Tình hình Biển Đông ngày 2/11: Học giả Trung Quốc kêu gọi "ăn miếng trả miếng" với Việt Nam, Ấn Độ?!

author 06:46 02/11/2014

(VietQ.vn) - Tình hình Biển Đông thêm phần căng thẳng trước lời kêu gọi Bắc Kinh phải hành động, chiếm được bao nhiêu thì chiếm, lấy được bao nhiêu thì lấy và bỏ giấc mộng đàm phán tay đôi ở Biển Đông của học giả Trung Quốc.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất trên báo chí, Lực lượng Hải quân Hoàng gia Malaysia thông báo KD Tun Abdul Razak, chiếc tàu ngầm lớp Scorpene của hải quân nước này đã bắn quả ngư lôi đầu tiên tại biển Đông trong một đợt tập luyện.

Tờ nhật báo The Star (Malaysia) đưa tin, tàu ngầm KD Tun Abdul Razak đã bắn một quả ngư lôi Black Shark vào mục tiêu là một chiếc phà vào hôm 31/10, khiến chiếc phà nổ tung. Bình luận về thông tin này, Hải quân Hoàng gia Malaysia chia sẻ, việc bắn ngư lôi đánh dấu lần đầu tiên tàu ngầm Malaysia làm như vậy kể từ sau khi chiếc tàu ngầm lớp Scorpene đầu tiên, KD Tunku Abdul Rahman, được giao đến cảng Klang hồi tháng 9/2003.

Tình hình Biển Đông ngày 2/11: Tàu ngầm lớp Scorpene KD Tunku Abdul Rahman đang neo đậu tại cảng Klang

Tình hình Biển Đông ngày 2/11: Tàu ngầm lớp Scorpene KD Tunku Abdul Rahman đang neo đậu tại cảng Klang. Ảnh Reuters

Được biết, Black Shark là ngư lôi hạng nặng dùng để tấn công các khu trục hạm cỡ lớn và tàu sân bay. Tham gia cuộc tập trận trên biển còn có 4 tàu hải quân, 1 trực thăng Fennec, một tàu chiến CB90 và tàu chuyên dụng hỗ trợ tàu ngầm Mega Bakti. Hải quân Hoàng gia Malaysia tuyên bố việc bắn thử thành công ngư lôi là một dấu hiệu cho thấy hải quân Malaysia nên được xem như một lực lượng đáng gờm trong khu vực. 

Trong một diễn biến khác, mới đây Đài Phượng Hoàng (Hồng Kông) dẫn bình luận của Đỗ Bình, một bình luận viên thời sự quen thuộc của Trung Quốc kêu gọi Bắc Kinh "ăn miếng trả miếng" với hoạt động hợp tác quân sự (hết sức bình thường) và hoạt động thăm dò khai thác dầu khí Việt - Ấn trong vùng biển Việt Nam?!

Trước thông tin hai nước Việt - Ấn tăng cường hợp tác quốc phòng an ninh và năng lượng ở Biển Đông sau chuyến thăm New Delhi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Đỗ Bình cho rằng Trung Quốc đang thực hiện chiến lược "bắt cá 2 tay". Một mặt Bắc Kinh vẫn "theo đuổi" việc cải thiện quan hệ song phương với Việt Nam và Ấn Độ, mặt khác vẫn tiếp tục "một bước không đi một ly không rời trên Biển Đông, kiên quyết không thỏa hiệp"?!

Tình hình Biển Đông ngày 2/11: Trung Quốc ‘tức tối’ vì Việt - Ấn tăng cường hợp tác quốc phòng an ninh và năng lượng ở Biển Đông

Tình hình Biển Đông ngày 2/11: Trung Quốc ‘tức tối’ vì Việt - Ấn tăng cường hợp tác quốc phòng an ninh và năng lượng ở Biển Đông. Ảnh minh họa

Đỗ Bình kêu gọi, "Trước việc Ấn Độ giành được hợp đồng khai thác thăm dò nhiều lô dầu khí của Việt Nam như thế, việc cần làm của Trung Quốc cũng tương tự. Tức là ngoài việc bày tỏ 'quan ngại', khuyến cáo Ấn Độ không được can dự vào Biển Đông, Trung Quốc cần dùng hành động để khẳng định chỗ này là của Trung Quốc, chỗ kia là nơi Trung Quốc có quyền thăm dò khai thác".

Không dừng lại ở đó, Đỗ Bình còn mạnh miệng ngụy biện cho tham vọng bành trướng lãnh thổ phi pháp của Bắc Kinh, "Cần phải làm như vậy, nếu Trung Quốc không làm thì phản đối cũng vô dụng. Vì vậy phải ăn miếng trả miếng. Hai nước kia làm gì thì Trung Quốc cần phải làm thế, thậm chí phải làm với quy mô và tần suất lớn hơn, có như thế trong đàm phán hay đối đầu Trung Quốc mới có chỗ dựa. Nếu không chiếm được cái gì trong khi mình có thực lực và khả năng chiếm được đồng nghĩa với bỏ qua lợi ích".

Đồng thời, việc các quốc gia ven Biển Đông và cộng đồng quốc tế như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ lên tiếng bảo vệ tự do và an toàn hàng hải, duy trì luật pháp quốc tế ở Biển Đông trước tham vọng bành trướng của Bắc Kinh bị Đỗ Bình chụp mũ thành "kéo bè kết đảng thành lập liên minh bao vây Trung Quốc.” 

Tình hình Biển Đông ngày 2/11: Đỗ Bình kêu gọi Trung Quốc ‘chiếm được bao nhiêu thì chiếm’ ở Biển Đông

Tình hình Biển Đông ngày 2/11: Đỗ Bình kêu gọi Trung Quốc ‘chiếm được bao nhiêu thì chiếm’ ở Biển Đông. Ảnh Giáo Dục

Khi chủ trương đòi đàm phán tay đôi, bẻ từng chiếc đũa của Bắc Kinh không được nước nào hưởng ứng, kể cả cái gọi là "gác tranh chấp cùng khai thác" cũng được khu vực chấp nhận bởi cái tiền đề vô lý và trịch thượng “Phải thừa nhận chủ quyền Biển Đông thuộc Trung Quốc”, Đỗ Bình tiếp tục ngụy biện và đổ lỗi cho các bên liên quan có thái độ "không thiện chí đàm phán tay đôi với Bắc Kinh, lại còn một mình khai thác" (?!). Vì thế, ông Bình kêu gọi Trung Quốc hành động, chiếm được bao nhiêu thì chiếm, lấy được bao nhiêu thì lấy và bỏ giấc mộng đàm phán tay đôi đi?!

Trên thực tế, hợp tác Việt - Ấn là hoạt động đối ngoại hết sức bình thường và không xâm phạm quyền lợi hay đe dọa bất cứ ai. Tuy nhiên, Đỗ Bình lại ảo tưởng Việt Nam và Ấn Độ đang liên thủ lấy 2 địch 1 đối đầu với Trung Quốc và khẳng định Bắc Kinh phải ‘ăn miếng trả miếng’, có những hành động cứng rắn tương ứng để "chiến thắng" 2 nước Việt Nam, Ấn Độ.

Minh Thùy

 (tổng hợp từ Thanh Niên, Giáo Dục)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang