Tọa đàm trực tuyến: ‘Giải pháp nâng cao năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng kinh tế’

author 06:25 09/03/2023

(VietQ.vn) - Sáng ngày 09/03/2023, tại Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) diễn ra Chương trình tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Giải pháp nâng cao năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng kinh tế”.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh gay gắt hiện nay, việc cải thiện, nâng cao năng suất lao động là vấn đề sống còn đối với các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Tăng năng suất lao động đồng nghĩa với phát triển nhanh, bền vững, giúp nước ta thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và rút ngắn khoảng cách với các quốc gia trong khu vực.

Tuy nhiên, làm thế nào để tăng năng suất lao động, các doanh nghiệp cần những giải pháp ngắn hạn, trung hạn, dài hạn và tổng thể như thế nào?

Nhằm bàn luận sâu hơn vấn đề dưới góc nhìn của chuyên gia và doanh nghiệp, Chất lượng Việt Nam tổ chức tọa đàm trực tuyến với sự tham gia của các vị khách mời:

+ TS. Nguyễn Tùng Lâm - Phó Viện trưởng Phụ trách Viện năng suất Việt Nam - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ)

+ Ông Nguyễn Minh Quý - Tổng Giám đốc Công ty CP Quý Phát

Các vị khách mời tham gia chương trình tọa đàm trực tuyến. 

MC: Thưa ông Nguyễn Tùng Lâm! Hiện nay, năng suất lao động của Việt Nam đang được cải thiện theo chiều hướng tăng qua các năm. Tuy nhiên, xét ở khía cạnh giá trị so sánh với các nước trong khu vực, năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp. Theo ông, đâu là nguyên nhân của thực trạng này?

TS. Nguyễn Tùng Lâm: Hiện nay, khi nhìn vào vấn đề năng suất lao động của Việt Nam, chúng ta thấy rằng năng suất được tính theo công thức GDP/đầu người. Vấn đề đóng góp vào tăng năng suất bao gồm hai yếu tố, thứ nhất về tăng năng suất lao động để tăng được GDP/ đầu người, thứ hai là tăng tỷ trọng về lao động/ dân số. Bên cạnh đó, chúng ta thấy rằng để tăng năng suất lao động còn có sự góp mặt của 2 yếu tố nữa đó là tăng trang bị vốn cho lao động và tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP).

Ở Việt Nam, đối với tăng TFP chính là việc chuyển hóa những kinh nghiệm, đổi mới công nghệ, kiến thức sáng tạo vào lao động để tăng năng suất. Tuy nhiên, vấn đề này nếu so với các nước trong khu vực thì chúng ta vẫn có những điểm cần phải cải thiện.

Còn trong thực tiễn, để tăng năng suất lao động có rất nhiều yếu tố khác nhau như chuyển dịch cơ cấu, chuyển dịch nội ngành,... và để đóng góp vào tăng năng suất lao động quốc gia nói chung thì các vấn đề về TFP, khoa học công nghệ là những yếu tố vô cùng quan trọng.

TS. Nguyễn Tùng Lâm. 

MC: Ở góc độ doanh nghiệp, tăng NSLĐ giúp tạo ra lợi nhuận lớn hơn và thêm cơ hội đầu tư mở rộng sản xuất. Đối với người lao động tăng NSLĐ dẫn tới lương cao hơn và điều kiện làm việc tốt hơn. Về lâu dài, tăng NSLĐ có ý nghĩa quan trọng tạo việc làm cho người lao động. Ông nhìn nhận gì về thực trạng NSLĐ tại các doanh nghiệp, đặc biệt là DN vừa và nhỏ Việt Nam hiện nay?

Ông Nguyễn Minh Quý: Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh gay gắt như hiện nay, việc cải thiện, thúc đẩy tăng năng suất lao động là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và từng doanh nghiệp. Đây là vấn đề sống còn đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, vì tăng năng suất lao động đồng nghĩa với phát triển nhanh, bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, đưa người lao động có thu nhập cao hơn và rút ngắn khoảng cách với các quốc gia trong khu vực.

Theo tôi, thực trạng năng suất lao động của Việt Nam đã được cả thiện đáng kể trong những năm gần đây, điều này được chứng minh qua các con số, bình quân NSLĐ đều có xu hướng tăng qua các năm từ 2010- nay.

Tuy nhiên, NSLĐ của Việt Nam hiện vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực, đáng chú ý là khoảng cách chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng. Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đã được ông Lâm chia sẻ và để khắc phục tình trạng này tôi nghĩ đó là cả quá trình, sự nỗ lực của cả bộ máy. Tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa NSLĐ được cải tiến nhưng chưa đáng kể, chất lượng lao động chưa thực sự tốt, hiệu quả lao động chưa được tận dụng, khai thác một cách triệt để.

MC: Năng suất, chất lượng, hiệu quả từng ngành cũng như sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa phụ thuộc rất lớn vào trình độ công nghệ nhưng đến nay việc sử dụng công nghệ ở nước ta vẫn còn lạc hậu và xếp vào hàng thấp nhất khu vực ASEAN, vậy chúng ta cần có giải pháp gì để khắc phục điểm nghẽn trên?

TS. Nguyễn Tùng Lâm: Phải khẳng định rằng với một doanh nghiệp thì vấn đề công nghệ luôn được coi là “xương sống” giúp doanh nghiệp phát triển và tăng năng suất lao động. Nhưng tại Việt Nam, việc quản trị công nghệ của doanh nghiệp còn yếu và năng lực quản trị của đội ngũ cán bộ doanh nghiệp chưa theo kịp tốc độ đổi mới về công nghệ.

Chính vì vậy, “điểm nghẽn” ở đây chính là công nghệ vào rất nhanh nhưng năng lực để làm chủ công nghệ còn thấp. Do đó, để khắc phục được vấn đề trên thì yếu tố quan trọng vẫn là cần nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ doanh nghiệp.

MC: Thế mạnh của Công ty Cổ phần Quý Phát là gì? Hoạt động ở lĩnh vực gia dụng thì việc nâng cao chất lượng nguồn lao động được doanh nghiệp quan tâm và cải tiến như thế nào trước áp lực cạnh tranh từ rất nhiều thương hiệu khác?

Ông Nguyễn Minh Quý: Thế mạnh của Công ty Quý Phát trước tiên là đội ngũ phát triển sản phẩm hùng hậu; tiếp theo là hệ thống cung ứng tốt; hệ thống phân phối, kênh phân phối trải dài khắp Việt Nam; đặc biệt Quý Phát có lịch sử hình thành và phát triển trên 10 năm.

Theo tôi không chỉ trong lĩnh vực gia dụng mà trên mọi lĩnh vực, việc nâng cao chất lượng nguồn lao động cũng cần được quan tâm và cải tiến để đáp ứng nhu cầu của thị trường, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Minh Quý. 

Hiện tại ở Quý Phát đã áp dụng rất nhiều biện pháp để có thể cải thiện NSLĐ một cách tối ưu như đào tạo lao động có tay nghề, chuyên môn cao: Áp dụng đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ trong quá trình sản xuất, áp dụng các công cụ cải tiến nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa. Cùng với đó đội ngũ quản lý, nhà lãnh đạo cũng phải có chiến lược sử dụng lao động một cách hiệu quả.

MC: Cải thiện và thúc đẩy tăng NSLĐ là một trong những vấn đề cốt lõi đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay, đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh gay gắt, NSLĐ chính là yếu tố quyết định tới năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp. Vậy chúng ta cần làm gì để thoát khỏi “vùng trũng” của việc NSLĐ đứng trong top thấp của khu vực?

TS. Nguyễn Tùng Lâm: Để thoát được “vùng trũng” năng suất lao động là vấn đề khá bao trùm, bởi cần các chính sách từ cấp độ vĩ mô. Ví dụ như tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển dịch lao động sang khu vực công nghiệp, dịch vụ đòi hỏi phải có những chính sách mới, tổng thể, từ các cấp độ khác nhau.

Khu vực doanh nghiệp được xem là “tế bào” của nền kinh tế giúp tăng năng suất lao động, thì “vùng trũng” của doanh nghiệp chính là vấn đề làm chủ công nghệ, đồng thời năng lực quản trị của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay cần nâng cấp hơn nữa mới đáp ứng được yêu cầu thực tế.

MC: Là doanh nghiệp từng đạt giải thưởng Chất lượng Quốc gia, Công ty Cổ phần Quý Phát đã áp dụng công nghệ, giải pháp nâng cao năng suất chất lượng như thế nào để nâng cao hiệu quả sản xuất, khả năng cạnh tranh trên thị trường, thưa ông?

Ông Nguyễn Minh Quý: Rất vinh dự khi Quý Phát được giải thưởng Chất lượng Quốc gia. Nhờ giải thưởng đã giúp Qúy Phát khẳng định giá trị thương hiệu, chất lượng sản phẩm trên thị trường.

Theo tôi, 7 tiêu chí của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia rất khoa học và chặt chẽ, giúp doanh nghiệp có thể kiểm tra, rà soát quy trình quản trị về nguồn nhân lực, quy trình sản xuất và kiểm soát chất lượng đầu vào, đầu ra sản phẩm, dịch vụ sau bán hàng…

Chúng tôi vẫn luôn không ngừng nghỉ mỗi ngày để đưa con tàu Quý Phát vươn lên tầm thế giới.

Đội ngũ lãnh đạo tại Quý Phát xác định chiến lược kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế và sở trường, năng lực tài chính của doanh nghiệp.

Đổi mới tư duy để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động thông qua việc ứng dụng công nghệ quản lý tiên tiến trên thế giới có điều chỉnh cho phù hợp với đặc thù và văn hóa của doanh nghiệp.

Trong công ty, chúng tôi luôn luôn tự giác và nhận thấy lãnh đạo phải là tấm gương, là những người tiên phong để đưa Quý Phát ngày một phát triển. Chúng tôi luôn nhắn gửi toàn bộ cán bộ, công nhân viên không ngừng phát triển, phấn đấu. Chúng tôi thường xuyên tổ chức những khóa đào tạo cho cán bộ, công nhân viên để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Ngoài ra, sử dụng các loại phương tiện, máy móc hỗ trợ hiện đại giúp tăng năng suất, giảm giờ làm, giảm quá trình lỗi sản phẩm trong các công đoạn sản xuất. Nhờ những cải tiến không ngừng nghỉ mà chúng tôi vẫn đứng vững trên thị trường, vượt qua 2 năm đại dịch Covid-19 vô cùng khó khăn và chúng tôi rất tự hào khi 2 năm liên tiếp đạt được giải thưởng Chất lượng Quốc gia do Thủ tướng trao tặng.

MC: Theo đánh giá của các chuyên gia, những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực mạnh mẽ trong việc cải thiện NSLĐ cả về giá trị và tốc độ, nhưng để bắt kịp các nước trong khu vực, theo ông chúng ta cần những đột phá gì?

TS. Nguyễn Tùng Lâm: Đột phá là yếu tố quan trọng giúp chúng ta “bật” lên từ thực trạng hiện nay để đạt được những cột mốc mới. Trong đó, theo tôi có một vấn đề mà thời gian qua chúng ta đã được nghe nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng đó chính là đổi mới sáng tạo. Đây không phải khẩu hiệu mà là hành động, cũng là xu hướng trên thế giới và Việt Nam đang bắt nhịp với xu hướng này. Các báo cáo đánh giá về xếp hạng đều cho thấy chỉ số đổi mới sáng tạo của nước ta đã tăng lên. Nếu không có đổi mới sáng tạo thì không có đột phá.

MC: Từ những kinh nghiệm thực tế tại Quý Phát, theo ông đâu là vấn đề cốt lõi để tăng năng suất cũng như chất lượng sản phẩm hàng hóa trước khi đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng?

Ông Nguyễn Minh Quý: Theo tôi có rất nhiều vấn đề để tăng trưởng năng suất lao động trong doanh nghiệp. Chúng ta có thể kể đến chất lượng nguồn nhân lực, công nhân tay nghề cao, có chuyên môn tốt sẽ mang lại sản phẩm tốt, thời gian làm việc nhanh, ít sai lỗi….
Đội ngũ lãnh đạo có chiến lược và thực thi chiến lược nâng cao NSLĐ thông qua chú trọng tăng trưởng dựa vào tri thức và công nghệ; tập trung đầu tư nâng cao năng lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, quản trị doanh nghiệp.

Hiện tại khoa học công nghệ đang phát triển, nếu không nhanh chúng ta sẽ rất dễ bị tụt hậu, việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất sẽ làm giảm sai lỗi, giảm thời gia làm việc rất nhiều. Một điều nữa theo tôi góp phần tăng năng suất và chất lượng sản phẩm chính là chế độ đãi ngộ đối với lao động. Bên cạnh nâng cao năng suất thì chất lượng sản phẩm vẫn phải được chú trọng để doanh nghiệp tồn tại và phát triển.

MC: Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách để năng cao năng suất nền kinh tế, trong đó có Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình 1322). Đến thời điểm hiện tại, Chương trình đã đạt được những kết quả gì thưa ông?

TS. Nguyễn Tùng Lâm: 1322 là Chương trình tiếp theo của Chương trình 712 trước đây. Về kết quả đạt được trong giai đoạn 10 năm trước chúng ta phải kể đến là đã xây dựng được nền văn hóa về năng suất chất lượng cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cách thức nhìn nhận về phương pháp quản lý, phương pháp quản trị, phương thức về đổi mới, cải tiến liên tục đã được các doanh nghiệp nhìn nhận một cách rõ nét và hấp thụ tốt hơn.

Đối với Chương trình 1322 hiện nay ngoài vấn đề doanh nghiệp thì việc nâng cao năng lực cho các đội ngũ chuyên gia năng suất là nền tảng cho cải thiện năng suất dài hạn. Chương trình cũng đặt ra được các mục tiêu xây dựng các nội dung đào tạo cho các khu vực trường Đại học, Viện nghiên cứu... để tạo nền tảng lâu dài, bền vững cho vấn đề năng suất của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.

MC: Được biết, với vai trò là đơn vị chủ trì Chương trình 1322, Tổng cục TCĐLCL đang có kế hoạch tổ chức phối hợp với Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH đào tạo cho sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng, trường nghề trên cả nước về năng suất. Xin ông cho biết, kế hoạch này đang được thực hiện ra sao?

TS. Nguyễn Tùng Lâm: Đào tạo là một vấn đề mới, trọng tâm của Chương trình 1322 trong giai đoạn này. Về phía Tổng cục đang xây dựng các nội dung để phối hợp cùng một số trường đại học như Đại học Ngoại thương, Đại học Quốc gia TP.HCM... xây dựng các giáo trình đào tạo cho sinh viên các trường như một ngành học mới về năng suất chất lượng, xây dựng các câu lạc bộ về năng suất chất lượng...

Đồng thời, chúng tôi cũng phối hợp với các trường nghề để đào tạo cho đội ngũ chuyên gia tại các địa phương, tất cả có sự phối hợp nhịp nhàng nhằm xây dựng nền tảng chương trình năng suất chất lượng.

MC: Tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên đang là xu thế tất yếu. Tại Quý Phát, doanh nghiệp đang định hướng tới mục tiêu này ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Minh Quý: Theo tôi, nền kinh tế xanh mở ra thời kỳ tăng trưởng cao dựa trên đổi mới sáng tạo và sử dụng hiệu quả tài nguyên, tạo cơ hội phát triển cho tất cả các thành phần xã hội.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những thành tựu đột phá đang làm thay đổi cơ bản cách thức sản xuất, kinh doanh và tương tác giữa con người. Các nền kinh tế kết nối với nhau chặt chẽ và dần hình thành những nền kinh tế số với giá trị gia tăng cao dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đầu tư cho tăng trưởng là con đường thiết thực và hiệu quả. Tại Quý Phát, đội ngũ lãnh đạo đưa ra chiến lược áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

MC: Thưa quý vị và các bạn!

Có thể thấy sau hơn 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình và đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, đến nay nền kinh tế vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và còn khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực. Để tránh nguy cơ tụt hậu và vượt qua bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần tập trung chuyển sang mô hình tăng trưởng theo chiếu sâu - dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả, trong đó trọng tâm là cải thiện năng suất lao động để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong tương lai.

Một lần nữa xin cảm ơn TS Nguyễn Tùng Lâm và ông Nguyễn Minh Quý đã dành thời gian tham gia chương trình của chúng tôi ngày hôm nay.

Cảm ơn quý vị và các bạn đã quan tâm theo dõi, xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại!

NPV

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang