Những tin tức mới nhất về tình hình Ukraine ngày 25/8/2015

author 06:55 25/08/2015

(VietQ.vn) - Tình hình Ukraine mới nhất cho biết 'Phương Tây lặng lẽ nhìn Ukraine sụp đổ'; 'Ukraine điều 170 đơn vị thiết giáp tiến vào miền Đông'; 'Lãnh đạo Đức, Pháp, Ukraine kêu gọi thực thi thỏa thuận Minsk'.

Sự kiện: Cập nhật tình hình Nga - Ukraine

Phương Tây lặng lẽ nhìn Ukraine sụp đổ

Theo tin tức về tình hình Ukraine mới nhất trên VNMedia, tình hình Ukraine ngày càng tồi tệ nhưng Liên minh Châu Âu (EU) không có bất kỳ bước đi cụ thể nào nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng này. Theo phóng viên Christophe Schiltz đến từ tờ Die Welt, phương Tây đang lặng lẽ nhìn đất nước Ukraine rơi vào hỗn loạn và sụp đổ dần. 

Liên minh Châu Âu dường như bất lực trước cuộc khủng hoảng ở Ukraine – quốc gia Đông Âu đang bị xé nát bởi cuộc nội chiến ở miền Đông. EU chủ yếu tạm hài lòng với những lời cảnh báo thẳng thừng dành cho các phe phái đối địch nhau trong cuộc chiến ở miền Đông Ukraine hoặc những lời kêu gọi về việc tăng cường vai trò của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) – một thể chế giám sát chưa bao giờ đóng vai trò quan trọng trong cuộc xung đột ở Ukraine, tác giả Schiltz cho hay.   

Theo nhà báo Schiltz, thoả thuận Minsk đạt được dưới sự làm trung gian của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Hollande cho đến nay vẫn không mang lại được tiến triển gì nhiều và tình hình dường như không thể thay đổi trong tương lai. Giới lãnh đạo Châu ÂU dường như chỉ đưa ra kế hoạch trên giấy chứ không đưa chúng vào thực tế để thực hiện một cách nghiêm chỉnh.   

Tình hình Ukraine mới nhất cho biết Phương Tây lặng lẽ nhìn Ukraine sụp đổ

Tình hình Ukraine mới nhất cho biết Phương Tây lặng lẽ nhìn Ukraine sụp đổ

Phóng viên tờ Die Welt cho rằng, chiến lược yếu đuối của EU đã làm lợi cho Tổng thống Nga Vladimir Putin – người bị cáo buộc đang tìm cách gây bất ổn ở nước láng giềng Ukraine. Ông Schiltz gợi ý rằng, phương Tây nên tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga và tăng thêm sự giúp đỡ cho Kiev, ví dụ như thông qua việc cung cấp vũ khí và viện trợ tài chính.   

Ông Schlitz tin rằng, EU đánh giá thấp tầm quan trọng chiến lược của khu vực miền đông Ukraine. Theo ông này, người Châu Âu nên tăng cường sự hiện diện trong khu vực để theo dõi tình hình và giám sát các đường biên giới cũng như các cuộc bầu cử, giúp Ukraine huỷ bỏ vị thế là một sân sau của Châu Âu.

Những nhận định mang đầy sự bi quan của phóng viên tờ Die Welt được đưa ra trong bối cảnh tình hình Ukraine nguy cấp trở lại khi bạo lực leo tháng một cách nghiêm trọng. Các cuộc giao tranh, đụng độ giữa quân đội Kiev và lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine đã bùng nổ trở lại với quy mô và tính nghiêm trọng tăng lên một cách bất thường kể từ sau khi thoả thuận ngừng bắn có hiệu lực hồi tháng 2. Bạo lực leo thang kéo theo tình trạng thương vong cũng tăng cao đột ngột, ở mức chưa từng có trong nhiều tháng trở lại đây.   

Giữa bối cảnh như vậy, cộng đồng thế giới không khỏi lo ngại về khả năng thoả thuận ngừng bắn hồi tháng 2 – thứ duy nhất mà các cường quốc đặt nhiều hy vọng vào đó – sẽ bị phá vỡ hoàn toàn. Một khi thoả thuận Minsk đổ vỡ thêm một lần nữa thì tình hình Ukraine khó tránh khỏi viễn cảnh vượt ra khỏi tầm kiểm soát. 

Ukraine điều 170 đơn vị thiết giáp tiến vào miền Đông

Theo báo điện tử Tấm Gương, Ukraine đã điều 170 đơn vị thiết giáp tiến vào miền Đông để chuẩn bị cho một cuộc chiến lớn trong đêm trước Ngày Độc lập của nước này (24/8). Theo Sputnik News, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã chấp thuận cho các đơn vị này được điều động miền Đông trong chuyến thị sát của ông đến bãi tập Chuhuiv, Kharkov ngày 22/8.

Ukraine điều 170 đơn vị thiết giáp tiến vào miền Đông

Ukraine điều 170 đơn vị thiết giáp tiến vào miền Đông

Theo đó, các đơn vị thiết giáp sẽ được điều đến các “khu vực diễn ra các cuộc chiến chống khủng bố” của quân Chính phủ tại miền Đông Ukraine. Trong số các xe thiết giáp được đưa đến miền Đông có cả 25 chiếc xe tăng, bao gồm BM "Bulat", T-64BV và T-72, cùng với hệ thống phóng rocket Grad, các loại tên lửa phòng không, hệ thống chống tăng Stugma, các loại pháo chống tăng và pháo tự hành cùng nhiều xe quân sự Hammer.

Lãnh đạo Đức, Pháp, Ukraine kêu gọi thực thi thỏa thuận Minsk

Theo Vietnamplus, Ngày 24/8 tại Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc thảo luận với Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko về cuộc khủng hoảng Ukraine nhằm tìm cách thúc đẩy thực thi thỏa hoà bình Minsk. Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc thảo luận với hai nhà lãnh đạo Pháp và Ukraine, Thủ tướng Merkel khẳng định ý nghĩa quan trọng của các thỏa Minsk đạt được vào tháng 9/2014 và 2/2015, coi đây là nền tảng cơ bản nhằm đi tới một giải pháp hoà bình cho cuộc xung đột Ukraine. 

Nhà lãnh đạo Đức cũng khẳng định cần đẩy mạnh, củng cố vai trò của thể thức nhóm Bộ tứ Normandy (gồm Đức, Ukraine, Pháp và Nga) trong việc kiến tạo hoà bình cho Ukraine. Thủ tướng Merkel cũng không bác bỏ khả năng sẽ nối lại cuộc gặp thượng đỉnh của nhóm Normandy, với sự tham dự của Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong thời gian tới. 

Theo bà Merkel, việc thực thi thỏa Minsk cho tới nay vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề, trong đó lệnh ngừng bắn chưa được phía lực lượng đòi độc lập và Chính phủ Ukraine tuân thủ. Bên cạnh đó, Thủ tướng Merkel cũng nhấn mạnh vai trò của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) trong việc giám sát thực thi thỏa Minsk, song bày tỏ quan ngại khi khả năng thi hành nhiệm vụ của tổ chức này luôn đã bị cản trở. Bà kêu gọi cùng hợp tác chặt chẽ với Nga nhằm đẩy mạnh hơn nữa vai trò của OSCE. 

Lãnh đạo các nước Pháp, Đức và Ukraine trong cuộc thảo luận

Lãnh đạo các nước Pháp, Đức và Ukraine trong cuộc thảo luận

Thủ tướng Merkel cũng nhấn mạnh việc tiến hành cải cách hiến pháp và bầu cử ở Ukraine sẽ góp phần đi tới một giải pháp chính trị nhằm chấm dứt các cuộc đụng độ đẫm máu ở nước này. Trong tuần qua, các chuyên gia của nhóm Normandy cũng đã tiến hành một cuộc thảo luận về vấn đề cải cách hiến pháp, song các bên chưa đi tới một quan điểm thống nhất. Theo bà Merkel, tiến hành bầu cử Quốc hội ở Ukraine sẽ là một trong những “vấn đề then chốt” và phải được thực hiện theo các quy định của OSCE. 

Về phần mình, Tổng thống Pháp Hollande lên tiếng phê phán việc các bên xung đột không tôn trọng các điều khoản trong thỏa Minsk, nhấn mạnh rằng cần phải coi thỏa hoà bình này là nền tảng cho tiến trình hoà bình ở Ukraine. Trong khi đó, Tổng thống Poroshenko cũng khẳng định thỏa Minsk là lựa chọn duy nhất nhằm tìm kiếm lối thoát cho cuộc khủng hoảng, trong đó cần phải ngừng bắn ngay lập tức, rút toàn bộ vũ khí hạng nặng và tạo điều kiện hoạt động cho các chuyên gia OSCE. 

Ngoài các vấn đề trên, tại cuộc gặp ở Berlin, lãnh đạo Đức, Pháp và Ukraine cũng thảo luận về việc thúc đẩy hỗ trợ nhân đạo ở Ukraine, việc trả tự do cho các tù nhân và mối quan hệ thương mại giữa Ukraine với Nga. Cuộc gặp này được xem mang ý nghĩa biểu tượng, bởi trong thời gian chưa đầy một giờ, lãnh đạo 3 nước sẽ khó có thể giải quyết những nguyên nhân cản trở việc thực thi thỏa Minsk. Hơn nữa, cuộc gặp lại không có sự tham dự của Nga, một trong 4 quốc gia trong “Nhóm Normandy."

Trước cuộc gặp của 3 nhà lãnh đạo, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier tuyên bố rằng cần phải cải thiện mối quan hệ với Nga, bởi “chỉ có thể có được trật tự hoà bình ở châu Âu nếu có sự tham gia của Moskva”.

Trang Mạc (T/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang