Trung Quốc điều 16 chiến đấu cơ J-11 đến Biển Đông, Việt Nam yêu cầu rút ngay

author 05:51 15/04/2016

(VietQ.vn) - Tình hình Biển Đông mới nhất cho hay, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút ngay các máy bay chiến đấu J-11 ra khỏi quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hiện nay trên báo VnExpress, trong buổi họp báo chiều ngày 14/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định việc Trung Quốc điều các máy bay chiến đấu Thẩm Dương J-11 đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định ở khu vực.

"Việt Nam kiên quyết phản đối và mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay việc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, đưa các máy bay chiến đấu ra khỏi khu vực này và không tái diễn các hành động tương tự", ông Bình nói.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình phát biểu về tình hình Biển Đông hiện nay trong buổi họp báo chiều 14/4

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình phát biểu về tình hình Biển Đông hiện nay trong buổi họp báo chiều 14/4. Ảnh Dân Trí

Ông Bình nhấn mạnh với tư cách là ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và là nước có vai trò quan trọng ở khu vực, Trung Quốc cần hành động trách nhiệm và xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực trên cơ sở luật pháp quốc tế nhất là Công ước năm 1982 của LHQ (UNCLOS) và Tuyên bố của các bên ở Biển Đông (DOC).

Trước đó, các quan chức Mỹ cho biết Trung Quốc điều đến 16 chiến đấu cơ J-11 ra đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa của Biển Đông Việt Nam, số lượng này là "chưa từng có tiền lệ". Hồi tháng 11 năm ngoái, Bắc Kinh cũng từng điều loại máy bay chiến đấu tương tự tới đảo Phú Lâm, lần gần nhất là tháng 2 vừa qua nhưng với số lượng ít.

Các bức ảnh vệ tinh do truyền thông Mỹ công bố cũng cho thấy Trung Quốc đã lắp đặt hệ thống radar kiểm soát hỏa lực ở Phú Lâm, phục vụ cho việc khai hỏa tên lửa phòng không HQ-9 mà nước này đặt tại đây hồi tháng 2. Nhiều tên lửa đã được đưa vào vị trí sẵn sàng khai hỏa ở phía Đông của đảo. Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974 và thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" phi pháp trên đảo Phú Lâm từ hồi 2012.

Cộng đồng quốc tế đã đồng loạt lên án Trung Quốc về các hành động bồi đắp đảo nhân tạo, xây dựng các công trình phi pháp và triển khai vũ khí ở Biển Đông. Giới chuyên gia cho rằng các động thái này cho thấy Bắc Kinh đang đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông và xem thường các nỗ lực ngoại giao của các bên nhằm giảm căng thẳng trong khu vực.

Trung Quốc thường xuyên có những động thái làm căng thẳng thêm tình hình Biển Đông, mới nhất là việc điều J-11 đến Hoàng Sa

Trung Quốc thường xuyên có những động thái làm căng thẳng thêm tình hình Biển Đông, mới nhất là việc điều J-11 đến Hoàng Sa. Ảnh minh họa

Cũng liên quan tới tình hình Biển Đông, trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc Hội nghị Ngoại trưởng các nước G7 vừa qua đã ra tuyên bố bày tỏ sự quan ngại về các diễn biến trên Biển Đông và Hoa Đông thời gian gần đây, ông Lê Hải Bình cho hay Việt Nam hoan nghênh tuyên bố của các ngoại trưởng G7 theo mục tiêu chung là đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, an ninh biển và tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, báo Dân Trí đưa tin.

“Việt Nam đề nghị các bên có những đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định và thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh. Trước việc báo chí nước ngoài đưa tin rằng giới chức quốc phòng Việt Nam và Philippines trong tuần này sẽ gặp nhau để thảo luận khả năng tuần tra và tập trận chung trên Biển Đông, ông Lê Hải Bình cho hay đến nay ông chưa nhận được thông tin này.

Tuy nhiên, ông Bình nói thêm, trong thời gian này, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh đang có chuyến thăm Philippines. Với chính sách đối ngoại cũng như chính sách quốc phòng hoà bình, độc lập, tự chủ của mình, bất cứ hợp tác nào của Việt Nam với các bên đối tác cũng đều nhằm duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực.

Bình luận về việc Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mới đây nói rằng các bên liên quan trên Biển Đông nên tự giải quyết tranh chấp và không nên quốc tế vấn đề này, ông Bình đã nhấn mạnh rằng lập trường của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông là rõ ràng và nhất quán và đã được nhắc lại nhiều lần.

Cũng trong buổi họp báo chiều 14/4, ông Lê Hải Bình cho biết Việt Nam hoan nghênh tuyên bố của Hội nghị Ngoại trưởng G7 về tình hình Biển Đông

Cũng trong buổi họp báo chiều 14/4, ông Lê Hải Bình cho biết Việt Nam hoan nghênh tuyên bố của Hội nghị Ngoại trưởng G7 về tình hình Biển Đông. Ảnh AFP/TTXVN

“Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp ở biển Đông thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và trên tinh thần của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Đối với những vấn đề chỉ liên quan đến 2 nước thì giải quyết song phương.

Đối với những vấn đề liên quan đến các nước và các bên khác, ví dụ như vấn đề quần đảo Trường Sa, thì không thể chỉ giải quyết song phương mà phải có sự tham gia của các bên liên quan. Đối với những vấn đề liên quan đến cả các nước ngoài khu vực như vấn đề an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không thì phải được bàn bạc và giải quyết với tất cả các nước có chung lợi ích và chung quan tâm”, ông Bình nói.

>> Bi kịch vợ chết đuối, chồng mất tích giữa sóng nước sông Tranh

Tuyết Trinh (T/h)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang