Trung Quốc đã đủ sức mạnh chi phối chuỗi đảo thứ nhất ở Biển Đông

author 15:45 08/05/2016

(VietQ.vn) - Đó là lời cảnh báo được giới học giả quốc tế đưa ra trong buổi hội thảo về tình hình Biển Đông hiện nay được tổ chức trong 2 ngày tại Đại học Yale (Mỹ).

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hiện nay trên TTXVN, trong hai ngày 6 - 7/5 tại Đại học Yale (bang Connecticut, Mỹ) đã diễn ra hội thảo với chủ đề "Xung đột tại Biển Đông". Hội thảo do Hội đồng Nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS) ở Đại học Yale tổ chức. Hội đồng Nghiên cứu Đông Á và Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam đồng tham gia tài trợ.

Tình hình Biển Đông hiện nay đang là một trong những điểm nóng thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế

Tình hình Biển Đông hiện nay đang là một trong những điểm nóng thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Ảnh CSIS

Hội thảo đã thu hút sự tham gia đông đảo của các học giả hàng đầu về vấn đề Biển Đông đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học có uy tín tại Mỹ và các nước như Pháp, Đức, Australia, Anh, Canada... Hội thảo chia làm 3 phiên thảo luận xoay quanh các chủ đề “Lịch sử tranh chấp ở Biển Đông”, “Tình hình địa chính trị Biển Đông” và “Vấn đề pháp lý cho tranh chấp ở Biển Đông”.

Các học giả đã viện dẫn nhiều tài liệu và bản đồ cổ, bao gồm cả của Trung Quốc, các quốc gia trong khu vực và của những người phương Tây khi đi qua vùng biển này, chứng minh điều ngược lại đối với các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông.

Tại hội thảo về tình hình Biển Đông hiện nay, các học giả cảnh báo Trung Quốc đã xây dựng lực lượng quân sự có đủ sức mạnh chi phối, kiểm soát được chuỗi đảo thứ nhất tại Biển Đông. Các đảo nhân tạo của Trung Quốc có thể được sử dụng làm cơ sở hậu cần cho các hoạt động của ngư dân, ngành công nghiệp các-bon và các cơ quan thực thi pháp luật.

Các học giả cảnh báo Trung Quốc đang tăng cường sử dụng đội tàu cá kết hợp tàu thương mại và các tàu của lực lượng thực thi pháp luật nhằm mục đích thay đổi nguyên trạng tại Biển Đông. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn sử dụng lực lượng dân quân biển để một khi xung đột vũ trang xảy ra, lực lượng này có thể đóng vai trò như lực lượng hải quân không chính thức.

Những động thái gân hấn gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông khiến giới học giả hết sức quan ngại

Những động thái gân hấn gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông khiến giới học giả hết sức quan ngại. Ảnh Getty Images

Điểm chung giữa 14 bài tham luận là đều tập trung phân tích những khía cạnh pháp lý của các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông để từ đó đưa ra những giải pháp nhằm giải quyết xung đột thông qua con đường ngoại giao và dựa trên luật pháp quốc tế.

Trong khuôn khổ hội thảo, các nhà tổ chức cũng trưng bày bộ sách về chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, đồng thời mở triển lãm bộ các bản đổ cổ chứng minh Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam từ cách đây nhiều thế kỷ.

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay trên báo Thanh Niên, tờ Taipei Times ngày 7/5 dẫn lời giới chức Cơ quan Phòng vệ Đài Loan (MND) xác nhận 2 chiến đấu cơ F/A-18 của Mỹ đã bay gần chiếc máy bay vận tải quân sự C-130 chở nhiều cựu quan chức cấp cao thuộc Quốc dân đảng thăm phi pháp đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hôm 5/5.

Chuyến thăm được cho là do lãnh đạo Mã Anh Cửu ra lệnh tổ chức, với sự tham gia của 30 người, bao gồm 20 cựu quan chức cấp cao của chính quyền Đài Bắc. Theo nguồn tin từ MND, khi chiếc C-130 đang trở về từ Ba Bình thì 2 chiếc F/A-18 bất ngờ áp sát đến mức có thể thấy rõ bằng mắt thường. Tuy nhiên, phía Đài Loan tuyên bố máy bay Mỹ không gây nguy hiểm gì và rời đi sau vài phút.

Đài Loan đưa nhiều cựu quan chức cấp cao thăm phi pháp đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Biển Đông Việt Nam

Đài Loan đưa nhiều cựu quan chức cấp cao thăm phi pháp đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Biển Đông Việt Nam. Ảnh Cảnh sát biển Đài Loan

Các máy bay này được cho là cất cánh từ nhóm tác chiến tàu sân bay USS John C.Stennis đang hoạt động ở Biển Đông. Một số quan chức Mỹ và Đài Loan tuyên bố đây là động thái “bình thường theo thông lệ” mỗi khi có máy bay lạ xuất hiện gần phạm vi của tàu sân bay Mỹ. Tuy nhiên, nhiều nghị viên đảng Dân tiến cực lực phản đối chuyến thăm và nhận định rằng phía Mỹ muốn gửi thông điệp không hài lòng đến ông Mã Anh Cửu.

“Chúng tôi tin rằng 2 chiếc F/A-18 đã theo dõi chiếc C-130 chở cựu quan chức Quốc dân đảng. Chuyến thăm là cách ông Mã đại diện cho Trung Quốc củng cố chủ quyền và Mỹ muốn cho thấy sự hiện diện của họ ở khu vực. Đó là cách chính quyền Mỹ nhắn gửi tới ông Mã rằng họ không đồng ý với chuyến thăm”, Taipei Times dẫn lời nghị viên La Trí Chánh nói.

Trước đây có thông tin nói đại diện Mỹ ở Đài Loan từng phản đối ông Mã Anh Cửu thăm Ba Bình vì có thể khiến tình hình Biển Đông thêm phức tạp. Theo phía đảng Dân tiến, chuyến thăm là ý đồ của ông Mã và Quốc dân đảng muốn đẩy căng thẳng leo thang, tạo ra bất đồng quốc tế nhằm gây khó khăn cho chính quyền tân cử của bà Thái Anh Văn, sẽ chính thức nhậm chức vào ngày 20/5.

>> Nghe đại tá kể chuyện vật lộn với ‘thủy thần’ sông Hậu cứu người tự sát

Minh Thùy (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang