Tọa đàm trực tuyến: ‘Nâng cao chất lượng đào tạo chuyên gia, thúc đẩy phong trào năng suất tại Việt Nam’

author 14:28 05/11/2024

(VietQ.vn) - Chiều ngày 05/11/2024, tại Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) diễn ra Chương trình tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Nâng cao chất lượng đào tạo chuyên gia, thúc đẩy phong trào năng suất tại Việt Nam”.


MC: Xin kính chào quý vị và các bạn, Mời quý vị cùng theo dõi chương trình Tọa đàm trực tuyến của Chất lượng Việt Nam!

Sau 38 năm đổi mới, Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình và đang đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của Việt Nam đề ra mục tiêu tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 6,5%/năm.

Việt Nam cũng xác định quan điểm về đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng "Chuyển dần từ dựa vào gia tăng số lượng các yếu tố đầu vào của sản xuất sang dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo". Đây chính là những định hướng quan trọng và rất thách thức với một nước đang phát triển như Việt Nam.

Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn đang gặp nhiều thách thức như thiếu nguồn lực con người, năng lực quản lý... Do đó, Việt Nam cần có chính sách phát triển nguồn nhân lực, tạo môi trường thuận lợi không chỉ cho doanh nghiệp trong nước mà còn cả doanh nghiệp ngoài nước phát triển.

Đồng thời cần tăng cường đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D), tăng cường liên kết giữa cơ quan nghiên cứu và doanh nghiệp, hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, cần thống nhất chương trình đào tạo, bảo đảm tiếp cận nhân lực chất lượng và bình đẳng, tăng cường tính minh bạch.

Vì vậy, việc xây dựng hệ thống chuyên gia năng suất được xem là yêu cầu cấp bách giúp doanh nghiệp tiếp cận các kiến thức năng suất một cách bài bản.

Nhằm phân tích, thảo luận sâu hơn về vấn đề nêu trên, Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) tổ chức tọa đàm trực tuyến chủ đề "Nâng cao chất lượng đào tạo chuyên gia, thúc đẩy phong trào năng suất tại Việt Nam". Chương trình có sự tham gia của các vị khách mời:

+ Ông Nguyễn Tùng Lâm – Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam - Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia;

+ Bà Màn Thuỳ Giang - Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam - Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia;

+ Bà Đào Thị Minh Phượng - Giảng viên Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công Thương Trung ương, Chuyên gia Tư vấn của Bộ Công Thương.

Các vị khách mời tham gia chương trình tọa đàm.

MC: Câu hỏi đầu tiên xin dành cho ông Nguyễn Tùng Lâm – Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam - Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia. Thưa ông, theo nhiều khảo sát đánh giá năng suất chất lượng nước ta còn nhiều hạn chế so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Thực trạng về việc tiếp cận và áp dụng nâng cao năng suất của các doanh nghiệp tại Việt Nam đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ còn yếu, đâu được xem là nguyên nhân cho những hạn chế về năng suất tại nước ta?

Ông Nguyễn Tùng Lâm: Trên thực tiễn và qua nghiên cứu chúng tôi thấy rằng, vấn đề tiếp cận với những phương pháp cải tiến năng suất với doanh nghiệp, đặc biệt với doanh nghiệp vừa và nhỏ về quy mô rất là ít cán bộ. Còn thiếu và yếu những cơ hội tiếp cận nguồn thông tin, kiến thức trong nâng cao năng lực về nhận biết cũng như phân tích đánh giá những hoạt động cải tiến năng suất doanh nghiệp còn yếu. Đây chính là những hạn chế của doanh nghiệp.

Trong yếu tố nâng cao năng suất thì việc đo lường các chỉ số năng suất là rất quan trọng. Đặc biệt, trình độ công nghệ cũng là vấn đề khó khăn đối với doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Để tìm cơ hội nâng cao năng suất, doanh nghiệp cần quan tâm đến kỹ năng của người lao động để toàn bộ lao động trong doanh nghiệp có thể hiểu và thực hiện được các kỹ năng cơ bản, ứng dụng cải tiến trong nâng cao năng suất.

Với các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài thì việc tiếp cận các chương trình năng suất tốt hơn với các doanh nghiệp trong nước.

Ông Nguyễn Tùng Lâm – Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam - Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia

MC: Thưa ông Lâm, có thể thấy 1 trong những nguyên nhân khiến năng suất nước ta còn hạn chế là do các doanh nghiệp chưa được tiếp cận với năng suất một cách bài bản. Theo ông cần làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục thực trạng này?

Ông Nguyễn Tùng Lâm: Chúng tôi cũng là đơn vị phối hợp với các đơn vị khác để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận cũng như nâng cao năng suất. Theo tôi, yếu tố thiếu chuyên gia năng suất cũng là một trong những nguyên nhân khiến năng suất còn hạn chế.

Hiện nay lực lượng chuyên gia ở Việt Nam cũng được đào tạo nhiều nhưng việc phổ cập và định hướng đến các ngành, lĩnh vực và đặc biệt đến các doanh nghiệp ở địa phương còn hạn chế. Thông qua các buổi làm việc với địa phương, chúng tôi nhận thấy cơ hội tiếp cận năng suất của địa phương cũng rất lớn nhưng việc học tập còn thiếu dẫn đến nâng cao năng suất còn hạn chế.

Để doanh nghiệp khắc phục được tình trạng này cần phải tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu. Thực tế, thời gian qua chúng tôi cũng đã triển khai nhiều khóa đào tạo cùng các tổ chức để đưa kiến thức về năng suất cho các doanh nghiệp đang cần.

MC: Thưa bà Giang, việc đào tạo chuyên gia năng suất hướng tới mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tại sao cần có tiêu chuẩn đối với chuyên gia năng suất và hiện tại tiêu chuẩn chuyên gia năng suất tại Việt Nam được xây dựng dựa trên những tiêu chí nào?

Bà Màn Thùy Giang: Như thông tin ông Tùng Lâm vừa trao đổi, một trong những nguyên nhân dẫn đến động lực phát triển kinh tế là năng suất chất lượng ở nước ta còn nhiều hạn chế so với các nước trong khu vực đó là doanh nghiệp Việt Nam chưa tiếp cận được với năng suất một cách bài bản. Hướng khắc phục là cần phát triển đội ngũ chuyên gia năng suất ở các doanh nghiệp cũng như chuyên gia năng suất ở các tổ chức tư vấn hỗ trợ cho doanh nghiệp áp dụng các công cụ năng suất.

Để quản lý chất lượng của chuyên gia năng suất của Việt Nam một trong những điều không thể thiếu đó là đưa ra các tiêu chí đánh giá cho chuyên gia năng suất và đánh giá việc đáp ứng của chuyên gia năng suất theo các tiêu chí đó. Tiêu chuẩn chính là chuẩn mực và là cơ sở cho việc đánh giá năng lực cho chuyên gia năng suất tại Việt Nam.

Nhấn mạnh tầm trọng của phát triển năng suất dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tiếp nối và phát triển hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng, ngày 31/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1322/QĐ-TTg phê duyệt chương trình quốc gia về hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa giai đoạn 2021-2030, trong đó Mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực cho các hoạt động nâng cao năng suất chất lượng được thể hiện thông qua:

Giai đoạn 2021-2025: Đào tạo, chứng nhận đạt tiêu chuẩn cho khoảng 600 chuyên gia năng suất chất lượng tại các bộ, cơ quan, địa phương và doanh nghiệp;

Giai đoạn 2026-2030: Đào tạo, chứng nhận đạt tiêu chuẩn cho khoảng 1000 chuyên gia năng suất chất lượng, trong đó có khoảng 200 chuyên gia được chứng nhận đạt trình độ khu vực và quốc tế.

Bà Màn Thuỳ Giang - Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam - Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia

Đồng thời, ngày 11/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 – 2030, theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành liên quan xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá chuyên gia năng suất của Việt Nam; phát triển hệ thống chứng nhận, đào tạo chuyên gia năng suất của Việt Nam phù hợp với hệ thống tiêu chuẩn của các quốc gia tiên tiến trong khu vực.

Chính vì vậy, việc xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về chuyên gia năng suất quốc gia của Việt Nam làm căn cứ để đánh giá năng lực chuyên gia năng suất của Việt Nam hứa hẹn sẽ góp phần xây dựng được mạng lưới chuyên gia năng suất trong nước được đào tạo bài bản và được chứng nhận theo chuẩn mực quốc gia của Việt Nam, là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới nhằm đáp ứng các yêu cầu mà Thủ tướng Chính phủ đề ra.

Và thực hiện chủ trương đó, Viện Năng suất Việt Nam đã nghiên cứu và phối hợp với Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, cụ thể là Ban kỹ thuật TCVN/TC 176 về Quản lý chất lượng và Đảm bảo chất lượng đã triển khai xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam và đến ngày 12/04/2023, Bộ trưởng Bộ KHCN đã ra quyết định công bố TCVN 13751:2023 về Yêu cầu đối với chuyên gia năng suất.
Tiêu chuẩn này được xây dựng dựa trên cơ sở tham khảo tiêu chuẩn APO-PS 101:2019 Requirements for Productivity Specialists của Tổ chức Năng suất Châu Á (APO), theo đó đưa ra các yêu cầu phù hợp với các điều kiện thực tế tại Việt Nam.

MC: Thưa bà Phượng, vậy thì ứng viên cần có những yêu cầu gì để trở thành chuyên gia năng suất?

Bà Đào Thị Minh Phượng - Giảng viên Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công Thương Trung ương, Chuyên gia Tư vấn của Bộ Công Thương

Bà Đào Thị Minh Phượng: Tôi may mắn có cơ hội trải qua công việc làm chuyên gia năng suất. Thông qua đào tạo giảng dạy, nâng cao trình độ tôi nhận thấy riêng về lĩnh vực chuyên gia năng suất, còn nhiều mảng để trống.

Từ kinh nghiệm cá nhân tôi nhận thấy, để trở thành chuyên gia năng suất theo tiêu chuẩn APO, ứng viên cần có các yếu tố sau: Thứ nhất về trình độ chuyên môn, ứng viên cần tham gia khóa đào tạo, cập nhật các chương trình năng suất như: Năng suất xanh, giảm phát thải,… Thứ hai, ứng viên cần có thời gian tích lũy kinh nghiệm qua quá trình học tập, giảng dạy, tư vấn cho doanh nghiệp. Thứ ba, ứng viên cần nâng cao kỹ năng cá nhân khác. Bởi để trở thành một chuyên gia năng suất ngoài yếu tố chuyên môn, khả năng truyền đạt ứng viên cần có phẩm chất đạo đức tốt và không ngừng tìm tòi học hỏi.

Tôi đồng tình với quan điểm của ông Lâm khi nói rằng nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn nhận thức về nâng cao năng suất còn hạn chế. Một bộ phận chủ doanh nghiệp đi lên từ người công nhân nên chưa có cái nhìn tổng thể bao quát, vì vậy không duy trì được hoạt động năng suất chất lượng.

MC: Hiện có những đơn vị nào đào tạo chuyên gia năng suất tại Việt Nam? Ứng viên có thể đăng kí tham gia theo những hình thức, cách thức như thế nào thưa ông Lâm?

Ông Nguyễn Tùng Lâm: Hiện nay, chương trình đào tạo chuyên gia năng suất của chúng ta đang có 2 chương trình: Thứ nhất là chương trình đào tạo tuân theo yêu cầu tiêu chuẩn quốc tế đó là chương trình của APO. Thứ hai là tiêu chuẩn quốc gia TCVN mà chúng ta mới xây dựng nên.

Đối với cả 2 chương trình hiện nay các đơn vị của Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia có thể là những đơn vị cung cấp hoạt động đào tạo nâng cao trình độ cho các tình nguyện viên.

Đối với chương trình chứng nhận theo tiêu chuẩn của APO trong Ủy ban cũng có Văn phòng Chứng nhận chuyên gia năng suất theo chuẩn APO gọi là ViProCB.

Trên địa chỉ của Văn phòng này cũng có đường link hướng dẫn và có nội dung online để các cử nhân có thể tiếp cận và đăng kí tham gia chứng nhận đáp ứng tiêu chuẩn của APO. Còn chương trình chứng nhận của TCVN thì có thể đăng kí thông qua Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia.

Dự kiến các tổ chức đào tạo đối với chuyên gia năng suất có thể sẽ mở rộng trong nước tại các trường đại học, cũng như các viện nghiên cứu, các trung tâm đào tạo về vấn đề năng suất để tạo ra một mạng lưới chuyên gia năng suất thu hút các ứng cử viên trên toàn quốc.

MC: Xây dựng tiêu chuẩn, đào tạo chuyên gia, chuyên gia tại Việt Nam được chứng nhận có được sang nước ngoài làm chuyên gia không thưa bà Giang?

Bà Màn Thùy Giang: Các chuyên gia có thể được tham gia các chương trình đào tạo do các tổ chức đào tạo có năng lực thực hiện, đặc biệt hiện nay APO có rất nhiều chương trình đào tạo trực tuyến về các công cụ năng suất rất thuận lợi việc tham gia đối với các chuyên gia.

Theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13751:2023, chuyên gia năng suất sẽ được chứng nhận theo cấp chuyên gia là: Chuyên gia năng suất; Chuyên gia năng suất trưởng; Chuyên gia năng suất cao cấp.

Và theo lĩnh vực hoạt động chuyên môn: Tư vấn; Đào tạo; Nghiên cứu; Thúc đẩy.

Các tiêu chí cho các cấp chuyên gia và cho các lĩnh vực chuyên môn trong Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) của Việt Nam được xây dựng cơ bản dựa trên các tiêu chí tiêu chí và tương đương với tiêu chuẩn chuyên gia năng suất của APO, vì vậy chuyên gia năng suất đáp ứng yêu cầu cảu TCVN thì cũng đáp ứng các tiêu chí của APO và có thể được chứng nhận theo tiêu chuẩn của APO.

Việc hài hòa các yêu cầu của tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam với các tiêu chuẩn quốc tế như vậy cũng sẽ tạo thuận lợi cho việc thừa nhận lẫn nhau kết quả chứng nhận chuyên gia năng suất giữa các quốc gia.

Hiện nay, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia cũng đang vận hành Chương trình chứng nhận (scheme chứng nhận) chuyên gia. Theo đó chuyên gia có thể đăng ký để được chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam TCVN 13751:2023 và có thể đăng ký để được chứng nhận theo tiêu chuẩn chuyên gia năng suất của APO cho các cấp chuyên gia năng suất và chuyên gia năng suất cao cấp (Senior) và theo chương trình chứng nhận này, kết quả chứng nhận được thừa nhận trong APO.

MC: Bà đánh giá như thế nào về chương trình đào tạo chuyên gia năng suất đã được tham gia? Sau khi đạt chứng nhận bà đã hoạt động như thế nào trong lĩnh vực năng suất để chuyên gia năng suất có thể hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động của các doanh nghiệp, đơn vị?

Bà Đào Thị Minh Phượng: Theo tôi, đó là một chương trình uy tín và chất lượng mà bất kỳ một chuyên gia năng suất chất lượng nào cũng mong muốn có được. Như 7 tiêu chí vừa được chia sẻ, tôi nghĩ rất đáng để cho các chuyên gia có một tiêu chuẩn, tiêu chí để soi mình nhằm hoàn thiện bản thân.

Trước đó, tôi cũng tham gia tích cực thực hiện các công việc liên quan đến năng suất chất lượng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tôi cho rằng đối với một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) họ cũng đã biết đến các khái niệm năng suất chất lượng với các công cụ cải tiến như 5S, Kaizen, Lean,... nên việc áp dụng rất dễ và duy trì rất tốt.

Nhưng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ việc họ áp dụng năng suất chất lượng khó hơn nhiều và phải xây dựng nền tảng cho việc áp dụng năng suất chất lượng để có thời gian thay đổi.

Ngoài ra, còn một vấn đề nữa trong quá trình đi triển khai trực tiếp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà tôi nhận thấy, đó là hạn chế về liên kết đội nhóm và việc cải tiến năng suất chất lượng cho đơn vị của họ. Nếu doanh nghiệp áp dụng các khái niệm trong năng suất chất lượng như huy động toàn bộ lực lượng tham gia vào cải tiến mới có khả năng thành công nhưng nếu chỉ có một bộ phận, hay một con người, thậm chí chỉ riêng giám đốc thì không thể thành công được.

MC: Chương trình chứng nhận chuyên gia năng suất do APO xây dựng hướng tới đối tượng là các Chuyên gia làm việc trong các lĩnh vực nào? Để trở thành chuyên gia năng suất do APO chứng nhận, ứng viên cần thực hiện những yêu cầu nào?

Bà Màn Thùy Giang: Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) xây dựng và ban hành tiêu chuẩn chuyên gia năng suất APO-PS 101:2019 nhằm thực hiện kế hoạch hỗ trợ các quốc gia xây dựng mạng lưới chuyên gia năng suất trong khu vực.

Theo đó, APO tiến hành đánh giá, chứng nhận chuyên gia năng suất theo tiêu chuẩn APO-PS 101:2019 ở 4 lĩnh vực: cung cấp các dịch vụ quảng bá, đào tạo, nghiên cứu và tư vấn để thực hiện giải pháp năng suất phù hợp cho các tổ chức khách hàng.

Có 3 loại hình chứng nhận đang được áp dụng: Chuyên gia năng suất được chứng nhận của APO; Chuyên gia năng suất cao cấp được chứng nhận của APO; Chuyên gia năng suất hàng đầu được chứng nhận APO.

Các yêu cầu về năng lực của chuyên gia được xác định qua các nhóm tiêu chí:

Nhóm thứ nhất, năng lực chuyên gia. Trong đó, yêu cầu tiên quyết về năng lực: Trình độ học vấn, đào tạo chuyên môn năng suất, kinh nghiệm làm việc, xác nhận từ khách hàng; Các chuyên môn về cải tiến năng suất: Đánh giá thực trạng năng suất; giải pháp cải tiến năng suất cơ bản; giải pháp cải tiến năng suất chuyên sâu; Các kỹ năng thực hiện: Tư vấn, đào tạo, nghiên cứu, quảng bá; Các kỹ năng cá nhân: Quan hệ khách hàng, quản lý các bên liên quan, giao tiếp, quản lý nhóm.

Nhóm thứ hai, quy tắc ứng xử nghề nghiệp: gồm 15 tiêu chí quy định các quy tắc ứng xử với khách hàng, cộng đồng và thể hiện tính chuyên nghiệp trong cải tiến năng suất. Hiện nay, tiêu chuẩn APO-PS 101:2019 đã được phổ biến tới tất cả các quốc gia thuộc tổ chức Năng suất Châu Á (APO) và Việt Nam là quốc gia thành viên đã được chỉ định triển khai chương trình chứng nhận cho chuyên gia năng suất và chuyên gia năng suất cấp cap (senior) của APO.

Tại Việt Nam hiện đã có 25 chuyên gia được chứng nhận chuyên gia năng suất theo tiêu chuẩn của APO.

MC: Việc đào tạo chuyên gia năng suất sẽ mang lại những giá trị cụ thể như thế nào đối với sự phát triển kinh tế xã hội Việt Nam trong bối cảnh thách thức toàn cầu như hiện nay?

Ông Nguyễn Tùng Lâm: Về vấn đề chuyên gia năng suất, rõ ràng chúng ta thấy đang được trang bị, hệ thống hóa lại kiến thức công tác tổ chức, cải tiến trong doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp khi có chuyên gia năng suất đến làm việc hoặc bản thân doanh nghiệp có chuyên gia được chứng nhận thì tất cả các kỹ năng của chuyên gia có thể triển khai tại doanh nghiệp của mình.

Nhìn rộng hơn đối với nền kinh tế, chúng ta thấy rằng doanh nghiệp khi tiếp cận với các cách thức làm việc tiên tiến sẽ tạo ra văn hóa doanh nghiệp tốt hơn. Nếu cộng đồng doanh nghiệp càng đông, càng làm được theo cách tiếp cận văn hóa doanh nghiệp sẽ mang lại hiệu quả tốt.

Chúng ta thấy rằng, các doanh nghiệp FDI như Nhật Bản, Hàn Quốc,… có phong cách quản trị, tác phong, môi trường làm việc rất hiện đại và kỉ cương, kỉ luật tác động trực tiếp tới hiệu quả kinh tế nói chung.

Đây là tinh thần văn hóa doanh nghiệp mà chúng tôi thấy rằng, mặc dù nước ta vấn đề công nghệ đã từng bước được nâng cấp nhưng năng lực quản trị công nghệ vẫn còn hạn chế. Chuyên gia năng suất sẽ giúp doanh nghiệp sử dụng được năng lực công nghệ mới và đây chính là mặt tích cực dài hạn mang triển vọng cho nền kinh tế Việt Nam.

MC: Đối với cá nhân bà, sau khi được chứng nhận chuyên gia năng suất, được tham gia đào tạo về kiến thức cũng như thực hành bà có nhận định như thế nào về khóa học cũng như các tiêu chuẩn đánh giá chuyên gia năng suất tại Việt Nam?

Bà Đào Thị Minh Phượng: Tôi thấy đây là một chương trình giúp cho các chuyên gia nhìn nhận lại mặt đã đạt được và chưa đạt được, đồng thời bổ sung kiến thức cần thiết.

Ví dụ như nhiều chuyên gia chỉ chú trọng vào chuyên môn như giảm con người, giảm chi phí sản xuất, năng cao năng suất chất lượng sản phẩm. Nhưng để làm được điều đó cần nhiều yếu tố khác. Đôi khi chuyên gia chỉ cần đưa ra định hướng thì người lãnh đạo doanh nghiệp và những người làm việc lâu năm, gắn bó với công việc họ có thể đưa ra những sáng kiến cải tiến rất hiệu quả mà chuyên gia cần học hỏi ngược lại, từ đó đúc rút kinh nghiệm, hoàn thiện khả năng “thực chiến”.

Mặt khác, tôi hoàn toàn đồng ý với ông Lâm về vấn đề văn hóa. Bởi là một chuyên gia năng suất, ngoài trình độ chuyên môn, chuyên gia cần có kỹ năng mềm, khả năng diễn đạt cho công nhân hiểu được văn hóa doanh nghiệp, sức mạnh văn hóa doanh nghiệp sẽ tập hợp đội ngũ để làm việc.

Có một quan điểm tôi thấy rất đúng, đó là cá nhân người Việt Nam làm việc rất tốt, nhưng khi tập hợp lại thành một nhóm thì lại làm việc không hiệu quả bằng một nhóm người Nhật Bản. Do đó, một chuyên gia năng suất cần có đầy đủ kiến thức, chuyên môn để giúp doanh nghiệp xây dựng được văn hóa doanh nghiệp.

MC: Trong thời gian tới Viện năng suất có những kế hoạch như thế nào để nhân rộng hơn nữa mô hình đào tạo chuyên gia năng suất, thúc đẩy năng suất nước ta phát triển mạnh mẽ hơn, bắt kịp với xu thế của thời đại?

Ông Nguyễn Tùng Lâm: Viện Năng suất được Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quốc gia giao nhiệm vụ tổ chức chương trình đào tạo, chứng nhận chuyên gia năng suất theo chuẩn APO.

Chúng tôi đang có kế hoạch tổ chức các chương trình đào tạo cho giảng viên. Phối hợp với các trường đại học, các cơ quan, địa phương để xây dựng đội ngũ giảng viên đủ năng lực để sau đó có mạng lưới và tổ chức các chương trình đào tạo cho các ứng cử viên mong muốn, quan tâm đến chương trình này. Đồng thời phối hợp với các đơn vị khác của Ủy ban cũng như bên ngoài để chuyển giao các chương trình đào tạo đã được chuẩn hóa.

MC: Thưa quý vị, qua cuộc tọa đàm hôm nay có thể thấy Hệ thống chứng nhận chuyên gia năng suất sẽ giúp cho đất nước chúng ta nâng cao chất lượng chuyên gia năng suất, giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được đội ngũ chuyên gia có chất lượng, được đào tạo bài bản về các kiến thức và thực tiễn, nhằm giải các bài toán năng suất chất lượng có tính ứng dụng cao.

Một lần nữa xin cảm ơn các vị khách mời đã dành thời gian tham gia chương trình của Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn), cảm ơn quý vị và các bạn đã quan tâm theo dõi.

Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại!

NPV

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang