Tọa đàm trực tuyến ‘Năng suất xanh - nền tảng cho phát triển bền vững’

author 07:51 23/08/2024

(VietQ.vn) - Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Năng suất xanh - nền tảng cho phát triển bền vững” do Tạp chí Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) tổ chức diễn ra vào 7h30 ngày 23/08/2024.

MC: Xin kính chào quý vị và các bạn, Mời quý vị cùng theo dõi chương trình Tọa đàm trực tuyến của Chất lượng Việt Nam!

Hiện nay, biến đổi khí hậu không chỉ là thách thức của một quốc gia mà đang trở thành vấn đề cấp bách trên phạm vi toàn cầu, gây ảnh hưởng đến các lĩnh vực của đời sống xã hội. Mỗi quốc gia, tổ chức, cá nhân cần có những hành động thiết thực nhằm ngăn chặn hệ quả từ biến đổi khí hậu.

Tại COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Điều này thể hiện sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị hướng đến xanh hóa và phát triển bền vững.

Theo đó, năng suất xanh (Green Productivity - GP) được phát triển như một chiến lược nhằm nâng cao năng suất gắn liền với bảo vệ môi trường. Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) khẳng định, chiến lược năng suất xanh kết hợp các giải pháp, công cụ, kỹ thuật, công nghệ quản lý năng suất và môi trường để mang đến lợi ích kép, vừa bảo vệ môi trường, vừa nâng cao lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Song hành với cơ hội, việc áp dụng năng suất xanh cũng là thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp Việt Nam. Nhằm mang đến cái nhìn tổng quan về năng suất xanh cũng như bàn luận sâu hơn vấn đề dưới góc nhìn của chuyên gia và doanh nghiệp, Tạp chí Chất lượng Việt Nam tổ chức tọa đàm trực tuyến “Năng suất xanh - nền tảng cho phát triển bền vững” với sự tham gia của các khách mời:

- Ông Nguyễn Văn Khôi – Trưởng Ban Tiêu chuẩn – Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia - Bộ Khoa học và Công nghệ.

- Bà Nguyễn Thu Hiền – Phó Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam – Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia – Bộ Khoa học và Công nghệ.

- Ông Nguyễn Hữu Tú – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Miza.

Cảm ơn các vị khách mời đã dành thời gian tham gia chương trình!

Các vị khách mời tham gia chương trình tọa đàm.

MC: Câu hỏi đầu tiên xin dành cho ông Nguyễn Văn Khôi – Trưởng ban Tiêu chuẩn - Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia. Thưa ông, ông có thể chia sẻ quan điểm của mình về năng suất xanh và vai trò của năng suất xanh đối với phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam?

Ông Nguyễn Văn Khôi: Xu thế hiện nay, vấn đề năng suất xanh vô cùng quan trọng với phát triển kinh tế của quốc gia. Chúng ta có thể thấy rất nhiều chính sách của Chính phủ đã định hướng phát triển năng suất. Đây không chỉ là vấn đề phát triển nội tại mà là thách thức của mỗi doanh nghiệp, đặc biệt khi doanh nghiệp xuất khẩu phải đảm bảo tiêu chí về phát triển xanh. Như ngành thép khi xuất sang Châu Âu phải theo cơ chế CBAM là giảm phát thải, hay các hãng hàng không lớn bay quốc tế phải giảm thiểu nhiên liệu hóa thạch sang nhiêu liệu sạch.

Ông Nguyễn Văn Khôi - Trưởng Ban Tiêu chuẩn - Ủy ban TCĐLCL Quốc gia.

Có thể thấy, năng suất xanh sẽ giúp chúng ta phát triển ổn định hơn, bảo vệ môi trường thông qua việc giảm thiểu nhiên liệu hóa thạch sang tái sử dụng nhiên liệu.

MC: Thưa bà Hiền, trong bối cảnh công nghiệp hóa đang diễn ra nhanh chóng, việc áp dụng năng suất xanh sẽ đem lại lợi ích như thế nào cho doanh nghiệp? Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia đã và đang có những giải pháp gì để thúc đẩy doanh nghiệp áp dụng năng suất xanh?

Bà Nguyễn Thu Hiền: Trong bối cảnh hiện nay, khi tốc độ kinh tế, tốc độ đô thị hóa và công nghiệp phát triển rất nhanh thì năng suất xanh đang là một trong những mục tiêu chiến lược của quốc gia. Vấn đề năng suất xanh cũng phải trở thành một trong những vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm. Bởi doanh nghiệp nào cũng cần tăng năng suất, doanh thu. Tuy nhiên, bảo vệ môi trưởng đang là vấn đề cấp thiết và quan trọng cho chính doanh nghiệp.

Để tiếp cận năng suất xanh, doanh nghiệp cần nghiên cứu, tăng cường hiểu biết trong việc áp dụng tiêu chí xanh hay mục tiêu xanh đối với luật định, thị trường; khách hàng cũng cần trang bị cho mình kiến thức, nguồn nhân lực để thực hiện năng suất xanh ờ doanh nghiệp.

Những năm gần đây, Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quốc gia đã và đang tăng cường các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về năng suất xanh như: Tăng cường hội nghị, hội thảo, truyền thông giúp doanh nghiệp tiếp cận sâu hơn với năng suất xanh. Cung cấp các khóa đào tạo để doanh nghiệp có thêm kiến thức, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Năng suất xanh cũng đang là một trong những nội dung rất quan trọng trong chương trình Quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất sản phẩm hàng hóa, theo đó hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện giải pháp năng xuất xanh cũng như trong Quyết định 36 của Thủ tướng Chính phủ về năng cao năng suất chất lượng dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

MC: Động lực nào thúc đẩy doanh nghiệp của ông chuyển đổi sang mô hình năng suất xanh? Có thể thấy năng suất xanh mang đến cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp trong quá trình hướng tới phát triển bền vững, tuy nhiên khi tiến hành áp dụng doanh nghiệp đã gặp những rào cản, thách thức như thế nào?

Ông Nguyễn Hữu Tú: Năng suất xanh hay còn gọi là Green Productivity, là khái niệm kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Thay vì chỉ tập trung vào việc tăng sản lượng, năng suất xanh hướng đến tối ưu hóa quá trình sản xuất để vừa đạt hiệu quả kinh tế cao, vừa giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Đối với doanh nghiệp chúng tôi, động lực để chuyển đổi sang mô hình năng suất xanh đó là: Khách hàng ngày càng quan tâm đến các sản phẩm thân thiện với môi trường; Các chính sách khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ sạch, giảm thiểu ô nhiễm; Các quy định về bảo vệ môi trường ngày càng chặt chẽ; Đặc biệt chúng tôi ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và đóng góp cho cộng đồng; Có cơ hội tiếp cận các nguồn tài chính ưu tiên cho doanh nghiệp có các dự án thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, việc áp dụng mô hình năng suất xanh với doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Miza nói riêng vẫn đang đối mặt một số rào cản, thách thức: Chi phí đầu tư vào công nghệ đòi hỏi nhiều vốn, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đáp ứng được; Khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; Nhiều doanh nghiệp vẫn thiếu nhân lực có kiến thức, kỹ năng về năng suất xanh, dẫn đến khó khăn trong việc triển khai và vận hành;

Thông tin về công nghệ mới, các giải pháp năng suất xanh chưa được phổ biến rộng rãi, khiến doanh nghiệp khó tìm kiếm và lựa chọn; Nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm xanh đã tăng nhưng nhu cầu chưa thực sự lớn. Và giá thành sản phẩm xanh thường cao hơn cũng là yếu tố khiến người tiêu dùng e ngại khi lựa chọn sản phẩm; Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình năng suất xanh chưa rõ ràng và chi tiết.

Ông Nguyễn Hữu Tú – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Miza.

MC: Những chính sách và quy định hiện tại có đủ để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang năng suất xanh không? Doanh nghiệp cần làm gì để có thể áp dụng năng suất xanh, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Khôi: Năng suất xanh rất quan trọng và cũng là vấn đề rất áp lực, đặc biệt đối với doanh nghiệp xuất khẩu. Hiện có đến 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì vậy rất khó khăn khi áp dụng công nghệ liên quan đến năng suất xanh. 

Về phía Ủy ban TCĐLCL Quốc gia, liên quan đến chính sách, về khung cơ bản đã đầy đủ, các cơ chế hỗ trợ ưu tiên doanh nghiệp cần hoàn thiện hơn nữa để đảm bảo thiết thực, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.

MC: Hiện doanh nghiệp đã và đang áp dụng thành công các công cụ cải tiến và tiêu chuẩn nào để xây dựng hệ thống năng suất xanh. Quá trình áp dụng năng suất xanh mang lại cho doanh nghiệp kết quả cụ thể như thế nào?

Ông Nguyễn Hữu Tú: Chúng tôi cũng đang từng bước chuyển đổi sang mô hình năng suất xanh. Việc triển khai được Ban lãnh đạo quan tâm và có định hướng cụ thể.

Việc đầu tiên là sử dụng toàn bộ nguyên liệu tái chế vào hoạt động sản xuất; Sử dụng hệ thống điện tái tạo trong việc sản xuất; Ứng dụng và cải tiến về công nghệ trong sản xuất; Sử dụng công nghệ vi sinh trong xử lý nước thải; Tuân thủ một số quy trình của các chuỗi bán hàng toàn cầu.

Ví dụ, chúng tôi chuẩn hóa quy trình theo bộ tiêu chí IWAY và IMUST của IKEA - tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới. Thời gian vừa qua IKEA lựa chọn và đánh giá một số nhà máy giấy tại Việt Nam để phát triển thêm các nhà cung cấp của họ, MIZA là đơn vị có tỷ lệ phát thải khí CO2 thấp nhất và tiêu tốn điện năng trong top 2.

Việc áp dụng mô hình năng suất xanh mang lại cho chúng tôi rất nhiều lợi ích như: Tiếp cận được nguồn tín dụng xanh; Trở thành nhà cung cấp của Tập đoàn IKEA; Tiếp cận được nhiều công nghệ hiện đại và tiên tiến; Được nhiều đối tác trong và ngoài nước biết đến.

MC: Viện Năng suất Việt Nam thuộc Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia đã thực hiện Chương trình về năng suất xanh thông qua các dự án do Tổ chức Năng suất châu Á (APO) tài trợ. Hiện, quá trình hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng năng suất xanh đã và đang diễn ra như thế nào? Trong quá trình triển khai Viện Năng suất có gặp phải những vướng mắc gì không?

Bà Nguyễn Thu Hiền - Phó Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam.

Bà Nguyễn Thu Hiền: Viện Năng suất Việt Nam thực hiện các chương trình, dự án điểm về năng suất trước những năm 2000. Dưới sự hỗ trợ của Tổ chức Năng suất Châu Á chúng tôi đã hỗ trợ cho cả các đối tượng là cộng đồng, hợp tác xã cũng như doanh nghiệp sản xuất.

Những năm gần đây, khi vấn đề chuyển đổi xanh, trách nhiệm xã hội liên quan đến bảo vệ môi trường, giảm sử dụng năng lượng hóa thạch cũng như nguyên liệu khác được đẩy mạnh thì Viện Năng suất Việt Nam cũng tăng cường hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp theo định hướng chung của Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia. Chúng tôi cũng tổ chức nhiều khóa đào tạo tăng cường nguồn nhân lực cho tiếp cận năng suất xanh. Theo tôi, mỗi doanh nghiệp cần có giải pháp khác nhau để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Chúng tôi cũng tổ chức tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm doanh nghiệp áp dụng thành công năng suất xanh để đưa ra kiến thức, tài liệu, thông tin liên quan để doanh nghiệp tham khảo. Trong quá trình hỗ trợ doanh nghiệp như vậy chúng tôi nhận thấy cần có thêm sự đồng hành của cơ quan ban ngành liên quan. Ví dụ vấn đề hỗ trợ về tiêu chí xanh, mỗi ngành có tiêu chí khác nhau hoặc hỗ trợ liên quan đến phát triển năng lực chuyên gia.

Hiện nay ở địa phương, năng suất xanh được nói đến rất nhiều, thế nhưng năng lực của chuyên gia nhất là chuyên gia về năng suất xanh mảng đào tạo, tư vấn còn có hạn chế nhất định. Chúng tôi cũng mong muốn có thêm những chương trình hỗ trợ khác như có mạng lưới hỗ trợ mua hàng xanh để kết nối sự chung tay của khách hàng, cộng đồng quan tâm...

MC: Hiệu quả của năng suất xanh mang lại cho doanh nghiệp là rất lớn, không chỉ giúp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động cho doanh nghiệp mà còn hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường và tăng trưởng bền vững. Cần làm gì để thúc đẩy áp dụng năng suất xanh tại doanh nghiệp, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Khôi: Năng suất xanh là khái niệm chung và cũng có rất nhiều khái niệm khác tương đồng phát triển rất mạnh liên quan đến kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ. Khi doanh nghiệp phát triển sản xuất, mở rộng thị trường sẽ gặp khía cạnh về công tác tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Vấn đề đặt ra khi doanh nghiệp muốn vay vốn, muốn phát triển, muốn được hỗ trợ… gặp phải câu hỏi là tiêu chí nào, cơ sở nào đánh giá khẳng định doanh nghiệp đã áp dụng kinh tế tuần hoàn hay năng suất xanh để đủ điều kiện thực hiện được những vấn đề trên, đây chính là bài toán lớn.

Về khía cạnh tiêu chuẩn, chúng tôi đã chủ động nghiên cứu theo Quyết định 678/QĐ-CP liên quan phát triển một số tiêu chuẩn giúp cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước có tiêu chí để đánh giá, đo lường, hướng dẫn cho doanh nghiệp để đánh giá về năng suất.

Gần đây chúng tôi cũng phối hợp với Viện Năng suất Việt Nam xây dựng tiêu chuẩn liên quan đến tiêu chí đánh giá và có khung kỹ thuật bài bản để giúp cho doanh nghiệp áp dụng, khẳng định đã áp dụng năng suất xanh. 

Thực tế, khi làm có rất nhiều cấp độ khi áp dụng tiêu chí, rào cản kỹ thuật. Khi xuất khẩu, mỗi lĩnh vực sẽ có tiêu chí riêng, chính vì vậy, chúng tôi đang phát triển các tiêu chuẩn chung trên cơ sở tham khảo tiêu chuẩn quốc tế đưa ra yêu cầu từ đầu vào, thiết kế và ban hành, trong đó, tâp trung 4 nhóm lớn: thứ nhất là vấn đề về thép, thứ hai vấn đề chất dẻo, thứ ba vấn đề về điện điện tử, thứ tư là vấn đề nông sản.

Dây chuyền sản xuất của Công ty Cổ phần Miza.

MC: Ông có mong muốn gì từ phía cơ quan quản lý và các tổ chức quốc tế để hỗ trợ phát triển năng suất xanh trong doanh nghiệp của mình nói riêng và doanh nghiệp tại Việt Nam nói chung?

Ông Nguyễn Hữu Tú: Đối với Miza nói riêng và các doanh nghiệp nói chung, chúng tôi rất mong muốn nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý trong nước cũng như tổ chức quốc tế để có thể áp dụng mô hình năng suất xanh trong sản xuất.

Trước tiên là vấn đề hoàn thiện khung pháp lý, chúng tôi cho rằng cần ban hành các chính sách, quy định rõ ràng về bảo vệ môi trường, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ sạch; Xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản xuất xanh, sản phẩm xanh;

Tăng cường hỗ trợ tài chính như cấp các khoản vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp đầu tư vào năng suất xanh; Đưa ra các chính sách thuế ưu đãi cho doanh nghiệp áp dụng công nghệ sạch...

Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực cho doanh nghiệp bằng việc tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo về năng suất xanh, chuyển giao công nghệ; Xây dựng các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp, cung cấp thông tin, tư vấn về năng suất xanh. Các tổ chức quốc tế tạo điều kiện về nguồn vốn ODA cho doanh nghiệp có dự án năng suất xanh. Tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam kết nối với doanh nghiệp và tổ chức quốc tế khác. Phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm xanh;…

Đồng thời, bản thân doanh nghiệp cũng phải chủ động tìm hiểu, áp dụng các giải pháp năng suất xanh, xây dựng kế hoạch hành động cụ thể.

MC: Năng suất xanh và kinh tế tuần hoàn đang là mục tiêu hướng tới của mọi nền kinh tế, vậy chúng có mối quan hệ như thế nào đối với sự phát triển bền vững thưa bà?

Bà Nguyễn Thu Hiền: Năng suất xanh và kinh tế tuần hoàn có cùng mục tiêu là bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, các kĩ thuật, công cụ trong quá trình thực hiện có những cách khác nhau. Năng suất xanh là khái niệm khá bao trùm còn kinh tế tuần hoàn lại đòi hỏi không chỉ sự nỗ lực của doanh nghiệp mà cả các khu công nghiệp hay nói xa hơn là cả nền kinh tế.

Cả hai khái niệm hiện nay khi đưa ra mục tiêu để thực hiện cũng như hướng tới mục tiêu chung cần sự nỗ lực của tất cả các bên liên quan từ cơ quan quản lý là các bộ, ngành, cơ quan nhà nước trong việc đưa ra quy định về pháp luật cụ thể hơn để doanh nghiệp có thể làm được, nắm bắt được. Ngoài ra, rất cần sự tham gia của các cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật, công nghệ để doanh nghiệp lựa chọn và áp dụng cũng như nâng cao năng suất, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

MC: Thưa quý vị và các bạn, qua cuộc trao đổi cùng các vị khách mời hôm nay có thể thấy năng suất xanh không chỉ mang lại hiệu quả về năng suất, gắn với sự phát triển của doanh nghiệp mà còn gắn với yếu tố môi trường, mang lại sự phát triển bền vững trong tương lai.

Hy vọng rằng những thông tin được chia sẻ sẽ giúp doanh nghiệp, các bên liên quan hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của năng suất xanh và cùng nhau xây dựng một tương lai bền vững hơn.

Một lần nữa xin cảm ơn các vị khách mời đã dành thời gian tham gia chương trình của Chất lượng Việt Nam, cảm ơn quý vị và các bạn đã quan tâm theo dõi.

Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại!

NPV

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang