Mỹ đưa tàu tên lửa áp sát Đá Chữ Thập trên Biển Đông, Trung Quốc nói gì?

author 16:39 10/05/2016

(VietQ.vn) - Tình hình Biển Đông mới nhất cho hay, chiến hạm USS William P. Lawrence của Mỹ vừa đi vào khu vực 12 hải lý của Đá Chữ Thập trên Biển Đông.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hiện nay báo Tuổi Trẻ trích từ nguồn Wasshington Post, ngày 10/5 Lầu Năm Góc (Mỹ) đã điều tàu khu trục có trang bị tên lửa dẫn đường USS William P. Lawrence đi vào khu vực 12 hải lý quanh Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong một hoạt động tự do hàng hải theo thông lệ quốc tế.

Chiến hạm Mỹ áp sát Đá Chữ Thập như một lời thách thức gửi đến Trung Quốc trong bối cảnh tình hình Biển Đông hiện nay

Chiến hạm Mỹ áp sát Đá Chữ Thập như một lời thách thức gửi đến Trung Quốc trong bối cảnh tình hình Biển Đông hiện nay. Ảnh Naval Today

Thông tin trên do một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cung cấp. Việc đưa chiến hạm đi vào khu vực 12 hải lý của Đá Chữ Thập ngày 10/5 là lần thứ 3 trong gần một năm Mỹ tiến hành hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông. Phía Mỹ xem các động thái này là một phần trong các hoạt động tỏ thái độ phản đối Trung Quốc về những tuyên bố chủ quyền ngang ngược của nước này ở Biển Đông.

Chiếc tàu khu trục đi qua Đá Chữ Thập một lượt. Như thường lệ, các quan chức quân sự và dân sự của Trung Quốc tại đây đều tìm cách liên lạc với chiến hạm Mỹ qua sóng bộ đàm và yêu cầu họ ra khỏi khu vực mà Bắc Kinh tự nhận là ‘thuộc chủ quyền của mình’.

Quan chức Mỹ không cung cấp thêm thông tin chi tiết về hành trình của chiến hạm USS William P. Lawrence tại khu vực gần Đá Chữ Thập. Việc lựa chọn Đá Chữ Thập trong chuyến tiếp cận ở khu vực 12 hải lý lần này của chiến hạm USS William P. Lawrence là một phần trong thông điệp phản ứng trực tiếp Mỹ muốn gửi tới Trung Quốc trong bối cảnh tình hình Biển Đông hiện nay.

Theo Reuters, Bộ ngoại giao Trung Quốc vừa lên tiếng tỏ thái độ tức giận trước động thái đưa tàu chiến vào hoạt động ở khu vực 12 hải lý của Đá Chữ Thập ngày 10/5. Theo đó, tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho rằng tàu chiến của Mỹ đã xâm phạm trái phép vùng biển mà không được sự đồng ý của Trung Quốc.

Người này cũng nói động thái đó đã đe dọa hòa bình và ổn định khu vực. Trên thực tế, mặc dù Trung Quốc luôn nói là không có ý định “quân sự hóa” các đảo, nhưng họ đã xây dựng các đường băng dài, các cơ sở đồn trú quân sự và các khu vực cảng biển tại đây.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lục Khảng tỏ thái độ tức tối về việc tàu chiến Mỹ áp sát Đá Chữ Thập ở Biển Đông

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lục Khảng tỏ thái độ tức tối về việc tàu chiến Mỹ áp sát Đá Chữ Thập ở Biển Đông. Ảnh Reuters

Được biết trong những năm gần đây, Trung Quốc đã ngang nhiên xây dựng trên Đá Chữ Thập một đường băng dài hơn 3.000m, mở một cảng và xây dựng các hạ tầng quân sự khác tại đây. Tháng trước, một tướng cấp cao Trung Quốc đã tới thăm Đá Chữ Thập, đánh dấu sự kiện lần đầu tiên một quan chức quân đội cao cấp nhất của Trung Quốc tới thăm một đảo ở Biển Đông trong những năm gần đây.

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay trên báo VnExpress, ông Daniel Russel, Trợ lý Ngoại Trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương sáng nay 10/5 cho biết một trong các nội dung chính mà Tổng thống Barack Obama sẽ thảo luận với các lãnh đạo Việt Nam trong chuyến thăm sắp tới là tăng cường hợp tác an ninh trên biển.

"Chúng ta hợp tác để thúc đẩy trật tự dựa trên nguyên tắc và giải quyết căng thẳng nghiêm trọng ở Biển Đông, nhằm bảo đảm quyền của tất cả các bên và luật pháp quốc tế được tôn trọng, bảo đảm mỗi nước liên quan đến tranh chấp cần có bước đi giảm căng thẳng và xuống thang", ông Russel nói.

Theo Trợ lý Ngoại Trưởng Mỹ, nhiều nước đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về một số hành động của Trung Quốc, trong đó có việc cải tạo trái phép các thực thể địa lý, trong xây dựng trên quy mô lớn và quân sự hóa các tiền đồn của họ ở Biển Đông.

Ông Russel cũng nhắc lại khi ông tham dự cuộc họp của các quan chức cấp cao ASEAN (SOM) và đại diện các nước tham gia Cấp cao Đông Á (EAS) tại Lào cách đây hai ngày, gần như tất cả các nước đều bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc tình hình Biển Đông gia tăng căng thẳng. Hầu hết các nước thể hiện quan điểm mạnh mẽ rằng tất cả các bên liên quan cần tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền của các nước theo luật quốc tế.

Tình hình Biển Đông sẽ được Tổng thống Mỹ Obama nhắc đến trong chuyến thăm Việt Nam sắp tới

Tình hình Biển Đông sẽ được Tổng thống Mỹ Obama nhắc đến trong chuyến thăm Việt Nam sắp tới. Ảnh Reuters

Bình luận về việc tàu Mỹ tiếp tục tuần tra Biển Đông, ông Russel cho biết tàu của Washington thực hiện các quyền theo luật pháp quốc tế. "Nếu tàu hải quân của một nước hùng mạnh nhất thế giới không thể đi vào khu vực mà luật pháp quốc tế cho phép, thì tàu của các nước nhỏ hơn sẽ ra sao? Nếu tàu chiến không thể thực hiện quyền chính đáng của mình trên biển theo luật quốc tế, thì các ngư dân, các tàu hàng sẽ thế nào? Làm sao họ có thể tự bảo vệ mình khi bị tàu của nước lớn hơn ngăn chặn?", ông Russel đặt vấn đề.

Ông Russel cho rằng Mỹ có lợi ích lớn khi khu vực này ổn định, đó là lý do vì sao Mỹ đang hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, với các nước khác cùng có tranh chấp, các thành viên ASEAN và với Trung Quốc để giảm căng thẳng, khuyến khích các nước thực hiện tiến trình ngoại giao, kiềm chế để đóng góp vào sự thịnh vượng của khu vực. "Tôi rất trông đợi tình hình Biển Đông cũng sẽ được thảo luận sâu giữa Tổng thống Obama với các lãnh đạo Việt Nam", ông nói.

>> Cha rơi lệ nhìn con gục chết trên vô lăng xe khách

Vân Anh (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang