Tình hình Biển Đông ngày 12/9: Trung Quốc xây dựng ở Gạc Ma là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam

author 06:30 12/09/2014

(VietQ.vn) - Tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng do thông tin Trung Quốc xây dựng đảo mới, sân bay trái phép trên bãi Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa Việt Nam.

Những thông tin gần đây trên báo chí cho hay Trung Quốc đang ra sức cải tạo đất, xây dựng đảo mới trái phép ở quần đảo Trường Sa cũng như âm mưu biến Gạc Ma thành “tàu sân bay không chìm Bắc Kinh” hòng hiện thực hóa tham vọng “bá chủ Biển Đông”.

Gần đây nhất, trong bài báo “Công trường xây dựng đảo của Trung Quốc”, phóng viên Rupert Wingfield-Hayes của hãng BBC (Anh) đã ghi nhận lại những hoạt động xây dựng trái phép quy mô lớn của Trung Quốc ở đảo Gạc Ma và một số bãi ngầm khác ở Trường Sa.

Trường Sa Hoàng Sa là của Việt Nam

Tình hình Biển Đông ngày 12/9: Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử về chủ quyền với Trường Sa. Ảnh minh họa

Trước tình hình này, nhiều chuyên gia tỏ ra lo ngại về khả năng Trung Quốc có thể đưa người dân và lực lượng quân đội lên trên các đảo mới đang được xây dựng trái phép ở Trường Sa nhằm tạo dựng bằng chứng, cơ sở giả trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

Nhận định về động thái này của Trung Quốc trên các phương tiện truyền thông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nhấn mạnh, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa. Do đó, mọi hành động đơn phương của nước ngoài nhằm làm thay đổi hiện trạng ở khu vực này đều là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam; vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông và khu vực.

Tình hình Biển Đông hôm nay: Sẽ sớm kiểm tra thông tin về các lô dầu mà Trung Quốc mời thầu

Tình hình Biển Đông hôm nay: Sẽ sớm kiểm tra thông tin về các lô dầu mà Trung Quốc mời thầu. Ảnh minh họa

Trong khi đó, Trung Quốc được cho là vẫn đang xúc tiến các hoạt động xây dựng trái phép trên khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Việc làm này của chính quyền Bắc Kinh đã được nhiều hãng tin nước ngoài và khu vực đăng tải với những hình ảnh khá rõ nét.

Cũng trong buổi họp báo thường kỳ vào chiều hôm qua ngày 11/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình đã trả lời câu hỏi của các phóng viên: Liệu trong 33 lô dầu khí mà Tổng công ty dầu khí Hải Dương Trung Quốc mới mời thầu, có lô dầu nào nằm trong vùng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam hay không?

Phát biểu về điều này, ông Lê Hải Bình cho biết sẽ cho xác minh thông tin về việc mời thầu này và có phản ứng phù hợp nhằm bảo vệ toàn vẹn lợi ích và chủ quyền quốc gia.

Minh Thùy (tổng hợp từ VOV, Người lao động, Vietnamnet)

 

 

 

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang