Tình hình phát triển điện hạt nhân trên toàn thế giới

author 06:48 09/06/2015

(VietQ.vn) - Năng lượng hạt nhân đang là lựa chọn hàng đầu của nhiều quốc gia trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng hóa thạch còn các nguồn năng lượng tái tạo vẫn chưa cho thấy hiệu quả rõ rệt.

Sự kiện: Phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam

Trong bối cảnh các nguồn năng lượng hoá thạch ngày càng cạn kiện, không còn đủ khả năng đáp ứng nhu cầu trong tương lai, các nguồn năng lượng mới tái tạo như gió, mặt trời lại chưa chứng minh được tính hiệu quả thực sự, thì năng lượng hạt nhân vẫn là sự lựa chọn của nhiều quốc gia nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và sự phát triển bền vững cũng như giải quyết tích cực vấn đề môi trường.

Vấn đề được các quốc gia quan tâm nhất hiện nay đối với nhà máy điện hạt nhân là an toàn của các lò phản ứng đặc biệt là từ khi xuất hiện các tai nạn và sự cố hạt nhân trong những năm gần đây. Chính vì vậy, bên cạnh các quốc gia hiện còn đắn đo trước khi lựa chọn điện hạt nhân cho giải pháp an ninh năng lượng, vẫn có nhiều quốc gia khác kiên định theo con đường phát triển điện hạt nhân phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Thực tế cho thấy ngày càng có nhiều nhà máy điện hạt nhân đang được xây dựng trên thế giới.

Thống kê trên toàn cầu hiện có 56 quốc gia đang vận hành khoảng 240 lò phản ứng nghiên cứu và hơn 180 lò phản ứng hạt nhân cung cấp năng lượng cho khoảng 150 tàu và tàu ngầm. Trong số đó có 16 quốc gia phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân để sản xuất ít nhất một phần tư sản lượng điện của đất nước.

Năng lượng hạt nhân đang là lựa chọn hàng đầu của nhiều quốc gia

Năng lượng hạt nhân đang là lựa chọn hàng đầu của nhiều quốc gia

Hiện nay, điện hạt nhân thế giới chủ yếu sử dụng công nghệ thế hệ hai, và đang nghiên cứu cải tiến hoàn thiện đưa ra công nghệ thế hệ ba nhằm nâng cao tính an toàn, tin cậy và tính kinh tế (ở Trung Quốc giá bán điện hạt nhân là 0,43 Nhân dân tệ 1 kWh).

Một nghiên cứu cho rằng, chỉ cần 2.500 nhà máy điện hạt nhân là có thể cung cấp đủ nhu cầu điện cho toàn thế giới, trong đó riêng Trung Quốc cần hơn 600 nhà máy điện hạt nhân.

Sự phát triển điện hạt nhân có hai vấn đề khó giải quyết là xử lý chất thải hạt nhân và ô nhiễm nhiệt. Hiện nay phần lớn chất thải hạt nhân được làm cho rắn lại rồi tạm để trong kho chất thải của nhà máy điện hạt nhân, sau 5-10 năm sẽ chở đến địa điểm được nhà nước quy hoạch tồn trữ các chất thải có tính phóng xạ. Cho tới nay chưa nước nào tìm ra được biện pháp xử lý chất thải phóng xạ một cách an toàn và vĩnh cửu, nhưng họ đều có cách bảo đảm an toàn trong quá trình tồn trữ các chất thải đó. Cũng như tất cả các nhà máy phát điện sử dụng tua bin hơi nước, nhà máy điện hạt nhân sử dụng rất nhiều nước để làm nguội, nhưng ở nhà máy điện hạt nhân, lượng nhiệt thoát ra từ nước làm nguội này vào môi trường xung quanh thì cao hơn nhà máy điện dùng nhiên liệu hóa thạch, do đó ô nhiễm nhiệt trở nên nghiêm trọng hơn.

Nhà khoa học Hansen ở NASA cho biết, không nguồn năng lượng nào không có nhược điểm này nọ; sự phát triển điện hạt nhân có ý nghĩa rất quan trọng đối với y tế, bảo vệ môi trường, quân sự, tàu sân bay, động lực robot, vệ tinh và máy bay vũ trụ chạy bằng năng lượng hạt nhân; pin hạt nhân sẽ được ứng dụng trong công nghiệp ô tô, một ngành tiêu dùng nhiều năng lượng.

Tình hình chung của các quốc gia có liên quan đến phát triển điện hạt nhân trên thế giới

Iran: Iran đang lên kế hoạch xây 2 nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Bushehr thuộc miền Nam nước này, Giám đốc Cơ quan Năng lượng hạt nhân Iran Ali Akbar Salehi thông báo. Tổng chi phí xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân mới là khoảng 10 tỉ USD. Iran sẽ cần khoảng 15.000 kỹ thuật viên để triển khai dự án trong 3-4 năm nữa. Liên quan đến vấn đề tái thiết kế lò phản ứng hạt nhân Arak và các dự án khác, các cuộc đàm phán với Trung Quốc đang được tiến hành.

Trung Quốc: Tính đến tháng 6/2015, Trung Quốc đang vận hành 25 lò phản ứng ĐHN, sản lượng ĐHN năm 2014 đạt 123,8 tỷ kWh, chiếm 2,4% tổng sản lượng điện sản xuất ra của nước này. Đặc biệt, các chỉ tiêu vận hành của nhà máy ĐHN của Trung Quốc đạt mức tiên tiến của thế giới, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường tốt. Bắc Kinh cũng đặt mục tiêu đến năm 2020, ĐHN chiếm 5% tổng công suất phát điện toàn quốc. Hiện Trung Quốc đang xây dựng 25 nhà máy điện hạt nhân.

Ấn Độ: Mục tiêu của Ấn Độ là có 14,5 GWe công suất điện hạt nhân lên lưới điện tới năm 2020 như một phần của chính sách năng lượng nước. Bao gồm các lò phản ứng nước nặng, nước nhẹ và các lò phản ứng tái sinh nhanh. Có 7 lò phản ứng hạt nhân đang hoặc sắp được xây dựng, gồm cả thiết kế trong và ngoài nước, bao gồm lò phản ứng tái sinh nhanh nguyên mẫu 500 MWe. Việc này sẽ đưa chương trình sử dụng thorium đầy tham vọng của Ấn Độ sang giai đoạn 2, và xây dựng quy hoạch cho việc sử dụng cuối nguyên tố thori phong phú của đất nước làm nhiên liệu lò phản ứng.

Hiện nhiều quốc gia vẫn đang tiếp tục các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân

Hiện nhiều quốc gia vẫn đang tiếp tục các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân

Nga: Nga dự kiến tăng công suất năng lượng hạt nhân lên 30,5 GWe tới năm 2020, sử dụng các lò phản ứng nước nhẹ vào loại tốt nhất trên thế giới của nước. Một lò phản ứng tái sinh nhanh cỡ lớn đã gần hoàn thành xây dựng, và sự phát triển tiếp tục diễn ra ở các nhà máy khác, nhắm tới việc xuất khẩu một cách mạnh mẽ. Nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên đang được xây dựng, xuất xưởng vào năm 2016. Liên bang Nga hiện rất tích cực trong việc xây dựng và tài trợ các nhà máy điện hạt nhân mới ở một số nước.

Mỹ: Hiện có 5 lò phản ứng đang được xây dựng, 4 trong số đó là thiết kế AP1000 đời mới. Một trong những lý do gián đoạn trong xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại Mỹ cho tới hiện nay là do đạt được được cuộc cách mạng vô cùng thành công trong các chiến lược bảo trì. Trong 15 năm qua, những thay đổi làm gia tăng việc sử dụng các nhà máy điện hạt nhân tại Mỹ, sản lượng điện tăng tương ứng với việc có thêm 19 nhà máy điện hạt nhân công suất 1000 MW được xây dựng.

Nhật Bản: Nhật Bản đang có kế hoạch khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân theo gói các tiêu chuẩn mới, được áp đặt kể từ sau thảm họa gây sự cố nóng chảy nhiên liệu tại 3 lò phản ứng ở nhà máy Fukushima cách đây 4 năm. Lò phản ứng số 1 tại Tổ hợp hạt nhân Sendai là lò phản ứng đầu tiên đi vào hoạt động, bất chấp những quan ngại của dư luận về độ an toàn sau thảm hoạ hạt nhân năm 2011.

Việt Nam: Việt Nam dự kiến sẽ có nhà máy điện hạt nhân đầu tiên hoạt động vào khoảng năm 2023 với sự giúp đỡ của Liên bang Nga và nhà máy thứ hai sớm ngay sau đó với sự giúp đỡ của Nhật Bản. Indonesia và Thái Lan đang có kế hoạch về các chương trình điện hạt nhân.

Nam Khánh

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang