang theo sát từng động tĩnh của giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc mới đưa lại vào Biển Đông

Giàn khoan Hải Dương 981 là giàn khoan nửa nổi nửa chìm, có chiều dài 114m, chiều rộng 90m, chiều cao 137m và khối lượng 31.000 tấn. Theo Wall Street Journal, lượng thép mà người ta dùng để xây dựng Hải Dương 981 lớn gấp 4 lần lượng thép để dựng tháp Eiffel của Pháp. Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) hạ thủy giàn khoan Hải Dương 981 vào giữa năm 2012. Hiện tại, Hải Dương 981 thuộc quyền quản lý của công ty dịch vụ Bãi dầu Trung Quốc (COSL), đơn vị trực thuộc CNOOC.

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay trên báo Lao Động, Trung Quốc hôm qua ngày 28/12 đã thể hiện sự phẫn nộ sau khi một nhóm người biểu tình Philippines đổ bộ lên một hòn đảo tranh chấp trên Biển Đông. Cụ thể, khoảng 50 người, phần lớn là sinh viên, đã cắm trại ở đảo Thị Tứ, mà Philippines gọi là Pasaga, hôm 26/12, để phản đối cái họ cho là sự xâm phạm của Trung Quốc với vùng đặc quyền kinh tế của Manila.

Đảo Thị Tứ hiện do Philippines kiểm soát, thuộc  quần đảo Trường Sa chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông nhưng cả Trung Quốc, Đài Loan và Philippines cũng tuyên bố chủ quyền với đảo này. Trước việc sinh viên Philippines lên đảo Thị Tứ, Trung Quốc nhấn mạnh “vô cùng không hài lòng” với hành động này.

Đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Biển Đông Việt Nam, nhưng cả Philippines và Trung Quốc cũng ‘tuyên bố chủ quyền’

Đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Biển Đông Việt Nam, nhưng cả Philippines và Trung Quốc cũng ‘tuyên bố chủ quyền’

Phát biểu trước giới truyền thông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngang nhiên tuyên bố rằng Bắc Kinh có  ‘chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Trường Sa’ (?!). “Chúng tôi một lần nữa kêu gọi Philippines rút tất cả nhân lực và cơ sở vật chất khỏi các đảo mà họ đang chiếm đóng bất hợp pháp, tránh có những hành động làm tổn hại đến hòa bình, ổn định khu vực và không có lợi cho quan hệ Philippines - Trung Quốc”, ông Lục tuyên bố.

Về phía Philippines, Chính phủ nước này cũng tỏ ý phản đối việc đổ bộ lên đảo - hành động do một cựu sĩ quan hải quân khởi xướng. Tuy nhiên người phát ngôn của Tổng thống Benigno Aquino, ông Herminio Coloma hôm 27/12 nói rằng, Manila hiểu được ý định của nhóm này. "Chúng tôi công nhận rằng chủ nghĩa yêu nước của nhóm thanh niên này đã khiến họ mạo hiểm như vậy" – người phát ngôn của Tổng thống Philippines nói.

Dù vậy, người này cũng cho rằng nhóm sinh viên trên nên tìm cách khác để thể hiện lòng yêu nước, bởi lo ngại sự an toàn của họ khi vượt qua 500km đường biển trên Biển Đông, từ đảo Palawan ở cực Tây Philippines tới đảo nhỏ Pasaga.

Vân Anh (T/h)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang