Tình hình Biển Đông ngày 31/10: Tranh chấp biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc có dấu hiệu tăng nhiệt

author 07:12 31/10/2014

(VietQ.vn) - Những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hiện nay cho hay, Philippines quyết theo đuổi vụ kiện với Trung Quốc đến cùng nhằm bảo vệ chủ quyền bãi cạn Scarborough.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất trên báo chí về tình hình Biển Đông, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario thông báo Tòa Trọng tài tại Hà Lan có thể đưa phán quyết về đơn kiện của Philippines chống lại tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông vào đầu năm 2016.Trả lời phỏng vấn trên báo chí, Ngoại trưởng Philippines cho hay, “Chúng tôi mong việc phân xử sẽ diễn ra vào quý 1/2016”. Được biết, vụ việc của Manila, vốn được gửi lên Tòa án Trọng tài của Liên Hợp Quốc tại La Hay (Hà Lan) hồi tháng 1/2013, là nhằm tìm cách vô hiệu hóa tuyên bố phi lý của Trung Quốc về đường 9 đoạn, còn gọi là “đường lưỡi bò”, bao trọn 90% diện tích Biển Đông, bao gồm các vùng biển bên trong lãnh thổ Philippines.

Tình hình Biển Đông ngày 31/10: Ngoại trưởng Philippines yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế

Tình hình Biển Đông ngày 31/10: Ngoại trưởng Philippines yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế. Ảnh minh họa

Đến tháng 3/2014, chính phủ Philippines tiếp tục trình tài liệu pháp lý dài 4.000 trang, vốn bao gồm các bằng chứng văn bản và bản đồ, để phản đối sách yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Quyết định tìm kiếm sự phân xử của tòa án quốc tế khẳng định quyết tâm bảo vệ các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông của Philippines. Theo lời ông Del Rosario, một phán quyết về vụ việcsẽ làm rõ các quyền hàng hải của Philippines và cuối cùng là mở đường cho một giải pháp đối với các tranh chấp ở biển Đông.

Bất chấp việc Trung Quốc đã vài lần tuyên bố không tham gia vụ kiện và khăng khăng chỉ tham gia các cuộc đàm phán trực tiếp với Philipines, tòa án vẫn cho Bắc Kinh thời hạn chót tới ngày 15/12/2014 để gửi phản biện. Ông Del Rosario nhận định, việc Bắc Kinh không tuân thủ lệnh của tòa án dự kiến sẽ đẩy nhanh vụ kiện của Philippines, đồng thời tiến trình pháp lý sẽ vẫn diễn ra dù có hay không có sự tham gia của Trung Quốc.

Ngoại trưởng Philippines giải thích, nếu Bắc Kinh không gửi phản biện lên tòa án, vào ngày 16/12, tòa trọng tài quốc tế sẽ gửi các câu hỏi cho phía Manila. Manila dự kiến sẽ trả lời các câu hỏi này vào tháng 3 năm tới và sau đó đến tháng 7, sẽ có các buổi điều trần trong 2 tuần. Theo đó, tòa trọng tài sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng trong vài tháng tới hoặc vào quý I/2016. Ngoại trưởng Philippines nhấn mạnh, Trung Quốc phải chứng minh với thế giới rằng nước này tôn trọng luật pháp để được cộng đồng quốc tế công nhận là một quốc gia có trách nhiệm.

Tình hình Biển Đông ngày 31/10: Hội nghị APEC không thảo luận vấn đề biển Đông

Tình hình Biển Đông ngày 31/10: Hội nghị APEC không thảo luận vấn đề biển Đông. Ảnh minh họa

Trong một diễn biến khác, Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Laura Del Rosario cho biết vấn đề tranh chấp biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc sẽ không được thảo luận tại hội nghị cấp cao APEC ở Bắc Kinh (từ ngày 9 - 11/11). Lý do là bởi các nền kinh tế APEC trải rộng đến Nam Mỹ nên các bên sẽ không thảo luận vấn đề tranh chấp chỉ liên quan đến Trung Quốc và Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, bà Laura del Rosario khẳng định, APEC chưa bao giờ thảo luận bất cứ vấn đề chính trị nào tại các hội nghị cấp cao. Do đó, trong hội nghị APEC sắp tới, Philippines và Trung Quốc sẽ tập trung làm việc về kinh tế để bảo đảm các vấn đề kinh tế chưa được giải quyết tại hội nghị năm nay sẽ được tiếp tục nêu ra tại hội nghị APEC năm sau ở Philippines.

Cũng trong thời gian này, phát biểu tại hội nghị giám đốc điều hành toàn cầu lần thứ 14 tại Singapore do tạp chí Forbes (Mỹ) tổ chức, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tâm sự vấn đề tranh chấp biển ở châu Á đã làm ông mất ngủ vì lo ngại cho hòa bình khu vực. Thủ tướng Singapore chia sẻ, “Tôi không nghĩ rằng bất cứ bên tranh chấp nào sẽ đẩy tranh chấp đến mức vượt quá giới hạn. Chúng ta phải hy vọng không có bước đi sai lầm nào xảy ra”.

Quốc tế lo ngại vì tình hình Biển Đông và Hoa Đông ngày càng căng thẳng

Quốc tế lo ngại vì tình hình Biển Đông và Hoa Đông ngày càng căng thẳng. Ảnh minh họa

Thêm vào đó, ông cho rằng tranh chấp không thể giải quyết nhanh được vì chạm đến chủ quyền là chạm đến lòng tự hào dân tộc, bởi thế sẽ không nước nào chịu nhượng bộ. Ông kết luận,  các bên tranh chấp có thể sống chung với bất đồng và tìm cách quản lý bất đồng đồng thời bày tỏ hy vọng các thế hệ sau sẽ có cách để giải quyết tranh chấp.

Đối với Mỹ, Thủ tướng Singapore cho rằng Washington có thể đóng vai trò xây dựng trong các vấn đề tranh chấp trên biển Đông. Ông ghi nhận với tư cách cường quốc Thái Bình Dương, Mỹ cần phải tập trung hơn nữa vào châu Á và cần duy trì các mối quan hệ tốt ở châu Á, trong đó có Trung Quốc.

Minh Thùy

(tổng hợp từ Dân Trí, Pháp Luật TP.HCM)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang