Tình hình Biển Đông ngày 28/10: Bắt giữ thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc trên biển Hoa Đông

author 06:35 28/10/2014

(VietQ.vn) - Một thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc vừa bị bắt giữ vì tình nghi bắt trộm san hô trái phép trên biển Hoa Đông trong bối cảnh cuộc đối thoại không chính thức nhằm tránh xung đột vũ trang trên biển Hoa Đông giữa Bắc Kinh – Tokyo đang đến gần.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Nhật Bản bắt thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc sau màn rượt đuổi

Những tin tức mới nhất trên báo chí cho hay, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản ngày 27/10 đã bắt giữ một thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc vì bị tình nghi bắt trộm san hô sau cuộc truy đuổi lòng vòng kéo dài 85 phút trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật. Cụ thể, tàu Zheling Yuyun 622 của Trung Quốc đã bỏ chạy sau khi phớt lờ mệnh lệnh của tàu tuần tra Nhật yêu cầu ghé vào một trong các hòn đảo thuộc quần đảo Ogasawara, nằm cách Tokyo khoảng 1.000 km về phía đông. 

Sau cuộc truy đuổi lòng vòng kéo dài 12 km trong 85 phút trên biển, lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật đã tiếp cận dược tàu cá Trung Quốc và bắt giữ thuyền trưởng Zeng Yong, 31 tuổi. Theo lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết, 12 thuyền viên của tàu Zheling Yuyun bị tình nghi bắt trộm san hô, sau khi khoảng 100 tàu Trung Quốc được nhìn thấy xuất hiện trong khu vực biển Hoa Đông hôm 25/10.

Tình hình Biển Đông ngày 28/10: Tàu Zheling Yuyun 622 trong vùng đặc quyền kinh tế Nhật

Tình hình Biển Đông ngày 28/10: Tàu Zheling Yuyun 622 trong vùng đặc quyền kinh tế Nhật. Ảnh AFP

Được biết, thuyền trưởng Zeng đã bị bắt vì các cáo buộc cố gắng ngăn chặn một cuộc kiểm tra trên tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật. Nếu bị buộc tội, anh này có thể bị kết án 6 tháng tù giam hoặc bị phạt tiền lên tới 300.000 yen (2.770 USD) theo luật đánh cá của Nhật. Được biết, Zeng là thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc thứ 4 bị phía Nhật Bản bắt giữ trong tuần này.

Kể từ tháng trước, số lượng tàu đánh cá Trung Quốc bị tình nghi săn lùng san hô đỏ - vốn rất có giá tại Trung Quốc vì được dùng làm đồ trang sức - tại vùng biển ngoài khơi quần đảo Ogasawara, còn được gọi là quần đảo Bonin tăng đột biến. Phát biểu về điều này, một quan chức của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật tại Yokohama khẳng định nước này đang trong tiến trình điều tra xem thuyền trưởng bị bắt có đang đánh bắt san hô hay không.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản thường truy đuổi các tàu Trung Quốc tìm kiếm san hô trong khu vực. Các vụ việc ít khi gây ra mâu thuẫn lớn giữa Tokyo và Bắc Kinh, mặc dù hai nước đang vướng vào cuộc tranh chấp lãnh thổ vì quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Hoa Đông. Ngoài ra, hồi đầu tháng này, lực lượng bảo vệ bờ biển Hàn Quốc đã nổ súng bắn chết một thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc trong cuộc đối đầu ở Hoàng Hải, gây ra phản ứng giận dữ từ phía Bắc Kinh.

Nhật – Trung đối thoại nhằm tránh xung đột quân sự ở biển Hoa Đông

Tình hình Biển Đông ngày 28/10: Trung - Nhật đối thoại ngăn ngừa xung đột ở biển Hoa Đông

Tình hình Biển Đông ngày 28/10: Trung - Nhật đối thoại ngăn ngừa xung đột ở biển Hoa Đông. Ảnh minh họa

Trong khi đó, Nhật Bản và Trung Quốc vừa nhất trí sẽ tiến hành một cuộc đối thoại dân sự với chủ đề phòng tránh xung đột quân sự song phương trong bối cảnh hai bên căng thẳng về các vấn đề chủ quyền ở biển Hoa Đông. Cuộc đối thoại sẽ diễn ra tại Bắc Kinh trong hai ngày 29 - 30/10 với sự tham dự của các học giả, nhà nghiên cứu hai nước. Tuy nhiên, Trung Quốc dự kiến cũng sẽ cử đại diện quân sự tham gia hội nghị. 

Được biết, hội nghị đối thoại dân sự này trên nằm trong tiến trình thúc đẩy trao đổi Nhật - Trung liên quan tới những vấn đề trên biển Hoa Đông vốn được giới chức quân sự hai nước nhất trí tái khởi động hồi tháng 9 vừa qua. Theo kế hoạch, phái đoàn Nhật Bản gồm 8 người bao gồm các giáo sư đại học, quan sát viên đến từ Lực lượng phòng không. Phía Trung Quốc gồm 7 người, trong đó có cả thiếu tướng không quân. Dự kiến, hai bên sẽ nỗ lực tổ chức khoảng 3 vòng đối thoại cho tới mùa Xuân năm 2015.

Một số nguồn tin cho biết, nội dung vòng đối thoại lần này sẽ tập trung vào việc trao đổi các biện pháp phòng tránh xung đột giữa hai bên, trong đó có các nội dung như cấm “khóa radar tấn công đối phương,” cấm tiếp cận gần máy bay quân sự… vốn từng là những vấn đề đã xảy ra giữa Nhật Bản và Trung Quốc ở cả trên biển và trên không.

Minh Thùy

 (tổng hợp từ Dân Trí, Vietnam+)

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang