Tình hình Biển Đông ngày 29/10: Báo Trung Quốc ‘tỏ thái độ’ trước mối quan hệ hợp tác Việt - Ấn

author 06:35 29/10/2014

(VietQ.vn) - Truyền thông Trung Quốc tiếp tục tỏ thái độ ‘bực bội, tức tối’ vì "Việt - Ấn khai thác dầu Biển Đông, không để ý Bắc Kinh" và trước thông tin Ân Độ xem xét bán tàu tuần tra biển cho Việt Nam.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Ấn Độ thảo luận bán tàu tuần tra biển cho Việt Nam

Theo những tin tức mới nhất trên báo chí, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có cuộc gặp và làm việc với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Thủ tướng, khẳng định hợp tác quốc phòng là nền tảng của mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Một quan chức chính phủ Ấn Độ cho biết hiện hai bên đang thảo luận thỏa thuận bán tàu tuần tra hàng hải cho Việt Nam nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Quan chức Ấn Độ này cho biết hai bên đang thảo luận việc Ấn Độ bán cho Việt Nam 4 tàu tuần tra biển trong khuôn khổ gói tín dụng 100 triệu USD giữa hai nước. 

Tình hình Biển Đông ngày 29/10: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bắt tay Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi

Tình hình Biển Đông ngày 29/10: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bắt tay Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh Reuters

Đồng thời, tờ báo Ấn Độ India Times đưa nước này có thể sẽ đào tạo phi công Việt Nam bay máy bay chiến đấu Sukhoi do Nga sản xuất. Hai nước Việt - Ấn có mối quan hệ hợp tác quân sự truyền thống nhưng mới chỉ giới hạn ở các lĩnh vực trao đổi quân sự, đào tạo, cung cấp phụ tùng thiết bị quân sự, bảo dưỡng… Trong khi đó, hợp tác đào tạo đã tăng tốc đáng kể từ khi Việt Nam mua tàu ngầm lớp Kilo từ Nga – loại vũ khí mà Ấn Độ đã vận hạnh từ thập niên 1980.

Báo Hoàn Cầu: "Ấn Độ - Việt Nam khai thác dầu Biển Đông, không để ý Trung Quốc"

Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" (Trung Quốc) mới đây đã cho đăng bài viết "Ấn Độ có thể hợp tác với Việt Nam khai thác dầu ở Biển Đông, không để ý đến sự lo ngại của Bắc Kinh". Bài viết dẫn lời của truyền thông Ấn Độ cho biết Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã bắt đầu chuyến thăm Ấn Độ từ ngày 27/10 và trong thời gian đó, Ấn Độ có thể tiếp nhận lời mời của Việt Nam hợp tác khai thác dầu mỏ ở Biển Đông, bất chấp việc Bắc Kinh bày tỏ lo ngại (trên thực tế Trung Quốc không có chủ quyền thì lấy tư cách gì tỏ thái độ?) đối với vấn đề này.

Theo Hoàn Cầu, đối với vấn đề này, có chuyên gia Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc luôn ủng hộ cùng khai thác tài nguyên dầu mỏ Biển Đông. Do đó, trong vấn đề khai thác lô dầu mỏ, "Việt-Ấn nên đàm phán với Trung Quốc", còn đối với cải thiện quan hệ Trung - Việt, "Việt Nam nên có nhiều thiện chí hơn".

Tình hình Biển Đông ngày 29/10: Trung Quốc ngang nhiên mời thầu dầu khí trong phạm vi biển đảo Việt Nam

Tình hình Biển Đông ngày 29/10: Trung Quốc ngang nhiên mời thầu dầu khí trong phạm vi biển đảo Việt Nam. Ảnh minh họa

Bình luận về điều này, nhà nghiên cứu Hứa Lợi Bình, Viện nghiên cứu chiến lược toàn cầu và châu Á - Thái Bình Dương, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc nhận xét, Ấn Độ và Việt Nam hy vọng tìm kiếm đột phá trong quan hệ song phương, đặc biệt là Việt Nam có ý nguyện mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, ông Hứa khẳng định, thăm dò dầu mỏ trên biển Đông là dự án đầu tư có rủi ro cao, những lô Việt Nam cung cấp cho Ấn Độ có dầu mỏ hay không còn chưa biết, cho nên, cho dù Ấn Độ cuối cùng có tham gia, liệu có thành công hay không còn chưa rõ.

Bên cạnh đó, báo Trung Quốc tự ý cho rằng trước hết cần làm rõ, lô dầu khí do Việt Nam cung cấp nằm ở vị trí nào. Có thể ở vùng biển của Việt Nam, cũng có thể một bộ phận nằm ở "vùng biển tranh chấp", nếu ở "vùng biển tranh chấp" thì Việt Nam không có quyền cung cấp cho Ấn Độ khai thác. Như vậy, ý của phần tử trí thức “bành trướng lãnh thổ” Hứa Lợi Bình là những vùng biển vẫn thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, nhưng "đường lưỡi bò" vẽ bậy của Trung Quốc đè lên thì gọi là "vùng biển tranh chấp", và ở vùng biển đó thì Việt Nam "không có quyền"?

Trên thực tế, "đường lưỡi bò" của Trung Quốc là loại bản đồ vẽ bậy, không có giá trị pháp lý, không được quốc tế công nhận, chỉ là trò lố bịch, hành động bành trướng mà Trung Quốc đang áp đặt cho thế giới văn minh hiện đại thông qua "chơi chữ" và hậu thuẫn vũ lực. Trung Quốc đang dùng nó để đòi hỏi mọi quyền lợi từ nó một cách bất hợp pháp.

Tình hình Biển Đông ngày 29/10: Báo chí Trung Quốc không ít lần bôi nhọ, vu cáo Việt Nam

Tình hình Biển Đông ngày 29/10: Báo chí Trung Quốc không ít lần bôi nhọ Việt Nam, nhận vơ chủ quyền. Ảnh minh họa

Không dừng lại ở đó, nhà nghiên cứu Hứa Lợi Bình còn tưởng tượng và lớn tiếng tuyên bố, "Nhìn vào lịch sử, Việt Nam chỉ có hợp tác với Trung Quốc mới có tiền đồ. Trung Quốc luôn ủng hộ cùng khai thác tài nguyên dầu khí Biển Đông, đây là một xu thế của tương lai. Việt Nam và Ấn Độ cũng nên nhìn thấy điểm này.”

Như vậy, Trung Quốc rõ ràng đang lo ngại về quan hệ Việt - Ấn, nhất là sự can dự của Ấn Độ đối với Biển Đông; Trung Quốc cũng thèm dầu khí ở Biển Đông, thực sự muốn thúc đẩy "cùng nhau khai thác". Nhưng đằng sau “cùng nhau khai thác” ấy là cả một vấn đề, đó là trước khi "cùng khai thác" các bên phải thừa nhận "chủ quyền thuộc về Trung Quốc". Nói một cách không văn hoa, đó là hành động giật bát cơm trong khi người khác đang ăn và....đòi chia.

Nhiều chuyên gia nhận định, Trung Quốc không bao giờ thực hiện được “cùng nhau khai thác” nếu như không tuân thủ luật pháp quốc tế, mãi áp đặt "ý chí quốc gia" - hay yêu sách "đường lưỡi bò" bất hợp pháp, một mực đòi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước khác ven Biển Đông là của mình.

Minh Thùy

 (tổng hợp từ Tuổi Trẻ, Giáo Dục)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang