Trung Quốc viện lý do sốc cho âm mưu đơn phương ‘vẽ lại’ bản đồ Biển Đông

author 18:11 07/05/2016

(VietQ.vn) - Tình hình Biển Đông mới nhất cho hay, Trung Quốc tuyên bố việc bồi lấp, cải tạo trái phép đảo nhân tạo ở Biển Đông là để ‘bảo vệ môi trường’.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hiện nay báo VnExpress đăng lại từ nguồn Tân Hoa xã, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm 6/5 tuyên bố hoạt động cải tạo đảo nhân tạo trái phép của nước này ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam sẽ "nâng cao đáng kể khả năng bảo vệ môi trường", các biện pháp như hút cát, nghiền san hô, xây dựng đảo "đã được tính toán kỹ lưỡng".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi phát ngôn về tình hình Biển Đông hiện nay vào ngày 6/5

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi phát ngôn về tình hình Biển Đông hiện nay vào ngày 6/5. Ảnh Tân Hoa xã

Tuyên bố này của Bắc Kinh được cho là nhằm lấp liếm việc trước đó giới chuyên gia hải dương Mỹ cáo buộc những hành động của Trung Quốc thời gian qua khiến san hô ở Biển Đông bị tàn phá nghiêm trọng. Philippines cũng cho rằng Trung Quốc hủy hoại môi trường sinh thái ở Trường Sa.

Trước đó hôm 5/5, một nhóm thanh niên Philippines cáo buộc chính phủ Trung Quốc đầu độc khu vực rộng lớn ở Biển Đông để ngăn ngư dân Philippines và các ngư dân nước ngoài khai thác nguồn lợi. "Khi chúng tôi ở đó hồi năm ngoái, cư dân địa phương xác nhận với chúng tôi rằng các tàu Trung Quốc thường xuyên thải hoá chất để phá hoại san hô và sinh vật biển", trang Breibart hôm 5/5 dẫn Phong trào Kalayaan Atin Ito (KAI), một tổ chức của thanh niên Philippines.

Hồi tháng 7/2015, Antonio Carpio, phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines, phát thông cáo cáo buộc Trung Quốc phá huỷ 17 đá gần quần đảo Trường Sa của Biển Đông Việt Nam, khi xây đảo nhân tạo phi pháp ở đó. "Dù họ chiếm 7 đá, họ dùng các nguyên liệu lấp đầy từ 10 đá khác, vì vậy thực chất Trung Quốc phá hoại tổng cộng 17 đá", ông Carpio cáo buộc.

Trung Quốc bồi đắp và cải tạo trái phép đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Biển Đông Việt Nam

Trung Quốc bồi đắp và cải tạo trái phép đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Biển Đông Việt Nam. Ảnh CSIS

Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông với các nước trong ASEAN là Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei. Những năm gần đây, Trung Quốc bị cáo buộc ngày càng quyết đoán trong cách hành xử ở Biển Đông. Nước này đã bồi lấp trái phép đảo nhân tạo, xây đường băng, trạm radar, hải đăng phi pháp ở Trường Sa, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay trên báo Lao Động, ngày 5/5, người đứng đầu ngành ngư nghiệp Trung Quốc tuyên bố, năm nay lệnh cấm đánh cá (do Bắc Kinh đơn phương áp đặt) trên Biển Đông sẽ được thực thi một cách nghiêm ngặt hơn, kể cả với các tàu thuyền nước ngoài.

Được biết Trung Quốc chuẩn bị bước vào mùa cấm đánh cá thường niên tại Biển Đông, do Bắc Kinh đơn phương áp đặt, nhưng thường xuyên bị Việt Nam bác bỏ. Theo Tân Hoa Xã, trả lời báo chí, Thứ trưởng phụ trách nghề cá của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc Dư Hân Vinh thông báo việc thực thi lệnh cấm đánh bắt sẽ do lực lượng tuần duyên và cơ quan ngư nghiệp phụ trách.

Bất chấp tình hình Biển Đông căng thẳng, Trung Quốc dọa siết lệnh cấm đánh bắt cá đối với cả tàu thuyền nước ngoài

Bất chấp tình hình Biển Đông căng thẳng, Trung Quốc dọa siết lệnh cấm đánh bắt cá đối với cả tàu thuyền nước ngoài. Ảnh Tân Hoa xã

Ông Dư cũng cho biết chính quyền có chủ trương tái định hướng nghề cá, theo hướng giảm sản lượng, giảm số tàu đánh bắt, khuyến khích ngư dân chuyển nghề để bảo vệ nguồn hải sản. Theo ông này, Bắc Kinh đã tiến hành 4 chiến dịch truy bắt các tàu cá hành nghề bất hợp pháp và các phương tiện khai thác bất hợp pháp, với kết quả là 16.000 tàu không có giấy phép bị cấm hành nghề và 600.000 lưới đánh cá không hợp lệ (với mắt lưới quá nhỏ) bị thu giữ.

Lệnh cấm đánh bắt hải sản do Trung Quốc đơn phương ban hành có hiệu lực từ ngày 16/5 đến ngày 1/8 hàng năm, tại gần như toàn bộ vùng Biển Đông, trải dài tới vĩ tuyến 12, sát với Indonesia, nhưng không bao gồm phần lớn quần đảo Natuna của Indonesia. Theo chính quyền Trung Quốc, việc cấm khai thác vào mùa này là để tạo điều kiện cho nguồn cá phục hồi.

Trong bối cảnh tình hình Biển Đông căng thẳng, can thiệp đơn phương của Trung Quốc nhắm vào các tàu nước ngoài rất có thể sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường. Các quốc gia ven Biển Đông, trước hết là Việt Nam và Philippines, cũng liên tục phải đối mặt với nạn tàu cá Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế. Tàu cá Trung Quốc còn gây lo ngại cho cả Indonesia và Malaysia.

>> Tàu ngầm hạt nhân lớp Yasen: Lời thách thức hữu hình giữa các siêu cường

Nguyễn Yên (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang