Học giả Nga lý giải vì sao Moscow ít can thiệp vào tình hình Biển Đông

author 15:09 28/11/2015

(VietQ.vn) - Học giả Nga khẳng định việc Moscow can thiệp vào tình hình Biển Đông là rất khó khăn vì nước này đang dồn lực cho một loạt vấn đề trọng yếu khác như tình hình Ukraine và tình hình chiến sự Syria.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Mới đây, phóng viên TTXVN vừa phỏng vấn hai học giả người Nga về tình hình Biển Đông hiện nay, là ông Anton Tsvetov thuộc Hội đồng Đối ngoại Liên bang Nga (Cơ quan nghiên cứu chính trị và an ninh trực thuộc Tổng thống Nga) và nhà báo - nhà sử học chuyên nghiên cứu về Việt Nam và khu vực Đông Nam Á Ilya Ushov.

Học giả Nga Ilya Ushov phát biểu về tình hình Biển Đông hiện nay trong buổi phỏng vấn mới đây

Học giả Nga Ilya Ushov phát biểu về tình hình Biển Đông hiện nay trong buổi phỏng vấn mới đây. Ảnh TTXVN

Theo lời hai vị học giả người Nga, Trung Quốc luôn bộc lộ tư tưởng muốn độc chiếm Biển Đông, thậm chí vươn ra Thái Bình Dương. Cũng trong buổi phỏng vấn này, bên cạnh những phân tích về thái độ của Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) với tình hình Biển Đông nay, hai học giả Anton Tsvetov và Ilya Ushov cũng đề cập đến quan điểm của Moscow trong các vấn đề liên quan đến tranh chấp Biển Đông.

Cụ thể, theo nguồn tin từ TTXVN, cả hai vị học giả đều khẳng định việc can thiệp của Nga vào vấn đề Biển Đông là rất khó khăn vì nước này đang tham gia vào một loạt vấn đề khác khiến họ hao tổn những nguồn lực lớn, trước tiên là Ukraine và Syria. Mặc dù vậy, ông Anton Tsvetov nhận định vì Nga cũng đang xoay trục sang châu Á nên hoàn toàn có thể hy vọng vào một sự can dự tích cực hơn của Moscow trong tương lai gần.

Trong khi đó, nhà báo Ilya Ushov nhắc lại việc cách đây không lâu, Thủ tướng Đức Angela Merkel tại một Hội nghị quốc tế được tổ chức tại Trung Quốc đã nói với Nhà ngoại giao đồng cấp Nga rằng Đức cũng như EU muốn vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông được giải quyết tại Tòa án quốc tế theo Luật pháp quốc tế. Nga cũng đồng ý với EU sẽ ủng hộ các phán quyết của Toà án trọng tài quốc tế. Tuy nhiên, Trung Quốc luôn né tránh vấn đề này và không muốn tham gia vào bất cứ quá trình tố tụng nào.

Liên quan đến thái độ của Nga đối với tình hình Biển Đông, trước đó giới chức nước này đã nhiều lần khẳng định tính trung lập của Moscow. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov từng tuyên bố, Moscow cho rằng sự can thiệp của nước thứ ba vào việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ trong khu vực quan trọng này là phản xây dựng.

Theo học giả Nga, dù vẫn giữ quan điểm trung lập nhưng thời gian tới, Moscow có thể sẽ tham gia tích cực hơn vào tình hình Biển Đông

Theo học giả Nga, dù vẫn giữ quan điểm trung lập nhưng thời gian tới, Moscow có thể sẽ tham gia tích cực hơn vào tình hình Biển Đông. Ảnh minh họa

Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vào cuối tháng 8/2015 khẳng định, Nga ủng hộ việc "bất cứ kỳ tranh chấp nào ở Biển Đông, hay bất kỳ nơi nào khác cần được giải quyết trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, trong đó trước tiên dựa trên cơ sở Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký giữa Trung Quốc và ASEAN. Theo các văn kiện này, các quốc gia trực tiếp tham gia vào bất kỳ tranh chấp nào cần tìm ra giải pháp mà tất cả các bên cùng chấp nhận, không cần bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài".

Đồng thời, Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh: "Chúng tôi không coi nỗ lực quốc tế hóa các tranh chấp này là hữu ích. Những nỗ lực như vậy thường không giúp các nước (liên quan tới tranh chấp) xích lại gần nhau, mà là nhằm ghi điểm chính trị trên trường quốc tế. Tôi cho rằng cách tiếp cận như vậy không nghiêm túc và trung thực".

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay, hôm 27/11 vừa qua, Không quân Philippines (PAF) đã tiếp nhận 2 chiến đấu cơ FA-50 Golden Eagle từ tập đoàn chế tạo Korea Aerospace Industries (KAI) của Hàn Quốc. Đây là 2 trong số 12 chiến đấu cơ FA-50 mà Philippines đặt mua với tổng giá trị 400 triệu USD, báo Dân Trí đưa tin theo Airforce-Technology.

Theo hợp đồng ký kết từ năm 2013, KAI sẽ bàn giao 12 chiến đấu cơ FA-50 từ nay cho đến năm 2017. Chiến đấu cơ sẽ giúp củng cố năng lực của Không quân Philippines, đặc biệt tại các vùng tranh chấp ở Biển Đông.

Cũng trong thời gian này, Philippines đã tiếp nhận 2 chiến đấu cơ mới để tăng cường tuần tra Biển Đông

Cũng trong thời gian này, Philippines đã tiếp nhận 2 chiến đấu cơ mới để tăng cường tuần tra Biển Đông. Ảnh KAI

Được biết, FA-50 có khả năng mang nhiều loại vũ khí trong đó bao gồm cả các tên lửa không đối không, đất đối không, súng máy, bom dẫn hướng như JDAM hay CBU. Chiến đấu cơ này cũng được trang bị hệ thống tạo ảnh nhìn ban đêm và giúp bảo vệ hệ thống tiếp nhận cảnh báo từ radar. Theo dự kiến, hai chiến đấu cơ mới sẽ được chuyển đến căn cứ không quân Clark từng được quân đội Mỹ sử dụng trước kia.

Ngoài ra, truyền thông địa phương dẫn lời người phát ngôn Không quân Philippines, Đại tá Enrico Canaya cho biết, 2 phi công Hàn Quốc sẽ điều khiển các chiến đấu cơ trong thời gian 3 phi công của Không quân Philippines được huấn luyện tại Hàn Quốc. Ngoài ra, trước khi tham gia không lực Philippines, 2 máy bay sẽ được kiểm tra kỹ thuật.

Nguyễn Yên (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang